Nhà nghiên cứu đi bán sách rong sau 8 năm du học Nhật Bản

Trong khi bạn bè nói 'trở về để có thêm động lực ra đi', nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương kiên trì ở lại Việt Nam bán sách. Anh mong muốn thay đổi văn hóa đọc cho người Việt.

6h sáng thứ năm, thành phố uể oải trong gió lạnh đầu mùa, Nguyễn Quốc Vương ra khỏi nhà. Từ ngày đi bán sách, anh từ bỏ phương tiện cá nhân, di chuyển hoàn toàn bằng xe buýt và đi bộ. Anh mất hai tiếng để từ Long Biên đến bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, giao một thùng sách cẩm nang nuôi dạy con về Thanh Hóa.

Xách trên tay một túi lớn, lưng đeo ba lô đầy sách, anh rẽ qua ĐH Sư phạm Hà Nội để giao 4 quyển sách Lịch sử cho một người đàn ông làm xây dựng.

Thời gian còn lại của buổi sáng, anh ngồi đọc và dịch sách, mở điện thoại bất giác mỉm cười khi một giáo viên ở Yên Mô, Ninh Bình, chia sẻ hình ảnh có bốn học sinh mượn sách tại thư viện và những người bạn của anh Vương trong chương trình "Sách hóa nông thôn" lập nên. Một ngày của anh thường kết thúc vào lúc 19h-20h.

Trước đó, 8 năm du học ở Nhật, Nguyễn Quốc Vương chỉ về nhà một vài lần. Đồ đạc anh mang theo chủ yếu là quần áo và sách.

Có lần, anh gửi đường biển 5 thùng sách, phí hết 20 triệu đồng. Khi đó, lương giảng viên đại học ở Việt Nam chỉ 1,8 triệu đồng/tháng, đủ mua 2 quyển sách quý ở Nhật. Anh bảo có thời điểm phải làm việc một tuần ba buổi, rửa bát hay bốc vác hàng hóa vào ban đêm để có thu nhập.

Một tháng sau, sách mới chuyển về đến nhà. Trước ánh mắt tò mò của người xung quanh, anh mở thùng ra toàn sách, “chữ nghĩa lổm ngổm như cua bò”. Một người họ hàng thấy vậy, nói với bố anh nơi quê nhà: “Vương học nhiều bị ngơ rồi. Ở Nhật, máy móc nhiều không biết mua, mang sách về làm gì?”.

Bố của Nguyễn Quốc Vương - người lính đặc công năm xưa, sau này là thầy giáo - vốn kiệm lời, nghe vậy lặng thinh không nói gì nữa. Trong trí nhớ của Nguyễn Quốc Vương, ông chưa bao giờ phán xét những công việc con trai làm.

Từ thời niên thiếu, cậu bé Vương thường huyên thuyên với bố về các câu chuyện trong sách. Cậu tự nhận thấy riêng trong chuyện này bố có vẻ “chiều hơn”, bằng chứng là có lần làm tro bếp bắn cả vào ấm nước, phải đổ đi mà bố cũng không mắng.

Còn mẹ anh - người cả cuộc đời gắn với đồng ruộng, chăm lo và nuôi con lớn khôn - cũng chưa từng can thiệp, bởi bà biết con trai không phải người bốc đồng, làm gì cũng suy nghĩ rất kỹ.

Nguyễn Quốc Vương kể khi anh sinh ra, gia đình đã có tủ sách với khoảng 300-500 cuốn. Thời bao cấp, lương giáo viên không đủ ăn nhưng bố anh vẫn tiết kiệm tiền mua sách, dành thời gian xin sách và trân trọng những quyển sách được tặng.

Ông tự làm giá sách từ hai tấm ván được đặt trên những cái cọc và cắm vào tường, phân chia khu vực sách người lớn và sách cho trẻ nhỏ. Đọc sách ở nhà, đọc khi chăn trâu, mang sách ra đồng, đến lớp 3, Vương đã đọc hết những cuốn tiểu thuyết dày như Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang

Say mê sách, chàng trai quê Bắc Giang trở thành sinh viên rồi giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo viên trường THPT Nguyễn Tất Thành. Năm 2006, anh được chính phủ Nhật Bản cấp học bổng du học. Đến năm 2011, người đàn ông sinh năm 1982 này về nước, tiếp tục dạy học sau khi hoàn thành thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học lịch sử tại Khoa giáo dục, Đại học Shiga. Sau đó, anh tiếp tục sang Nhật học nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo dục Lịch sử tại Đại học Kanazawa.

Suy nghĩ đọc sách chỉ là nhu cầu của bản thân thay đổi khi anh hiểu ngôn ngữ Nhật và nhận ra mối quan hệ của sách với sự phát triển cộng đồng, đất nước và giáo dục.

Nguyễn Quốc Vương kể dù tìm hiểu và biết con người, đất nước Nhật Bản qua sách vở trước khi du học, anh vẫn thực sự sốc vì nó tương đối khác xa so với tưởng tượng ban đầu. Ngay lúc đặt chân xuống sân bay, người Nhật đã gây ấn tượng với thái độ, hành xử văn minh, con người làm việc chăm chỉ, có trách nhiệm. Ở Nhật, người ta đọc sách bất cứ nơi đâu.

“Tôi thấy rõ một xã hội muốn có sự phát triển và văn minh thì sự thay đổi không phải chỉ diễn ra trên thượng tầng chính trị, mà còn cần đến sự biến chuyển lớn trong lòng quốc dân. Cụ thể, đó là sự biến chuyển trong tư duy, thói quen, nếp sinh hoạt, lối sống, sâu xa hơn là ở đó phải có những cuộc cách mạng về văn hóa đọc”, Nguyễn Quốc Vương nói.

Theo nghiên cứu sinh tiến sĩ này, xã hội Nhật có tính thực tiễn và coi trọng tri thức thực dụng. Vì vậy, con người ham tìm tòi, ham đọc, ham viết.

Nước Nhật cũng đưa khuyến khích đọc sách vào pháp luật như: Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em (2001), Luật chấn hưng văn hóa đọc (2005). Định kỳ khoảng 5 năm, nước Nhật lại có kế hoạch phát triển văn hóa đọc quốc gia và quy định các cấp từ tỉnh cho đến tận làng, khu phố.

Theo The World Culture Score Index, người Nhật Bản trung bình dành 4,06 giờ mỗi tuần để đọc sách, 79% người Nhật đọc sách giấy và Guin Saga là cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử nước này. Số lượng bản in bán ra lên đến 30 triệu bản.

Cò (3 tuổi, con trai lớn) được bố Nguyễn Quốc Vương hình thành thói quen đọc sách từ khi 3 tuổi. Cậu bé mê đến nỗi cuốn dày 100 trang, Cò yêu cầu bố đọc lại hai lần. Khi được hỏi sau này muốn làm nghề gì, Cò nói: “Con muốn đi bán sách giống bố”.

Ngoài thời gian bán sách rong, đọc, dịch, dạy học và nói chuyện về sách, Nguyễn Quốc Vương có một nửa thời gian làm cố vấn biên tập truyện Ehon cho một nhà sách. Đây là loại sách chủ yếu nội dung được vẽ bằng tranh, có chủ đề câu chuyện, lời văn bổ sung, mang tính chất giáo dục.

Quốc Vương đọc Ehon từ khi có con nhỏ và lạc vào “một khu rừng mênh mông ẩn chứa nhiều điều thú vị” trong sách Nhật. Chính vì đam mê ấy, anh chọn cho mình một công việc ít người nghĩ tới sau khi rời Nhật Bản về Việt Nam vào tháng 4/2017.

Anh bảo những người ở nước ngoài lâu như mình, khi về Việt Nam, ít nhiều bị sốc văn hóa ngược. Bản thân anh từng có cảm giác “bơ vơ giữa hai thế giới”. Nhưng chính công việc bán sách rong lại giúp anh gần hơn với cuộc sống, có đủ trải nghiệm và bình tâm.

Anh ví cuộc sống như bức tranh muôn màu. Dù làm giáo viên, phiên dịch, tiếp xúc nhiều người ở nghề nghiệp khác nhau, anh vẫn thấy ngạc nhiên và thú vị khi gặp gỡ người khác trong vai bán sách rong.

Cái hay của việc tự bán sách là có thể biết được những ai quan tâm và đọc sách của mình. Hơn nữa, kết nối với độc giả, anh có thể biết được cảm nhận, phản hồi, nhận xét của họ như khen, chê, chỉ trích.

Ai đó lâu ngày không gặp hỏi: “Anh dạo này làm gì?”, Vương đáp: “Mình bán sách rong”. Người thân của anh cũng đã quen với việc đó, đến độ thay vì trước kia gọi điện hay nhắn tin hỏi “Hôm nay cậu ở nhà hay đi đâu?”, thì giờ sẽ là: “Cậu đang trải chiếu ở đâu đấy?”.

Người bán sách rong bày tỏ anh có nguyên tắc chỉ bán những cuốn sách đã đọc, đã hiểu. Do không coi đây là công việc “kiếm cớ sinh nhai”, anh bán sách không biết mình lãi lời thế nào, không hạch toán thu chi.

Quan điểm của Quốc Vương là công việc mà chỉ kiếm tiền sẽ mệt mỏi nên anh hài lòng với cuộc sống đủ chi tiêu và có thời gian bán sách, cho đọc - mượn sách miễn phí tại nhà. Vợ của anh cũng là giáo viên, thời gian rảnh cùng anh bán sách online. Điều đó có vẻ lạ, nhất là với nhiều người ở quê. Nhiều người nghĩ du học nhiều năm sẽ có rất nhiều tiền.

Bán sách rong, Quốc Vương cố gắng giao hàng trực tiếp cho khách, dù quen hay chỉ là người giao lưu trên mạng. Có những khách quen thường mua cả nghìn cuốn sách mới xuất bản cho thư viện. Có người thấy anh mang nhiều sách khi đi xe buýt hỏi mua ngay tại chỗ. Một khách hàng khác thậm chí ngỏ lời sẽ xin giấy phép cho anh bán rong trên phố đi bộ hồ Gươm, Hà Nội.

Tôi hỏi bao giờ thôi công việc bán sách rong, anh mỉm cười đáp: “Khi nào tôi không còn đủ sức khỏe và không ai còn hỏi đọc sách để làm gì, lúc đó, sự xuất hiện của tôi thành thừa thãi”.

Trước thông tin người Việt Nam đọc sách quá ít so với thế giới khi cộng cả sách giáo khoa và giáo trình, con số trung bình mới đạt vỏn vẹn 4 cuốn/người/năm, Nguyễn Quốc Vương nói anh không thấy lạ.

Là người đọc sách chuyên nghiệp, làm nghề liên quan sách, anh thường tận dụng thời gian đợi và ngồi trên xe buýt, chờ khách hàng để đọc sách. Qua quan sát, anh thấy người Việt rất ít đọc sách nơi công cộng. Họ thường dùng smartphone. Nhiều cha mẹ sẵn sàng bỏ tiền cho con đi học thêm nhưng không làm các tủ sách gia đình và không hướng dẫn con đọc sách. Có thể dễ dàng nhìn thấy địa vị của giá sách người Việt trong phòng khá khiêm tốn. Thay vào đó là bàn uống nước, tủ quần áo, kệ tivi, băng đài chiếm vị trí nổi bật.

“Tôi từng đọc một cuốn tiểu thuyết của Việt Nam dài 500 trang, viết về một ngôi trường nổi tiếng của Hà Nội và học sinh làm mọi thứ, trừ việc đọc sách. Cũng rất hiếm thấy các nhân vật trốn nỗi cô đơn vào sách, họ làm việc hay hành động liên quan sách”, Nguyễn Quốc Vương nói.

Anh bảo người Nhật có văn hóa đọc như ngày nay là do phụ nữ nuôi con nhỏ lập ra những câu lạc bộ đọc sách từ những năm 1960. Chúng ta bây giờ mới làm việc này. Đó cũng là lý do anh chuyên bán sách về giáo dục cho trẻ em, để mong muốn 10-15 năm sau, những đứa trẻ sẽ có môi trường văn minh hơn.

Anh quan niệm văn hóa đọc chỉ trở thành đỉnh cao khi giới bình dân thấy công việc này giống như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Vì vậy, việc cải thiện văn hóa đọc cần thiết phải xây dựng hệ thống thư viện, phương tiện truyền thông, cộng đồng chuyên về sách.

Một trong những câu nói ám ảnh nhất với Nguyễn Quốc Vương là trong tác phẩm Người cha tốt hơn người thầy tốt của Đông Tử: "Con người không đọc sách sẽ bị số phận trừng phạt, một dân tộc không đọc sách sẽ bị lịch sử trừng phạt".

Nguyễn Quốc Vương dẫn dắt, nếu trước thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, chúng ta có một nền tảng văn hóa đọc tốt, những cuộc cải cách Duy Tân có thể đã thành công.

“Cái đau xót của chúng ta là ở những thời điểm quyết định thường chỉ có một nhóm tinh hoa nhỏ bé lĩnh hội được những tư tưởng tiến bộ”, anh nêu quan điểm.

Không chỉ dân tộc mình mới có những khúc cua như vậy. Người Do Thái đã trải qua quá khứ đau thương và từng là nô lệ nhưng khi tái lập, họ trở thành quốc gia tuyệt vời như hôm nay, vì "sức đọc kinh khủng".

Lịch sử dân tộc Pháp, Mỹ, Nhật đều minh chứng những lần thoát khỏi nghịch cảnh nhờ vào "sức đọc". Minh Trị Duy tân là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách tân dẫn đến thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Nếu lúc đó người Nhật chỉ có 5% dân số biết chữ, không đọc sách để lĩnh hội được văn minh phương Tây, đặc biệt là khoa học kỹ thuật, khát vọng của họ đã trở thành vô vọng.

Anh đặt câu hỏi: “Trong thời đại tri thức toàn cầu, trước những vấn đề nóng bỏng của nhân loại, Việt Nam sẽ sử dụng nền tảng văn hóa nào để vượt qua các khúc cua, nếu chúng ta vẫn không chịu đọc sách?

“Còn với mỗi cá nhân, nếu không đọc sách, khó có tương lai tốt đẹp, bởi họ không khai sáng được bản thân và sử dụng giá trị đó đi giúp đỡ người khác”.

Quyên Quyên

Ảnh: Quỳnh Trang

Đồ họa: Hà My

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nha-nghien-cuu-di-ban-sach-rong-sau-8-nam-du-hoc-nhat-ban-15887.html