Nhà máy giấy phá rừng: Làm theo chỉ đạo

Việc phá 50ha rừng dừa để làm hồ tích trữ nước được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Liên quan đến dự án nhà máy bột giấy VNT19, ngày 7/9, Sở TT-TT cho biết, BQL Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã có báo cáo lên Tỉnh ủy một số vấn đề liên quan.

Trong đó, đối với việc phá bỏ 50ha rừng dừa để làm hồ tích trữ nước, BQL Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho rằng: “Thông báo kết luận vào ngày 17/8/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý chủ trương về việc sử dụng diện tích rừng dừa nước này để làm hồ chứa cung cấp nước cho nhà máy”.

“Như vậy, việc sử dụng 50ha rừng dừa nước cho việc xây dựng làm hồ tích trữ nước phục vụ việc vận hành nhà máy bột giấy VNT19 được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Việc lấy ý kiến cộng đồng nhân dân xã Bình Phước được UBND huyện Bình Sơn báo cáo tại công văn số 3060/UBND-DQ ngày 5/12/2016”, .

Rừng dừa nước xã Bình Phước. Ảnh: Dân trí

Cũng theo BQL Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, việc đánh giá tác động môi trường, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định ngày 23/2/2017 về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cải tạo nâng cấp kênh Chính Bắc và kênh B7, hệ thống kênh thủy lợi Thạch Nham.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ông Nguyễn Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Bình Phước, nơi có 50ha rừng dừa nước, cho hay, qua các lần tổ chức họp, người dân đồng ý phá rừng dừa nước để làm hồ chứa nước nhưng nhiều người băn khoăn, lo lắng về vấn đề môi trường.

“Khoảng 20 ha rừng dừa nước nằm ngoài phạm vi hồ chứa nước thuộc sở hữu của người dân, cơ quan chức năng cần lấy tiền đền bù của chủ đầu tư mua lại để chuyển thành rừng phòng hộ, giữ môi trường sinh thái trong vùng”, ông Nhân kiến nghị.

Trong khi đó, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi), xác nhận trên báo chí, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi yêu cầu nhà đầu tư phải nộp cho quỹ phát triển rừng của tỉnh khoảng 500 triệu đồng/ha để trồng lại rừng dừa nước.

Kết quả khảo sát đánh giá nhanh đối với hệ sinh thái rừng dừa nước tại xã Bình Phước của nhóm nghiên cứu, giảng dạy "Môi trường và Tài nguyên sinh vật" thuộc Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) kết hợp với trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thực hiện cho thấy, hệ sinh thái rừng dừa nước Bình Phước rất đa dạng và độc đáo.

Hệ sinh thái này có vai trò quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; đặc biệt là có tiềm năng rất lớn đối với phát triển du lịch cộng đồng. Mặt khác, hệ sinh thái này còn có vai trò duy trì sự đa dạng sinh học cho khu vực Đông Bình Sơn cũng như phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi.

Rừng dừa nước Bình Phước vừa đóng vai trò là lá phổi vừa là quả thận đối với môi trường vì hấp thụ CO2 và cung cấp O2 cho cả khu vực. Ngoài ra, hệ động thực vật và vi sinh vật trong rừng dừa nước đóng vai trò là một hệ thống tự làm sạch các chất ô nhiễm từ các hoạt động của con người, điều tiết khí hậu và cân bằng sinh thái.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy: rừng dừa nước Bình Phước còn có vai trò bảo vệ, lưu giữ các giá trị kinh tế, văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân Bình Phước.

Nhóm nghiên cứu nhận định, rừng dừa nước Bình Phước là 1 hệ sinh thái đặc biệt, cần phải được giữ gìn.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nha-may-giay-pha-rung-lam-theo-chi-dao-3342640/