Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả: Triệu tấn chất thải và lời kêu cứu của người dân

Từ nhiều năm trở lại đây, tro xỉ (một loại chất thải từ hoạt động nhiệt điện) của Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả đã trở nên quá tải do bãi đổ không đủ sức chứa, cùng với những biện pháp bảo vệ hết sức 'thiếu' và 'yếu', khiến cho nhà máy này đã và đang, ngày và đêm, đe dọa sức khỏe của hàng nghìn người dân và môi trường xung quanh.

Cả triệu tấn chất thải từ nhiệt điện chất cao như “núi”

Theo phản ánh của người dân, phóng viên báo Người Đưa Tin tìm về phường Cẩm Thịnh, TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh), nơi đang có nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả hoạt động, để tìm hiểu về những ảnh hưởng trong hoạt động của nhà máy này đến môi trường, sức khỏe người dân

Theo quan sát, chất thải từ nhiệt điện chất cao như “núi”, tới mức thiết kế không thể chứa được, chỉ cần vài cơn gió là trường học, bệnh viện, khu dân cư xung quanh phải nếm trải rất nhiều bụi bặm.

Những người dân sống quanh khu vực này phản ánh, cuộc sống của họ ở đây chỉ ngập trong bụi. “Nắng lên thì bụi, mưa xuống thì bẩn, nhà cửa vừa lau chùi xong lại đóng một lớp dày. Mái nhà, sân vườn một màu nâu đất, nhỏ và mịn như bột” – một người dân sống trong khu vực này cho biết.

Theo tài liệu PV thu thập được, bãi chứa tro xỉ của nhà máy được thiết kế với dung tích 3,52 triệu tấn với tổng diện tích 44,709ha (quyết định 2496/QĐ-NLDK ngày 01/10/2003 do bộ Công nghiệp, nay là bộ Công Thương phê duyệt). Tuy nhiên, đến nay bãi chứa xỉ khoảng 4,64 triệu tấn, đã vượt dung tích thiết kế ~131% (tương đương 1,12 triệu tấn).

Cả triệu tấn tro xỉ thải đổ cao vượt mức cho phép từ 5-7m, không khác gì những quả "núi".

Cả triệu tấn tro xỉ thải đổ cao vượt mức cho phép từ 5-7m, không khác gì những quả "núi".

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Hải – Phó phòng Kỹ thuật an toàn công ty Nhiệt điện Cẩm Phả đã thừa nhận tình trạng này. Theo ông Hải, hiện nay đúng là bãi đổ tro xỉ đang bị quá tải, so với mặt bằng được phép đã đổ cao hơn khoảng 4m. Tuy nhiên, qua biên bản làm việc do chính công ty cung cấp, cùng với việc kiểm tra hiện trường, nhận thấy độ cao bãi xỉ đã vượt quá cao trình đổ thải cho phép trung bình từ 5 - 7m (tính từ mặt đê quai tính lên).

Vị này cũng cho biết, hiện kế hoạch trong năm nay công ty đã thực hiện bốc xúc được khoảng 400 nghìn tấn tro xỉ, dự kiến đến quý II/2020 sẽ hoàn thành nốt.

Đồng thời, cũng theo tài liệu công ty này cung cấp, đơn vị có triển khai biện pháp bảo vệ, hạn chế bụi ra môi trường xung quanh như: che phủ toàn bộ 10.000m2 khu vực này bằng bạt; trồng bổ sung 3.000 cây xanh quanh khu vực đê bao; lắp đặt hệ thống cấp nước dập bụi bãi thải tro xỉ,… Tuy nhiên, việc này cũng chỉ giúp hạn chế phần nào, chứ không thể ngăn chặn toàn bộ bụi từ chất thải này ảnh hưởng tới người dân.

Bởi lẽ, thực tế, diện tích được che phủ bạt là rất nhỏ, chưa đến 10% tổng diện tích toàn khu vực; rất nhiều cây xanh trồng bao quanh bị chết khô, số lượng cây trồng không như trên tài liệu được công ty “vẽ” lên tới 30.000 cây; đồng thời trên tuyến đường vận chuyển đổ thải cũng không có phương tiện tưới nước dập bụi như báo cáo (ngoài một đoạn đường được làm trũng còn sót chút nước sau mưa).

Diện tích che phủ bạt rất nhỏ, trong khi đó theo báo cáo của công ty là 10.000m2.

Cách bãi thải tro xỉ không xa là bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả (bệnh viện cọc 7), khu dân cư. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, chỉ cần một cơn gió là người dân "lĩnh đủ" bụi bặm.

Nhập nhằng câu trả lời từ chính cán bộ công ty

Chưa thỏa mãn về câu trả lời của ông Lê Đức Hải, PV tiếp tục liên hệ với công ty thì được 3 cán bộ phụ trách công tác kĩ thuật, môi trường tiếp đón.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, với thực trạng khu đổ tro xỉ như vậy, công ty đã nhận được những phản ánh của người dân hay chưa? Ông Lê Đức Hải – Phó phòng Kĩ thuật an toàn cho biết, công ty đã từng có buổi làm việc báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, việc này UBND Thành phố Cẩm Phả cũng đã biết, cũng có nhắc nhở, chưa có xử lí gì nghiêm trọng.

Phóng viên hỏi tiếp: “Tức là chưa có biện pháp xử lí trực tiếp gì?”, ông này ậm ờ “cũng có xử lí rồi”. Tuy nhiên, khi được hỏi lại “Ông có chắc chắn phía chính quyền chưa có biện pháp xử lí gì hay không?”, ông Hải tỏ ra ấp úng, tìm cách thoái thác, không trả lời.

Ngay lúc đó, ông Dương Hồng Hải - Phó Giám đốc, yêu cầu ông Lê Đức Hải cùng một cán bộ khác ra ngoài tìm tài liệu, “giải vây” cho cấp dưới của mình. Trong suốt lúc chờ tài liệu, ông Phó giám đốc liên tục đề xuất với phóng viên về việc hạn chế cung cấp thông tin bất lợi, mà chỉ nên đưa những giải pháp khắc phục công ty đã thực hiện được.

Vài phút sau, cán bộ công ty có quay lại mang theo một số tài liệu liên quan, nhận thấy chưa có nội dung mình cần, phóng viên đặt câu hỏi về tài liệu công ty đã từng bị xử phạt hay chưa, các vị này tìm cách thoái thác, yêu cầu phóng viên liên hệ với thành phố để cung cấp.

Với cách làm việc, cung cấp thông tin thiếu tự tin như vậy, phải chăng ban lãnh đạo công ty này đang có điều gì mờ ám cần che giấu? Công ty này đã từng bị xử phạt về những tác động tới môi trường, người dân xung quanh hay chưa?

Đồng thời, dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền cơ sở, liệu có sự buông lỏng quản lý hay không?

Thông tin vụ việc sẽ tiếp tục được cung cấp!

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nha-may-nhiet-dien-cam-pha-trieu-tan-chat-thai-va-loi-keu-cuu-cua-nguoi-dan-a441112.html