Nhà máy Nhôm Đông Anh chủ động thích ứng vượt qua khủng hoảng

Nhà máy Nhôm Đông Anh đã có những phải pháp biến 'nguy thành cơ', chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh để duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong và sau dịch.

Đứng trước việc “bóng đen” COVID-19 bủa vây dẫn đến doanh thu toàn ngành Nhôm ước giảm 30% trong quý I và có nguy cơ phải cắt giảm đến 40% lượng lao động trong Quý II/2020, Nhà máy Nhôm Đông Anh trực thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí Đông Anh Licogi với các dòng sản phẩm nhôm định hình chất lượng cao và cung cấp cho thị trường rất nhiều sản phẩm trong lĩnh vực Công nghiệp: Cột đèn chiếu sáng, giàn băng tải, ống máy bơm, vách ngăn phòng sạch, tản nhiệt chi tiết máy, lan can cầu đường bộ… đã làm gì để đảm bảo công ăn việc làm và nguồn thu nhập, hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn này?

Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.

Khó khăn chồng chất

Nguồn nguyên liệu, việc đóng các cửa khẩu, tăng cường kiểm soát dịch bệnh đối với hàng hóa nhập khẩu khiến cho việc nhập nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề đòi hỏi việc quản lý nguồn nguyên liệu cấp thiết hơn bao giờ hết, từ việc sử dụng hiệu quả, giảm lẵng phí đến bảo quản tránh thất thoát và ảnh hưởng đến chất lượng.

Nhu cầu nhôm phục vụ xây dựng trong nước giảm sút nghiêm trọng khiến các hoạt động sản xuất, xây dựng ngưng trệ. Thị trường xuất khẩu từ đầu tháng 3 khi dịch bệnh lây lan rất nhanh nên việc xuất khẩu nhôm xây dựng sang thị trường châu Mỹ, Châu Âu cũng bị hạn chế.

Khó khăn về kho vận, bị chậm, thậm chí ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời gian thông quan nhập khẩu cũng kéo dài do phải thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêu độc, kiểm soát dịch bệnh trên người và hàng hóa trước khi thông quan dẫn đến mất nhiều thời gian trung chuyển, chậm thông quan, chậm lưu thông hàng hóa.

Chủ động vượt qua

Duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong và sau dịch.

Nhà máy Nhôm Đông Anh đã có những phải pháp biến “nguy thành cơ”, chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh để duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong và sau dịch. Trong đó có việc khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong quá trình sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.

Qua tìm hiểu, lãnh đạo công ty nhận thấy những lợi ích mà bố trí mặt bằng hợp lý sẽ giúp nâng cao năng suất chất lượng, nhịp độ sản xuất nhanh hơn, tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực vật chất, tối thiểu hóa chi phí hoạt động và tồn trữ nguyên vật liệu, tối ưu hóa không gian sử dụng. Lãnh đạo doanh nghiệp nhanh chóng đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC2) trực tiếp thực hiện.

Bố trí mặt bằng sản xuất là một trong những nội dung quan trọng trong quản trị sản xuất, nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, thời gian sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp. Trong điều kiện mặt bằng sản xuất và dịch vụ ngày càng khó kiếm và đắt giá, việc bố trí mặt bằng một cách hợp lý, khoa học sẽ giúp tăng cường tính hiệu quả và tiết kiệm chi phí rõ rệt. Trong quá trình triển khai, nhóm cải tiến đã cùng tư vấn phân tích mặt bằng, các điều kiện sản xuất khu vực gia công chế tạo, xác định dòng chảy sản phẩm, tính toán và tìm đường đi tối ưu của sản phẩm. Từ đó, các giải pháp được đưa ra để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, trình ban lãnh đạo công ty phê duyệt và thử nghiệm.

Qua hơn 6 tháng triển khai dự án tại công ty đã đạt được những kết quả ban đầu rất khả quan với sản lượng toàn nhà máy tăng 20,9%, cụ thể: Tại công đoạn đùn ép năng suất tăng trên 15%; năng suất công đoạn Anode tăng 10%; năng suất công đoạn sơn phim tăng 11%; năng suất công đoạn gia công hoàn thiện tăng 5,4%; thời gian giao hàng rút ngắn 30% (từ 10-15 ngày xuống còn 7-10 ngày).

Chia sẻ khó khăn

Để duy trì những kết quả trên, công ty tiếp tục triển khai các hoạt động phân tích mặt bằng, điều kiện sản xuất tại các khu vực khác. Hoạt động tối ưu hóa bố trí mặt bằng được duy trì như yếu tố then chốt giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh, giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Trong bối cảnh chung này, mỗi DN chọn cách vượt khó khác nhau. Nhà máy Nhôm Đông Anh vẫn bám đuổi quan điểm truyền thống là sản xuất sản phẩm chất lượng cao, cung cấp dịch vụ tốt và giá cả cạnh tranh.

Lê Minh Dưng

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nha-may-nhom-dong-anh-chu-dong-thich-ung-vuot-qua-khung-hoang-d181105.html