Nhà máy nhiệt điện trong 'cơn khát' than

Hiện nay, do thiếu than nên hàng loạt nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đã phải giảm công suất, thậm chí có khả năng phải ngừng hoạt động. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng cung ứng điện trong thời gian tới.

Tiếp tục thiếu than, một số NMNĐ sẽ phải ngừng hoạt động. Ảnh: ST

Đồng loạt giảm công suất

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về vấn đề hết than cho sản xuất điện tại NMNĐ của EVN.

EVN cho biết, hiện nay, hệ thống điện đang gặp nhiều khó khăn trong công tác vận hành an toàn, liên tục và ổn định. Cụ thể, tổng sản lượng phụ tải điện quốc gia dự kiến 2 tháng cuối năm ước đạt 37,5 tỷ kWh, cao hơn 600 triệu kWh so với kế hoạch năm 2018. Các hồ thủy điện trong hệ thống, đặc biệt là khu vực miền Trung mặc dù đang trong giai đoạn lũ chính vụ nhưng mực nước của nhiều hồ thủy điện xấp xỉ mực nước chết với lưu lượng nước về thấp nhất trong chuỗi thủy văn từ trước đến nay. Tổng sản lượng thủy điện theo nước về của 2 tháng cuối năm trên toàn hệ thống thấp hơn 1,5 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2018 (tần suất 65%). Hơn nữa, việc suy giảm khả năng cấp khí phục vụ phát điện từ hệ thống khí Nam Côn Sơn chỉ đạt trung bình 16,5 triệu m3 khí/ngày trong 2 tháng cuối năm do mỏ khí Phong Lan Dại vào chậm, sản lượng điện từ khí bị hụt 810 triệu kWh trong 2 tháng.

"Để bù đắp sản lượng điện 2,9 tỷ kWh thiếu hụt trên, cần phải huy động tối đa các nhà máy điện than hiện có với sản lượng dự kiến 2 tháng cuối năm đạt 10,1 tỷ kWh, tăng 1,47 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2018. Ngay cả khi huy động tối đa như vậy thì mức nước các hồ thủy điện cuối năm cũng sẽ bị giảm thấp không đảm bảo đủ nước cho cung cấp điện và nước cho năm 2019", EVN nêu rõ.

Với nhu cầu huy động nhiệt điện than cao như vậy, tuy nhiên từ đầu tháng 10 đến nay, lượng than cung cấp cho các NMNĐ liên tục sụt giảm dẫn đến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng và phải ngừng máy. Cụ thể, trong tháng 10, tổng lượng than cung cấp cho các NMNĐ của EVN là 2,15 triệu tấn, thấp hơn so với tổng khối lượng tiêu thụ là 2,26 triệu tấn. Từ đầu tháng 11 đến nay, tổng khối lượng than cấp là 1,683 triệu tấn, thấp hơn so với tiêu thụ là 1,914 triệu tấn. Tổng khối lượng than thiếu hụt từ đầu tháng 10 cho tới nay là 342.334 tấn nên các nhà máy phải huy động khối lượng than dự trữ trong kho.

"Thực tế, tình hình cấp than cho các NMNĐ càng trở nên cấp bách khi lượng than dự trữ tại các nhà máy trong một số ngày gần đây bị giảm xuống rất thấp. Cụ thể, đến ngày 21/11, NMNĐ Quảng Ninh chỉ còn hơn 12,9 nghìn tấn than (đủ vận hành 1 ngày); NMNĐ Hải Phòng còn hơn 52,2 nghìn tấn (khoảng hơn 4 ngày vận hành); NMNĐ Mông Dương 1 còn hơn 62,8 nghìn tấn (khoảng 5 ngày vận hành)...", văn bản của EVN nêu rõ.

Do lượng than cung cấp thiếu hụt kéo dài nên một số nhà máy đã phải giảm công suất hoặc ngừng hẳn các tổ máy. Cụ thể như: NMNĐ Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than ngày 3/11; NMNĐ Nghi Sơn phải giảm công suất 2 tổ máy về mức tối thiểu từ 0h ngày 22/11; NMNĐ Quảng Ninh phải giảm công suất 4 tổ máy từ ngày 31/10 và ngừng hẳn 2 tổ máy từ ngày 17/11; NMNĐ Hải Phòng phải giảm công suất 4 tổ máy từ ngày 19/11 và ngừng hẳn 1 tổ máy từ ngày 22/11. Các NMNĐ Mông Dương 1, Nghi Sơn 1 có khả năng sẽ phải dừng hoạt động. Tổng công suất thiếu hụt do các NMNĐ than phải ngừng/giảm công suất là khoảng 2.300 MW (tương đương với công suất sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung).

Đề nghị ưu tiên than cho điện

Đại diện EVN cho hay, tổng nhu cầu than cho phát điện trong năm 2019 theo kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia là 54 triệu tấn. Trong đó, than sản xuất trong nước là 43,4 triệu tấn và than NK là 10,68 triệu tấn. Đối với than NK, các NMNĐ đã chủ động lập kế hoạch và ký các hợp đồng mua bán than để có thể đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than cho sản xuất của các nhà máy. Tuy nhiên, với sản xuất trong nước, theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc: Tổng khối lượng than của hai đơn vị này cho sản xuất điện trong năm 2019 chỉ đạt 37,21 triệu tấn, thấp hơn 6,19 triệu tấn so với nhu cầu (tương ứng khoảng 12,5 tỷ kWh điện). Việc không đảm bảo cung cấp than dẫn tới phải dừng các NMNĐ than làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh cung cấp điện, có khả năng phải cắt điện các phụ tải ngay từ các tháng đầu năm 2019.

Để đảm bảo các nhà máy điện vận hành ổn định, cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải trong các tháng cuối năm 2018 và dự trữ chuẩn bị cho mùa khô (6 tháng đầu năm) 2019, EVN đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc cân đối lại các nguồn than để ưu tiên cung cấp cho sản xuất điện. Trước mắt, huy động lượng than đang dự trữ trong kho của TKV và Tổng công ty Đông Bắc để cung cấp ngay cho các nhà máy sản xuất trong các tháng cuối năm 2018 và dự trữ chuẩn bị cho mùa khô 2019; cho phép TKV và Tổng công ty Đông Bắc NK than để trộn với than sản xuất trong nước cung cấp cho các NMNĐ. Giá than trộn sẽ được điều chỉnh theo công bố giá chính thức của TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Hai đơn vị này phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của giá được công bố. Trước mắt, EVN đề nghị thực hiện cấp than trộn cho NMNĐ Thái Bình trong tháng 12/2018 (khoảng 200.000 tấn).

Bên cạnh đó, EVN còn đề nghị, đối với lượng than thiếu hụt do TKV và Tổng công ty Đông Bắc không cung cấp được, cho phép chủ đầu tư các NMNĐ than chủ động tìm kiếm các nguồn than hợp pháp trong nước và NK để trộn hoặc đốt trực tiếp cho các nhà máy, thực hiện ngay trong năm 2019. Giá điện sẽ được điểu chỉnh theo giá nhiên liệu đầu vào...

Liên quan tới vấn đề này, tại buổi họp báo chiều 28/11 của TKV, ông Nguyễn Hoàng Trung-Phó Tổng giám đốc TKV cho biết: Năm 2019, trên cơ sở năng lực sản xuất của TKV theo các giấy phép khai thác than hiện có, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ NK để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Tuy vậy, ông Trung cũng nêu rõ không ít khó khăn của TKV khi thực hiện kế hoạch năm 2019, nhất là trong NK, pha trộn. Cụ thể, nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than. Ví dụ, năm 2017, TKV cung cấp 23,6 triệu tấn than cho điện; năm 2018, than cho điện dự kiến trên 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn. Trong trường hợp giảm huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than, lượng than tiêu thụ sẽ giảm rất mạnh. Do vậy, cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư. “Bên cạnh đó, giá bán than cho các hộ điện hiện nay thấp hơn giá thị trường và thấp hơn nhiều so với giá than NK. Vì vậy, cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than NK với than trong nước sản xuất để TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ động tính toán phương án NK đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019”, ông Trung nói.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nha-may-nhiet-dien-trong-con-khat-than.aspx