Nhà máy may về miền núi, 'bệ đỡ' để giảm nghèo bền vững

Văn hóa và Đời sống - Những năm qua, các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy... đã thu hút được nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu đầu tư xây dựng nhà máy, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa nghèo bền vững tại địa phương.

Nhờ có nhà máy may nhiều lao động ở miền núi có việc làm, thu nhập ổn định đã vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo

Cuộc sống của phần nhiều hộ dân ở các huyện miền núi xứ Thanh chủ yếu dựa vào nghề chăn nuôi, trồng trọt. Công việc nhà nông thường xuyên chịu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh... nên đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Gia đình chị Lê Thị Nguyệt, trú thôn Quang Vinh, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) là một ví dụ điển hình. Thu nhập của vợ chồng chị Nguyệt chủ yếu dựa vào việc nuôi quảng canh vài con gà, dăm ba con lợn và trông chờ vào mấy nghìn mét vuông đất đồi trồng keo, sắn, vì thế gia đình luôn nằm trong diện hộ nghèo. Năm 2014, khi dự án Nhà máy Việt Pan-Pacific tại thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) chính thức đi vào vận hành, thông báo tuyển dụng công nhân, đã thắp lên trong chị Nguyệt tia hy vọng giúp gia cảnh bớt phần nghèo khổ. Chị kể: “Tôi mạnh dạn nộp hồ sơ xin đi làm công nhân. Ngày công ty chính thức gọi đi làm, tôi vui mừng khấp khởi”. Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, chị Nguyệt luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của công ty giao. Sau 4 năm làm việc tại Nhà máy Việt Pan-

Pacific, cùng với nguồn thu nhập của chồng, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ có thu nhập khá của thôn Quang Vinh.

Theo chị Nguyệt, Nhà máy Việt Pan-Pacific nộp bảo hiểm đầy đủ cho người lao động; chế độ thai sản, con nhỏ, ốm đau, tai nạn lao động... được chi trả đầy đủ, kịp thời; những dịp nghỉ lễ tết, công ty đều có tiền thưởng. “Tới thời điểm này, sau gần 7 năm làm việc tại Nhà máy Việt Pan-Pacific, tôi đạt mức lương gần 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập tốt ở vùng miền núi. Tôi mong rằng, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp về đây đầu tư để bà con chúng tôi có thêm nhiều việc làm, đảm bảo điều kiện nuôi dạy con cái ăn học”, chị Nguyệt mong muốn. Hiện Nhà máy Việt Pan-Pacific giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung, cho biết: Kể từ khi Nhà máy Việt Pan-Pacific đi vào vận hành, trên 300 lao động địa phương được tuyển dụng vào làm việc, trung bình mỗi tháng mang lại tổng nguồn thu nhập trên 1,5 tỷ đồng tiền lương, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân của xã lên rất nhiều. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã Quang Trung là 24 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 5,79%; đến năm 2020, đạt 46 triệu đồng/người, tỷ lệ nghèo giảm xuống còn 1,86%.

Đánh giá vai trò của các nhà máy may đối với sự phát triển của huyện, ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Từ khi có 2 nhà máy may đi vào hoạt động (Nhà máy may Việt Pan-Pacific, Nhà máy may Hồ Gươm) gần 4.500 lao động của huyện Ngọc Lặc được chuyển đổi ngành nghề và tăng thu nhập ngay trên quê hương mình. Đây là điều kiện quan trọng để huyện Ngọc Lặc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, xóa nghèo nhanh và bền vững. Trong thời gian qua, việc chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như công cuộc xóa nghèo của huyện đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, trong đó có sự góp sức của các doanh nghiệp nói chung và 2 nhà máy may nói riêng. Năm 2016 lao động trong ngành nông, lâm nghiệp chiếm 58% tổng lực lượng lao động toàn huyện, sau 4 năm (năm 2020) tỷ lệ này giảm xuống còn 47,44%. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh, từ 16,55% năm 2016, xuống còn 1,07% năm 2020, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét.

Tại huyện Thạch Thành, năm 2014, Nhà máy may SH&Vina đi vào hoạt động đã tạo ra cơ hội cho hàng nghìn lao động có việc làm ổn định. Nhờ có nhà máy này, 452 lao động của xã Thạch Bình đã có thu nhập ổn định, không phải “ly hương”, góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch giảm nghèo của xã. Hiện xã Thạch Bình chỉ còn 27 hộ nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng, diện mạo nông thôn mới thay đổi rõ rệt.

Ông Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, khẳng định: Nếu không có Nhà máy may xuất khẩu S&H ViNa thì bài toán việc làm cho hơn 6.000 lao động sẽ vô cùng khó khăn. Mức lương trung bình từ 4-7 triệu đồng/người/ tháng được xác định là mức thu nhập cao đối với người lao động ở đây.

Cùng với Ngọc Lặc, Thạch Thành, huyện Cẩm Thủy cũng đẩy mạnh thu hút các nhà máy may về địa bàn huyện hoạt động, như: Nhà máy Cẩm Bình, Nhà máy may Cẩm Tú... tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động. Ngoài 2 nhà máy trên, dự án Nhà máy may Cẩm Ngọc đã được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cho thuê đất, chủ đầu tư tiến hành san lấp mặt bằng, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xây dựng nhà máy. Nhà máy may về miền núi, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững.

Những vấn đề đặt ra

Có thể khẳng định, nghề may công nghiệp là một trong những nghề có kỹ thuật không cầu kỳ, thích hợp với nhiều lứa tuổi, thu hút được nhiều lao động, nhất là lao động nữ. Để học được các kỹ thuật cơ bản của nghề may, mỗi lao động chỉ cần 2-3 tháng học đã có thể thi tuyển làm công nhân may. Lợi ích của ngành dệt may đã khẳng định qua thực tế, nhưng hiện nay ở miền núi mới chỉ có các huyện: Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy... thu hút được một số nhà máy may. Trong khi đó ở nhiều huyện miền núi có nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ lao động không có việc làm thường xuyên vẫn còn ở mức cao.

Theo Quy hoạch phát triển ngành dệt may và da giầy tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến năm 2025 Thanh Hóa sẽ có 3 - 4 khu liên hợp sợi, dệt nhuộm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; sản xuất khoảng 64 triệu mét vải các loại, đạt trên 3,7 nghìn tỷ đồng. Đối với ngành may mặc đến năm 2025 sẽ có 23 dự án, sản xuất đạt 229 triệu sản phẩm trở lên và giải quyết việc làm cho khoảng 78 nghìn lao động. Tất cả các dự án của ngành dệt may sẽ được phân bổ tương xứng ở các khu vực đồng bằng, miền núi, ven biển. Hiện nay, ngoài các nhà máy may như: Nhà máy may xuất khẩu S&H ViNa (Thạch Thành), Nhà máy may Việt Pan-Pacific, Nhà máy may Hồ Gươm (Ngọc Lặc), Nhà máy Cẩm Bình, Nhà máy may Cẩm Tú (Cẩm Thủy) đang hoạt động... một số huyện miền núi cũng đã thu hút được thêm 7 dự án đầu tư lĩnh vực dệt may với tổng số vốn đầu tư 343 tỷ đồng. Tiêu biểu như dự án Nhà máy may xuất khẩu Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy); Nhà máy may Thạch Tượng, Nhà máy may xuất khẩu An Khánh (Thạch Thành); Nhà máy may H&H Vina Green, Nhà máy may xuất khẩu Luận Thành (Thường Xuân), Công ty TNHH Trung Anh (Ngọc Lặc)... khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Phải làm gì để thu hút thêm các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy may, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đang là “bài toán” đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều huyện miền núi.

Ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Ngoài việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô nhà máy, huyện Cẩm Thủy còn chú trọng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề; ý thức tổ chức, kỷ luật cho người lao động; tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo, sử dụng lao động tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

“Trong thời gian tới huyện Ngọc Lặc sẽ tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách địa phương để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, huyện không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến căn bản về hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư; nắm chắc tình hình để kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất”- ông Bùi Huy Toàn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết.

Tin rằng, khi Nhà nước có các chính sách đặc thù, cụ thể cho từng vùng để phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư nói chung, các nhà máy may nói riêng; những nhà đầu tư có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm để “khai phá” vùng đất khó nhưng có nhiều tiềm năng, lực lượng lao động dồi dào, nhân công giá rẻ... hàng vạn lao động ở miền núi sẽ có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội miền Tây xứ Thanh phát triển nhanh và bền vững.

Bài ảnh: Xuân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tin-tuc/nha-may-may-ve-mien-nui-be-do-de-giam-ngheo-ben-vung/19570.htm