Nhà máy mía đường Việt - Đài (Thanh Hóa): Tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường

Kể từ khi nhà máy Mía đường Việt Nam - Đài Loan đóng tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân xã Thành Vân và một số xã lân cận nhà máy đã phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguồn nước sinh hoạt bị cạn kiệt. Trong khi bà con hết sức bức xúc thì phía chính quyền các cấp và nhà máy chưa có bất kỳ động thái nào trong công tác bảo vệ môi trường.

Một lượng rỉ mật lớn của nhà náy mía đường Việt - Đài tràn ra môi trường mà không được xử lý.

Một lượng rỉ mật lớn của nhà náy mía đường Việt - Đài tràn ra môi trường mà không được xử lý.

Sống chung với ô nhiễm

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Đại Đoàn Kết được biết: Với sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm, hàng ngày Nhà máy Mía đường Việt - Đài đều đều nhả ra cột khói lúc đen ngòm lúc trắng xóa bao trùm cả một khu vực rộng lớn kèm theo mùi khét lẹt, nồng nặc. Tại khu vực tập kết bã mía và xử lý nước thải của nhà máy đường đều là những ao hồ được đào đắp rất sơ sài. Dưới các hố chứa nước thải là dòng nước đen kịt bốc mùi hôi thối. Các chất bã thải từ hoạt động sản xuất mía đường vứt vương vãi khắp nơi trong nhà máy. Mặt hồ chứa nước thải một màu đen đục, từ hồ nước này, dòng nước thải trực tiếp ra mương thủy lợi chạy phía sau nhà máy ra cánh đồng.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí khiến cho hàng chục người dân nơi đây bất kể già, trẻ đều mắc phải những căn bệnh quái ác. Nhiều gia đình phải bỏ nhà đi làm ăn xa. Ông Bùi Văn Nguyên, (52 tuổi), xóm Sắn, xã Thành Vân gay gắt: “Chúng tôi không thể sống được nếu như nhà máy đường này không có biện pháp khắc phục môi trường, xử lý chất thải và nguồn nước ô nhiễm. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động cũng là lúc hàng chục người dân sống gần đây bị nhiễm bệnh ung thư, bệnh đường hô hấp. Riêng cá nhân tôi cũng đang mắc bệnh gan nặng. Vì ô nhiễm từ nhà máy mà cả vợ con tôi đều bỏ đi nơi khác ở, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh vấn đề này lên xã, huyện nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía cơ quan chức năng!”.

Mặc dù lo lắng trước việc nguồn nước thải từ nhà máy, xả ra kênh, mương thủy lợi không đảm bảo an toàn, nhưng người dân vẫn phải lấy nước để canh tác nông nghiệp và cho gia súc uống, dù nước đó rửa tay chân thì luôn bị ngứa ngáy, ghẻ lở, còn gia súc uống thì sinh bệnh tật hoặc còi cọc.

Mới đây nhất là vào khoảng 3h sáng ngày 3/5, một lượng lớn rỉ mật đen xì từ các bể chứa bên trong nhà máy này đã tràn ra ngoài và chảy xuống kênh Cầu Vối thuộc xóm Sắn khiến cho đoạn kênh này đen kịt, nhầy nhụa, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Được biết, từ năm 2014, do có hành vi xả nước thải bẩn ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần trở lên, nhà máy này bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính 302 triệu đồng và 700 triệu đồng.

Và không có nước sạch sinh hoạt

Theo người dân, từ trước khi nhà máy được xây dựng ở đây, nguồn nước từ giếng khơi sâu từ 3-5m rất trong, sạch đảm bảo an toàn cho sinh hoạt. Thế nhưng, khoảng 6 năm kể từ khi nhà máy được xây dựng, nguồn nước từ những giếng khơi này từ từ cạn dần và trở nên đen quánh, hôi thối vô cùng. Sau khi nguồn nước từ giếng khơi cạn và ô nhiễm không thể sử dụng được, các hộ dân đã đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng nhưng khi bơm lên thì nước có màu đục, mùi hôi khó chịu, vì không có nước sinh hoạt nên người dân vẫn phải dùng loại nước này. Đến nay nguồn nước từ giếng khoan cũng không còn, hàng chục hộ dân phải đi xin hoặc mua nước từ nơi khác về ăn uống và sinh hoạt.

Ông Bùi Văn Nguyên đã gửi hàng chục lá đơn nhưng đến nay vẫn không được trả lời.

Bà Bùi Thị Khanh, (60 tuổi), xóm Sắn, xã Thành Vân bức xúc: “Giếng khơi của gia đình được đào từ những năm 1980, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây nước giếng xuất hiện váng mật, sau đó cạn dần, bây giờ màu nước đen ngòm, múc lên có mùi thối, không thể dùng được. Sau khi giếng khơi bị ô nhiễm, gia đình đã đầu tư khoan mấy lần nhưng giếng khoan cũng rơi vào tình cảnh tương tự, đến nay cả giếng khoan và giếng khơi đều không thể sử dụng được. Hàng ngày gia đình phải bỏ ra gần 30.000 đồng để mua nước từ những hộ cách đây chừng vài cây số. Khổ sở vô cùng. Người dân ở đây biết kêu ai bây giờ? Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn lên xã, huyện, công ty nhưng đến nay vẫn rơi vào im lặng”.

Được biết, năm 2012 xã Thành Vân đã chi hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn tài trợ để xây dựng một số bể chứa có thể tích nhỏ ở các thôn nhằm cung cấp nguồn nước sạch cho người dân. Thế nhưng, kể từ khi xây dựng xong đến nay, những bể chứa nước chưa một lần được đưa vào sử dụng, đa số các bể chứa này để cỏ mọc um tùm, ống nước bị hư hỏng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Trao đổi về những vấn đề nêu trên, ông Lê Văn Dũng- Chủ tịch UBND xã Thành Vân thản nhiên cho biết: Chuyện người dân ở đây mất nước là bình thường, năm nào cũng xảy ra. Không chỉ mình xóm Sắn mất nước mà các thôn như Yên Lão, Phố Cát và những xã lân cận cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nguyên nhân của tình trạng mất nước là do nhà máy sử dụng bơm công suất lớn để phục vụ sản xuất. “Việc nhà máy gây ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi, mới đây ngày 3/5, một lượng lớn chất thải của nhà máy tràn ra môi trường, chúng tôi đã gửi báo cáo lên cấp trên và nhà máy đang cho công nhân thu gom để tránh gây ô nhiễm môi trường. Còn việc người dân xóm Sắn mất nước và ô nhiễm môi trường đến nay UBND xã chưa nhận được bất cứ phản ánh hay đơn thư nào từ phía các hộ dân” – ông Dũng cho biết.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/nha-may-mia-duong-viet-dai-thanh-hoa-tai-dien-tinh-trang-o-nhiem-moi-truong-tintuc436793