Nhà máy 'nhử ruồi' đến, người dân khốn đốn

Sáng 24- 2, rất đông người dân thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, H. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tập trung kéo lên cổng Nhà máy rác thải Phú Hà (đóng trên địa bàn) để phản đối việc nhà máy này đốt, xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, người dân còn mang cả ruồi đến đặt trước cổng nhà máy để phản đối. Theo người dân phản ánh, kể từ khi Nhà máy rác thải Phú Hà đi vào hoạt động thì xuất hiện mùi hôi thối nồng nặc khiến cho cuộc sống của hơn 40 hộ dân thôn Nam Xuân Sơn bị xáo trộn, ảnh hưởng.

Người dân tập trung trước cổng Nhà máy xử lý rác Phú Hà để yêu cầu nhà máy xử lý tình trạng ô nhiễm...

Người dân tập trung trước cổng Nhà máy xử lý rác Phú Hà để yêu cầu nhà máy xử lý tình trạng ô nhiễm...

Người dân cho rằng, theo quy định thì nhà máy xử lý rác thải phải xây dựng cách QL là 600m; cách khu dân cư tối thiểu là 500m. Tuy nhiên, Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà lại được xây dựng có chung hành lang với QL 12C và chung bờ tường rào với khu dân cư là thôn Nam Xuân Sơn. Trong đó, hộ gần nhất chỉ cách nhà máy này chừng hơn 10m. Từ ngày nhà máy đi vào hoạt động, hàng ngày xe tập kết rác về xử lý gây ra mùi hôi thối nồng nặc, khói của lò đốt rác phát tán trong không khí tỏa ra khu dân cư, nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt làm “dịch ruồi” phát sinh… khiến người dân không tài nào chịu được.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt không nén nổi bức xúc: “Gia đình tôi ở sát với hàng rào nhà máy nên mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng đầy nhà. Mỗi lần ăn cơm thì ruồi đậu đen bàn, nhiều lúc phải mắc màn để ăn cơm. Chịu sao thấu cảnh này mãi được”.

Cùng chung cảnh ngộ như bà Nguyệt, nhiều hộ dân nơi đây bày tỏ: “Chúng tôi sẽ đứng ở cổng nhà máy này cho đến khi nào nhà máy này xử lý dứt điểm tình trạng hôi thối. Chúng tôi yêu cầu, nếu nhà máy tiếp tục hoạt động thì đề nghị chính quyền chuyển chúng tôi đi chỗ khác ở chứ ở đây không thể nào chịu đựng được nữa…”.

“Hơn 40 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của nhà máy xử lý rác thải đã đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Người dân yêu cầu trả lại môi trường trước kia cho họ hoặc là di dời hơn 40 hộ dân đi đến địa điểm khác cách xa nhà máy- ông Vũ Văn Sự, trưởng thôn Nam Xuân Sơn cho biết.

Theo lãnh đạo UBND xã Kỳ Tân, địa phương đã xây dựng phương án di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của nhà máy. Hiện các cơ quan chức năng liên quan đang tính toán kinh phí để di dời. Nguyện vọng của người dân và lãnh đạo địa phương là mong các cơ quan cấp trên xem xét tạo điều kiện để có vùng tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực đó càng sớm càng tốt.

Trong ngày xảy ra sự việc, lãnh đạo UBND H.Kỳ Anh đã tổ chức đối thoại với các hộ dân. Trong cuộc đối thoại, đã có 8 ý kiến phát biểu đại diện cho hơn 40 hộ dân bị ảnh hưởng. Các ý kiến đều tập trung kiến nghị với chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm có phương án cụ thể, tiến hành di dời các hộ dân vùng ảnh hưởng đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, sản xuất.

... và người dân mang cả ruồi đến để chứng minh sự ô nhiễm môi trường.

Tại cuộc họp, lãnh đạo H. Kỳ Anh đã phân tích rõ để người dân hiểu việc xây dựng nhà máy tại địa bàn là yêu cầu thực tiễn để xử lý rác thải cho H. Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, đặc biệt là khu kinh tế Vũng Áng và mong muốn người dân chia sẻ, đồng hành với sự phát triển chung. Đối với việc di dời các hộ dân tới vùng tái định cư, UBND huyện đã thực hiện đầy đủ các bước và đã trình lên cấp trên. Theo đó, UBND tỉnh cũng đã có phương án di dời các hộ dân, hiện ngành chức năng đang tiến hành thẩm định. Về nguồn kinh phí, sẽ do Nhà nước và doanh nghiệp cùng thực hiện và sẽ triển khai việc di dời trong thời gian sớm nhất.

Trước mắt, lãnh đạo H.Kỳ Anh yêu cầu Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà soát xét lại quy trình vận hành, có giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tối đa tình trạng phát mùi và khí thải làm ảnh hưởng tới các hộ dân sinh sống lân cận. Cùng đó, khẳng định, sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu kiến nghị chính đáng của người dân; đồng thời yêu cầu bà con khi thực hiện việc kiến nghị cần tuân thủ quy định pháp luật, không để bị kích động, lôi kéo gây mất tình hình ANTT trên địa bàn.

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo UBND H.Kỳ Anh, các ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực; cũng như phương án tối ưu nhất và hứa sớm giải quyết vấn đề này nhanh nhất có thể. Đồng tình với những nội dung tại cuộc đối thoại và đặt niềm tin vào chính quyền, người dân thôn Nam Xuân Sơn đã giải tán đám đông trước cổng nhà máy. Nhà máy xử lý rác Phú Hà đã hoạt động trở lại, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý rác một cách bình thường vào ngày 25- 2.

X.S

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/158_179804_cam-giac-tet.aspx