Nhà máy Chế biến thịt thỏ ở Hương Sơn bên bờ vực phá sản: DN 'sai đường' hay nông dân 'lật kèo'?!

Đầu tư hơn 6 tỷ đồng để tạo vùng nguyên liệu, mua sắm máy móc nhưng sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Chế biến sản phẩm thịt thỏ (thuộc Công ty CP Thương mại sản xuất thực phẩm Hà Nội) ở xóm 3, xã Sơn Trường (Hương Sơn - Hà Tĩnh) đang đứng trước nguy cơ phá sản...

Quang cảnh trống vắng, đìu hiu của nhà máy từng được kỳ vọng sẽ góp phần giúp người chăn nuôi trên địa bàn "đổi đời"

Toàn cảnh nhà máy là 1 dãy nhà chế biến và mấy phòng điều hành được cải tạo từ một trường học cũ, xung quanh cây cối khá um tùm. Bên trong xưởng chế biến, dây chuyền máy móc không hoạt động, vắng bóng công nhân, không có nguyên liệu, chỉ còn mấy gói sản phẩm còn tồn đọng trong kho đông lạnh...

Trang thiết bị mới được mua sắm hiện đại, đồng bộ, đắt tiền nhưng không được sử dụng thường xuyên vì "đói" nguyên liệu

Qua tìm hiểu được biết, thời gian đầu, vùng nguyên liệu của nhà máy có quy mô đến 12 ngàn con thỏ giống được nuôi tại 1.100 hộ vệ tinh ở 5 huyện trong toàn tỉnh Hà Tĩnh và 30 nhân viên làm việc khắp địa bàn. Nhưng hiện chỉ còn 50 hộ nuôi và 4 nhân viên làm việc.

Dây chuyền sản xuất xúc xích bằng thịt thỏ mới được đầu tư cuối năm 2017 nay gần như bị “đắp chiếu”, chỉ sản xuất được 2 tấn vào dịp tết nhưng do thị trường chưa quen nên gặp khó trong tiêu thụ. Sản xuất khó khăn, công nhân nghỉ việc, tài chính mất cân đối, thua lỗ triền miên... khiến doanh nghiệp luôn trong tình trạng lao đao.

Dây chuyền sản xuất luôn "đắp chiếu"

Dẫn đến tình trạng này, trước hết có trách nhiệm của chính doanh nghiệp khi lựa chọn đối tượng hợp tác không tìm hiểu kỹ. Đại diện doanh nghiệp cũng đã thừa nhận sai lầm khi ký kết hợp đồng với các hộ nuôi do xóm, xã lập danh sách gửi lên rồi cứ thế cung ứng con giống, hỗ trợ kỹ thuật, cỏ, thuốc tiêm phòng mà không hề hay biết các hộ đăng ký, các vùng nguyên liệu có đủ điều kiện nuôi hay không. Vì vậy, trong quá trình triển khai nuôi không đảm bảo quy trình, thỏ bị chết nhiều, thậm chí khi bị mưa lũ thỏ chết hàng loạt, người nuôi cũng theo đó mà thua lỗ...

Nhân viên kế toán và bà bảo vệ mở kiểm tra những gói xúc xích thịt thỏ còn tồn lại trong kho đông lạnh...

Song, theo bà Thang Thanh Hoa - Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại sản xuất thực phẩm Hà Nội thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân “lật kèo”. Nhà máy được cấp phép và đi vào hoạt động vào cuối năm 2015, ban đầu mọi việc khá thuận lợi. Nhưng đến giữa năm 2016, khi xẩy ra sự cố môi trường, không có hải sản, nhu cầu thịt thỏ tăng cao, giá thịt thỏ ngoài thị trường tăng lên 90 ngàn đồng/kg nên người nuôi “lật kèo” không bán cho doanh nghiệp.

Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp thất thoát về vốn, kỹ thuật, giống cỏ hỗ trợ ban đầu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược kinh doanh, mặt bằng nhà máy đã làm xong nhưng không thể lắp đặt dây chuyền vì không có nguyên liệu”...

Cơ sở của chị Nguyễn Thị Mai Soa (áo chấm bi) ở xã Sơn Hà, huyện Hương Sơn là một trong số ít cơ sở còn lại thỉnh thoảng cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến sản phẩm thịt thỏ...

Cũng theo bà Hoa, khi môi trường biển ổn định trở lại, nhu cầu thịt thỏ không còn cao như trước, người dân quay lại mối cũ nhưng do doanh nghiệp bị động, dây chuyền sản xuất chưa lắp đặt nên “xung đột” tiếp tục xẩy ra. Thỏ thương phẩm không bán được, người dân quay sang “bắt vạ” doanh nghiệp, phá bỏ chuồng trại, thậm chí mang thỏ đến sân nhà máy đổ. Trước tình cảnh này, chúng tôi lại phải nhượng bộ mua hơn 5 tấn để sơ chế, đưa vào kho cấp đông với tổng chi phí lên đến 500 triệu đồng.

Thế nhưng, trong lúc khó khăn chỉ vì chậm mấy ngày tiền điện mà tháng 5/2017, Điện lực Hương Sơn đã cắt điện khiến lô hàng này phải hủy bỏ hoàn toàn, khiến doanh nghiệp khủng hoảng sâu hơn, thậm chí rơi vào bờ vực phá sản. Từ đó đến nay, mặc dù rất cố gắng nhưng doanh nghiệp vẫn trong tình trạng thua lỗ triền miên, hoạt động èo ọt và hiện chưa tìm ra lối thoát khả thi...

Tiến Dũng

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/dau-tu/nha-may-che-bien-thit-tho-o-huong-son-ben-bo-vuc-pha-san-dn-sai-duong-hay-nong-dan-lat-keo/157103.htm