Nhà máy In tiền Quốc gia kinh doanh ra sao trước khi báo lỗ 11 tỷ?

Với Nhà máy In tiền Quốc gia, nếu doanh thu giảm trong điều kiện vẫn đảm bảo kế hoạch sản lượng, Nhà nước sẽ hưởng lợi khi tiết giảm chi phí cho hoạt động in tiền.

Nhà máy In tiền Quốc gia mới đây công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2019 với mức lỗ ròng sau 6 tháng đầu năm là 11 tỷ đồng. Đây là lần hiếm hoi Nhà máy In tiền Quốc gia báo lỗ. 5 năm gần nhất, doanh nghiệp này đều đặn có lợi nhuận sau thuế 20-50 tỷ đồng.

Vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng

Nhà máy In tiền Quốc gia được thành lập năm 1991 theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thời bấy giờ. Năm 2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định chuyển nhà máy thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Vốn điều lệ của nhà máy hơn 1.000 tỷ đồng, trụ sở ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Từ tháng 7/2014, nhà máy chuyển đổi hoạt động theo mô hình có hội đồng thành viên, tổng giám đốc và kiểm soát viên, thay cho mô hình chủ tịch kiêm giám đốc và kiểm soát viên.

Nhà máy In tiền Quốc gia có chức năng thực hiện nhiệm vụ in, đúc các loại tiền giấy, tiền kim loại, sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng và các loại giấy tờ có giá theo kế hoạch được Thống đốc NHNN giao. Đây cũng là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của nhà máy.

Ngoài ra, nhà máy còn tham gia thiết kế mẫu tiền theo quyết định của Thống đốc NHNN; nhập khẩu hoặc nhận ủy thác nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế phục vụ in, đúc tiền và giấy tờ có giá của nhà máy và doanh nghiệp khác theo quy định; thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc NHNN giao.

Doanh thu in tiền giảm, Nhà nước sẽ hưởng lợi

Website của Nhà máy In tiền Quốc gia bắt đầu công khai các kết quả kinh doanh của nhà máy từ năm 2013.

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của nhà máy thời điểm này lần lượt là 973 tỷ và 21 tỷ đồng. Sang năm 2014, doanh thu của nhà máy tăng gấp rưỡi lên 1.502 tỷ nhưng lợi nhuận tăng với tỷ lệ thấp hơn, đạt mức 25 tỷ. Năm 2015, doanh thu và lãi ròng của nhà máy giảm nhẹ xuống 1.430 tỷ và 24 tỷ.

Từ năm 2016, doanh thu của Nhà máy In tiền Quốc gia vượt mốc 2.000 tỷ đồng. Doanh thu nhà máy năm đó cán mốc 2.196 tỷ, còn lợi nhuận ròng tăng 75% so với cùng kỳ lên 42 tỷ. Sau một năm, hai chỉ tiêu trên lần lượt đạt mốc 2.113 tỷ và 44 tỷ. Năm ngoái, nhà máy thu về 2.337 tỷ và lãi sau thuế 51 tỷ. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2019, nhà máy bất ngờ báo lỗ 11 tỷ.

Là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm đặc biệt, Nhà máy In tiền Quốc gia cho biết việc doanh thu giảm so với kế hoạch lại tác động tích cực đến quốc gia. Nguyên nhân là trong bối cảnh kế hoạch sản lượng vẫn hoàn thành, chi phí giảm làm giảm giá thành và doanh thu của nhà máy, đồng nghĩa việc Nhà nước tiết giảm được chi phí cho hoạt động in tiền. 3 năm gần nhất, doanh thu của nhà máy đều thấp hơn so với kế hoạch với tỷ lệ hơn 90%.

Trong giai đoạn 2013-2018, tổng tài sản của Nhà máy In tiền Quốc gia tăng từ 1.402 tỷ lên 2.228 tỷ; vốn chủ sở hữu tăng từ 1.030 tỷ lên 1.919 tỷ; tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ 14 tỷ lên 771 tỷ.

Tại thời điểm ngày 30/6, hai chỉ tiêu tổng tài sản và vốn chủ sở hữu không thay đổi nhiều so với cuối năm 2018 nhưng khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền của nhà máy giảm còn 332 tỷ. Lý do chủ yếu là hoạt động lưu chuyển dòng tiền cho các hoạt động kinh doanh của nhà máy âm 439 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến 2018, nộp ngân sách hàng năm của Nhà máy In tiền Quốc gia lần lượt là 135 tỷ; 272 tỷ; 195 tỷ; 189 tỷ. Năm 2019, nhà máy dự kiến nộp ngân sách 219 tỷ đồng.

Thu nhập của chủ tịch nhà máy 47 triệu mỗi tháng

Chủ tịch HĐTV Nhà máy In tiền Quốc gia hiện tại là ông Nguyễn Văn Toản. Ông Toản sinh năm 1964, có bằng thạc sĩ kinh tế, từng giữ chức Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Thống đốc NHNN; Phó cục trưởng Phát hành và Kho quỹ NHNN; Trưởng ban Quản lý phát triển, mở rộng Nhà máy In tiền Quốc gia giai đoạn 2009-2020 trước khi nhà máy chuyển đổi sang mô hình HĐTV.

Ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch HĐTV Nhà máy In tiền Quốc gia. Ảnh: NHNN.

Ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch HĐTV Nhà máy In tiền Quốc gia. Ảnh: NHNN.

Còn vị trí Tổng giám đốc Nhà máy In tiền Quốc gia do ông Trần Văn Tiến nắm giữ. Ông Tiến cũng sinh năm 1964, có bằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy, kỹ sư công nghệ in, thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông Tiến là Phó giám đốc Nhà máy In tiền Quốc gia trước khi nhà máy chuyển đổi mô hình doanh nghiệp năm 2014.

Theo thông tin về chế độ lương, thưởng năm 2018 của Nhà máy In tiền Quốc gia năm 2018, chủ tịch HĐTV hưởng thu nhập cao nhất, trung bình 47,3 triệu đồng một tháng còn tổng giám đốc có thu nhập bình quân mỗi tháng 45,8 triệu đồng.

3 thành viên HĐTV, 3 phó tổng giám đốc và một kiểm soát viên chuyên trách của nhà máy đều có mức thu nhập 41,2 triệu đồng/tháng. Trưởng ban kiểm soát hưởng thu nhập 42,7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập quản lý chuyên trách thấp nhất tại nhà máy là 38,1 triệu đồng/tháng của kế toán trưởng. Riêng kiểm soát viên không chuyên trách có thu nhập 11 triệu đồng/tháng.

12 người quản lý của Nhà máy In tiền Quốc gia hưởng thu nhập bình quân năm 2018 là 39,5 triệu đồng/tháng, tăng thêm 3,3 triệu đồng/tháng so với năm 2017. Năm 2019, số vị trí quản lý trong kế hoạch của nhà máy giữ nguyên ở con số 12.

Tổng số người lao động nhà máy sử dụng bình quân trong năm trước là 791 người với thu nhập trung bình 19,1 triệu đồng mỗi tháng. Năm nay, nhà máy dự kiến có 794 lao động tất cả.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nha-may-in-tien-quoc-gia-kinh-doanh-ra-sao-truoc-khi-bao-lo-11-ty-post979785.html