Nhà máy nước Hải Vân thiếu hụt nguồn nước, vì sao?

Ngay trong đầu mùa nắng này, Nhà máy sản xuất nước Hải Vân, thuộc Xí nghiệp sản xuất nước sạch- Cty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) đã thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung cấp nước nguyên liệu cho nhà máy đang bị xâm phạm về những quy định của Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường (TN-MT).

Ngay trong đầu mùa nắng này, Nhà máy sản xuất nước Hải Vân, thuộc Xí nghiệp sản xuất nước sạch- Cty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) đã thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung cấp nước nguyên liệu cho nhà máy đang bị xâm phạm về những quy định của Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường (TN-MT).

Nước được xả về các hồ chứa nhân tạo xây dựng trái phép của các hộ kinh doanh hạ lưu Suối Lương sau bờ đập thu nước của Nhà máy nước Hải Vân.

Nước được xả về các hồ chứa nhân tạo xây dựng trái phép của các hộ kinh doanh hạ lưu Suối Lương sau bờ đập thu nước của Nhà máy nước Hải Vân.

Ông Lê Văn Chiến- Phụ trách Nhà máy sản xuất nước Hải Vân cho biết, nhà máy có công suất sản xuất 5.000m3 nước ngày/đêm hòa với mạng lưới hệ thống cung cấp nước sạch của Đà Nẵng, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ đủ nước sản xuất dưới 2.000m3 ngày/đêm, nguyên nhân là do thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước nguyên liệu. Theo ông Chiến, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, nhà máy sẽ phải ngừng sản xuất, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của hàng chục nhà máy, KCN Liên Chiểu, đời sống hàng nghìn hộ dân các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam (Q. Liên Chiểu).

Đập và cửa thu nước nguyên liệu của nhà máy đặt tại khu vực tổ 1, P. Hòa Hiệp Bắc, đầu nguồn Suối Lương, tuy nhiên từ nhiều năm qua, phía thượng lưu và hạ lưu của công trình này đã bị các hộ dân, các hộ kinh doanh du lịch cho xây đập chắn ngang dòng suối, và bắc ống dẫn nước từ thượng lưu Suối Lương chặn nguồn nước cung cấp của nhà máy. Nhà máy nước Hải Vân là công trình của DAWACO, do thành phố quản lý, khi xây dựng đã được Bộ TN-MT quy định rõ: để đảm bảo an toàn về nguồn nước và vệ sinh môi trường, hành lang an toàn bảo vệ tính từ bờ đập và cửa thu nước nhà máy về phía thượng lưu Suối Lương là 800 mét, về phía hạ lưu là 200 mét. Tuy nhiên quy định này đã bị xâm phạm nghiêm trọng, không những thế việc xây dựng các đập chắn dòng Suối Lương cũng vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường.

Theo các cán bộ Nhà máy nước Hải Vân đi thực tế tại khu vực đập cửa thu nước nhà máy tại Suối Lương, chúng tôi chứng kiến dòng suối này tại khu vực đã biến dạng hoàn toàn. Phía thượng lưu bờ đập nhiều bờ đập xây chặn ngang dòng suối, hàng chục ống dẫn nước về các hộ kinh doanh du lịch, phía hạ lưu dòng suối cũng tương tự như vậy. Ông Chiến cho biết, nhà máy đã thống kê các điểm kinh doanh du lịch gồm: Khu du lịch Suối Lương, nhà nghỉ Suối Lương 2, nhà hàng Thủy Lâm Viên, nhà hàng Đá Đôi, nhà hàng Thủy Tiên và Trại nuôi heo rừng... và 6 cơ sở này đã xây đập chặn dòng và đấu nối ống trực tiếp vào đường ống nước của nhà máy. Ngay từ năm 2017, nhà máy đã có văn bản gửi Sở TN-MT, UBND Q. Liên Chiểu cùng chính quyền P. Hòa Hiệp Bắc, nhưng việc xử lý tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn nguồn nước của Nhà máy nước Hải Vân vẫn chưa được xử lý.

Nguồn nước tại bờ đập thu nước của Nhà máy nước Hải Vân cạn kiệt.

Do nguồn nước cạn kiệt, từ tháng 4 đến tháng 7-2019, nhà máy đã phải ngừng sản xuất, tình trạng này có nguy cơ sẽ diễn ra trong năm 2020. Ngày 12-3-2020, DAWACO cũng đã có văn bản gửi Sở TN-MT về sự việc Nhà máy nước Hải Vân, đề nghị cho triển khai đóng mốc lộ giới phạm vi bảo vệ an toàn nguồn nước nhà máy tại Suối Lương.

Trao đổi về vấn đề tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn nguồn nước của Nhà máy nước Hải Vân tại Suối Lương, ông Bùi Hồng Hải- Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Bắc cho rằng: "Tình trạng các hộ dân xây đập chắn ngang dòng Suối Lương đã diễn rà từ năm 2005, tại khu vực tổ 1, Hòa Hiệp Bắc, tức là trước khi có nhà máy nước Hải Vân. Đây là những hộ dân có đất làm rẫy và mở nhà hàng kinh doanh phục vụ du lịch, có khoảng 11 hộ dân. Trước đây UBND Q. Liên Chiểu và phường đã có xử lý và tuyên truyền vận động du khách và các hộ dân phải đảm bảo vệ sinh môi trường nguồn nước, giữ nguyên hiện trạng đã xây dựng, không được tiếp tục xây dựng, cơi nới trái phép. Trong năm 2019, Thanh tra thành phố đã tiến hành thanh tra công tác quản lý đất đai toàn bộ khu vực, hiện nay phải chờ kết luận thanh tra thì quận mới có hướng xử lý các trường hợp xây dựng trái phép và xây đập chặn ngang dòng Suối Lương...".

Việc bao giờ mới có kết luận thanh tra chúng tôi không rõ, nhưng thực tế hiện nay, hành lang bảo vệ an toàn nguồn nước Nhà máy nước Hải Vân đang bị xâm hại nghiêm trọng, nguy cơ hoạt động sản xuất của hàng chục nhà máy tại KCN Liên Chiểu, đời sống hàng nghìn hộ dân đang bị ảnh hưởng... Đề nghị chính quyền Q. Liên Chiểu và ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý.

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_221746_nha-may-nuoc-hai-van-thieu-hut-nguon-nuoc-vi-sao-.aspx