Nhà máy Nước mặt sông Đuống: Dự án hai mục tiêu chiến lược

Sau hơn một năm xây dựng, Nhà máy Nước mặt sông Đuống – một công trình hiện đại, theo tiêu chuẩn và công nghệ châu Âu với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ VNĐ cho nước sạch có thể uống tại vòi sắp cán đích.

Khẳng định một chủ trương

Theo thống kê, Hà Nội có dân số xấp xỉ 10 triệu người, bài toán về nước sạch bền vững cho người dân Thủ đô trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Giải bài toán thiếu nước sạch, Thành phố Hà Nội đã quyết liệt đưa ra chủ trương: Cung cấp nước sạch cho toàn dân; cắt giảm khai thác nước ngầm; xã hội hóa, tư nhân hóa ngành Nước để phát triển.

Chủ trương đã rõ nhưng làm sao để hiện thực hóa được một cách hiệu quả lại không dễ trả lời. Nước sạch theo cách hiểu đơn giản chỉ là dùng nguồn nước có sẵn sử dụng công nghệ lọc là có nước sạch để dùng. Tuy nhiên đây là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao bởi sản phẩm đưa ra thị trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, của cộng đồng...

Ngoài công nghệ, đòi hỏi doanh nghiệp tham gia đầu tư cần kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh, nguồn vốn lớn, bên cạnh đó sản phẩm nước sạch đưa ra thị trường phải đáp ứng quy định khắt khe về y tế…

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra tiến độ thi công nhà máy

Trong số doanh nghiệp đăng ký xin phép đầu tư, Công ty CP Nước mặt sông Đuống cùng nhà đầu tư chiến lược Công ty AquaOne thể hiện nhà đầu tư có tầm vóc, có kinh nghiệm và công nghệ. Ngay khi Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống được “thai nghén” dự án đã nhận được sự ủng hộ lớn của chính quyền TP Hà Nội cũng như nhân dân nơi dự án triển khai.

Đầu năm 2017, Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống được khởi công với những con số ấn tượng : Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 xấp xỉ 5.000 tỷ VNĐ; Cung cấp nước sạch cho vùng dân cư 3 triệu dân tại các quận, huyện phía Đông Bắc và Đông Nam Hà Nội; Quy hoạch tổng thể có diện tích mặt bằng 61,5ha, công suất tối đa 900,000m3/ngày; Có thể đáp ứng việc cung cấp 30% yêu cầu nước sạch toàn Hà Nội.

Mục tiêu dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần đóng góp vào quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội; Cung cấp nước sạch cho các khu vực dân cư, đặc biệt cho các trung tâm đô thị và các khu công nghiệp.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống khi đi vào vận hành sẽ cung cấp bổ sung nguồn nước đạt chất lượng cao (tiêu chuẩn uống tại vòi) cho các khu vực dân cư; đồng thời đảm bảo sự thay thế các nguồn nước ngầm đang khai thác trên địa bàn có tiềm ẩn các nguy cơ ô nhiễm, gây sụt lún đất nền.

Dự án chiến lượ̣c được thực hiện bởi nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm về phát triển xử lý nước mặt và bảo vệ môi trường đang dần về đích đúng như cam kết - cung cấp nước thương mại vào tháng 10/2018. Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống đang mang đến những kì vọng về một nguồn nước sạch bền vững cho Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại lễ khởi công xây dựng nhà máy

Đánh giá về đóng góp của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống khi hoàn thành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Dự án là một trong những dấu mốc quan trọng, khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc huy động các nguồn lực từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng của TP Hà Nội. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho những cam kết, nỗ lực của Thành phố trong việc thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư trên địa bàn Hà Nội.

Dự án cũng mở ra một hướng mới về đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong sản xuất và kinh doanh nước sạch; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động; thúc đẩy quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trong việc hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ...

Nỗ lực vì… nước sạch

Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang thành hình và sắp cán đích

Gần hai mươi tháng cho một khối lượng công việc đồ sộ, nguồn nhân lực tập trung cao đã và đang nỗ lực ngày đêm vì dự án nước sạch cho Thủ đô, đến nay Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng và đang chuyển giao cho phần lắp đặt thiết bị công nghệ.

Vì mục tiêu: Chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y Tế ban hành với 109 chỉ tiêu, Nhà máy nước mặt sông Đuống áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ Châu Âu đạt hiệu suất xử lý cao; tiết kiệm chi phí xây dựng; chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường.

Để đạt được tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi Dự án trong quá trình xây dựng và lắp đặt phải tuân thủ nghiêm ngặt các thiết kế của dự án như: Các thiết bị chính sử dụng cho dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ các nước G7, Châu Âu và Châu Á.

Tuyến ống truyền dẫn của nhà máy được đầu tư sử dụng các loại ống chất lượng cao (bao gồm ống thép; ống gang dẻo, ống HDPE và các vật tư phụ kiện) được nhập khẩu từ Châu Âu; Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và châu Á. Hệ thống ống truyền dẫn kết nối với nhà máy nước sẽ được kiểm soát thông qua hệ thống scada kết nối các dữ liệu về trung tâm điều khiển đặt tại nhà máy.

Nhằm đảm bảo tiến độ thi công, để có được những thiết bị sử dụng chất lượng, yêu cầu, ở đây có lẽ không chỉ có câu chuyện chạy đua về thời gian, tốc độ, câu chuyện nguồn lực mà còn là câu chuyện của lòng quyết tâm cao, làm việc nghiêm túc của tập thể Nhà máy nước mặt sông Đuống và chủ đầu tư .

Được biết, hướng đến sự phát triển bền vững, nhà đầu tư đang nghiên cứu và sẽ áp dụng các giải pháp tái sử dụng bùn thải cùng với việc tận dụng mặt bằng thuận lợi để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để tận dụng nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm chi phí.

Chiến lược bài bản được thực hiện bởi một chủ trương đúng đắn đã mang lại những động lực lớn cho Dự án. Bằng việc áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới đạt hiệu xuất cao; tiết kiệm chi phí quản lý vận hành Quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường, Nhà máy Nước mặt sông Đuống được coi như một sản phẩm mang dấu ấn của thời đại công nghệ 4.0, thể hiện tầm nhìn xa cho đô thị Hà Nội.

Sau bài toán kinh tế là bài toán xã hội. Xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Đuống không những thể hiện tầm nhìn xa cho đô thị Hà Nội, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Thành phố, tạo ra cơ hội cho người dân ba tỉnh, thành phố cùng hưởng lợi bền vững; xa hơn, Dự án sẽ góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em (giúp giảm thiểu các bệnh tật gây ra từ nguồn nước bị ô nhiễm). Đây cũng là cái đích mong muốn hướng đến cuối cùng của Dự án nước sạch toàn dân.

Theo ông Tạ Đức Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty AquaOne (nhà đầu tư chiến lược dự án), một trong những khó khăn mà Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống phải đối mặt và sẵn sàng vượt qua đó là, đối với dự án khai thác nước mặt luôn cần chi phí lớn, đòi hỏi nhà đầu tư phải có công nghệ cao, có kinh nghiệm và cả tiềm lực tài chính lớn. Song giá thành sản phẩm đến tay người dùng phải cạnh tranh với giá khai thác nước ngầm. Do vậy, chúng tôi đã xác định ngay từ khi quyết định đầu tư, chấp nhận kéo dài thời gian thu hồi vốn thậm chí thua lỗ thời gian đầu để người dân Thủ đô được sử dụng nguồn nước sạch chất lượng nhất như chúng tôi đã cam kết.

Trần Nguyễn

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//nha-may-nuoc-mat-song-duong-du-an-hai-muc-tieu-chien-luoc_n39171.html