Nhà máy điện rác Sóc Sơn: Chưa đủ thủ tục pháp lý, chậm tiến độ đến bao giờ?

Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn được lên kế hoạch xây dựng, dự kiến khởi công vào cuối năm 2018, nhưng đến nay dự án vẫn án binh bất động, chưa được khởi công và thủ tục pháp lý cũng chưa hoàn thành.

Tiến độ chậm đến bao giờ?

Cuối năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện rác Sóc Sơn với nguồn vốn đầu tư dự kiến hơn 7.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội

Tại thời điểm này, chủ đầu tư đã tiến hành xong việc giải phóng mặt bằng và dự kiến khởi công trong năm 2018. Thời gian xây dựng nhà máy là 21 tháng tính từ ngày khởi công.

Với công suất tiêu thụ 4.000 tấn rác mỗi ngày/đêm, khi hoàn thành, Nhà máy điện rác Sóc Sơn được kỳ vọng sẽ giải quyết khâu xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại cho 9 quận nội thành Hà Nội và 5 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn). Lượng rác này sẽ được đốt để tạo ra 75 mW điện mỗi giờ.

Phối cảnh Nhà máy điện rác Sóc Sơn

Phối cảnh Nhà máy điện rác Sóc Sơn

Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học (ghi di động) kiểu Waterleau của Bỉ với 3 tổ máy tuabin hơi nước. Công nghệ đốt rác sẽ tận thu nhiệt để phát điện phục vụ cho chính hoạt động của nhà máy và bán điện cho cơ quan điện lực quốc gia. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận hành nhà máy là Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội. Thành phố sẽ đảm bảo cung cấp đủ cho doanh nghiệp nhiên liệu rác để vận hành lò đốt.

Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội với tham vọng Nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ lớn nhất Đông Nam Á, nhưng đến thời điểm hiện tại thì đây vẫn là bãi đất trống, thi thoảng có một số xe tải máy móc ra vào để chở đất, san gạt mặt bằng.

Chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý

Chưa có giấy phép xây dựng (GPXD), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án đã được san gạt xử lý mặt bằng. Để lý giải về vấn đề chậm tiến độ và thủ tục pháp lý này, ông Đỗ Tiến Dũng - Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết, do thủ tục pháp lý của Việt Nam nhiều, thủ tục tương đối phức tạp "Dự kiến tháng 6 này dự án sẽ đi vào khởi công" - Ông Dũng cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, bình quân mỗi ngày, các hộ dân, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thủ đô phát sinh từ 6.500 đến 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở trên mức 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.000 tấn. Rác thải chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì).

Tuy nhiên, phương thức này vừa tốn diện tích đất, vừa khó kiểm soát về tác hại môi trường. Thực tế, tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) là nơi tiếp nhận, xử lý rác lớn nhất của thành phố cũng đã quá tải, theo tính toán cũng sẽ hết chỗ chôn lấp vào năm 2020. Tại bãi chôn lấp này, bây giờ chỉ có đào bới, san gạt bên trên mặt bãi để lấy diện tích chất rác chuyển về. Theo người dân sống gần khu vực bãi rác, mỗi lần tháo giờ lớp bạt phủ trên bãi rác để đào bới san gạt thì mùi hôi thôi bốc ra nồng nặc cả một vùng rộng lớn.

Tính cấp thiết để xử lý vấn đề rác thả của thành phố là vậy, phương án tối ưu nhất để giải quyết tình trạng này là đợi chờ Nhà máy điện rác này đi vào hoạt động, tuy nhiên với tình hình thực tế của tiến độ dự án như vậy, liệu có trông chờ vào tính khả thi của để giải quyết nữa không, hay vẫn tiếp tục ‘điệp khúc đợi chờ’.

Vừa qua, cũng đã có lần ông Vũ Văn Định – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội nói dự án sẽ chính thức khởi công trong tháng 5 năm 2019, nhưng đã gần hết tháng 5 thì đại diện phía công ty lại nói sang tháng 6 dự án sẽ chính thức khởi công.

Lý giải thêm về việc chậm tiến độ, phía công ty cũng trình bày, không giống như nhiều so với các nhà máy nhiệt điện khác, hồ sơ của nhà máy điện rác Sóc Sơn phức tạp hơn rất nhiều. Trong đó có đánh giá tác động môi trường chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, thiết kế kỹ thuật chưa được Bộ Xây dựng phê duyệt, đây là công trình cấp đặc biệt nên các bộ ban ngành phê duyệt chứ không phải thành phố Hà Nội phê duyệt, vì vậy thủ tục tương đối chậm, phía Chủ tịch Thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm và đốc thúc đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án.

Trên thực tế, rất nhiều những dự án chậm tiến độ, ngoài những lý do theo Chủ đầu tư là do thủ tục pháp lý chậm thì vấn đề ‘năng lực’ Chủ đầu tư cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ khiến dự án đắp chiếu nhiều năm không khởi công, gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội.

Theo Thương trường

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/nha-may-dien-rac-soc-son-chua-du-thu-tuc-phap-ly-cham-tien-do-den-bao-gio-61446.htm