Nhà máy 1 tỷ USD ở Bình Dương và 'trải nghiệm tuyệt vời' của lãnh đạo LEGO với Việt Nam

Dự án 1 tỷ USD của tập đoàn LEGO (Đan Mạch) dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11/2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.

Sáng 11/5, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã tiếp Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) Carsten Rasmussen trong chuyến công tác của ông Carsten Rasmussen tại Việt Nam để thúc đẩy công tác chuẩn bị cho dự án có vốn đầu tư 1 tỷ USD của Tập đoàn LEGO tại Bình Dương.

Theo Báo Chính phủ, Trao đổi với Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại buổi tiếp, Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO cho hay dự án tại Bình Dương dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11/2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.

Dự án tại Bình Dương là nhà máy thứ 6 của LEGO trên toàn cầu, và nhà máy thứ 2 của tập đoàn này tại châu Á. LEGO kỳ vọng nhà máy sắp được xây dựng tại Bình Dương sẽ giúp tập đoàn này mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm đáp ứng linh hoạt và nhanh chóng nhu cầu tiêu dùng ở mỗi khu vực.

Chiều 11/5, ông Carsten Rasmussen đã có cuộc trao đổi với phóng viên của Báo điện tử Tổ quốc về những quan điểm của ông với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài về những cam kết của LEGO nhằm đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, về lĩnh vực sản xuất công nghiệp và mô hình phát triển bền vững mà tập đoàn này đang hướng tới.

Là người đã có hơn hai thập kỷ gắn bó với Tập đoàn LEGO, Giám đốc Vận hành Carsten Rasmussen cho biết ông "rất nóng lòng được viết tiếp câu chuyện của tập đoàn ở Việt Nam, cùng với những đồng nghiệp mới tại Việt Nam".

Với sứ mệnh mang đến cho trẻ em trên khắp thế giới niềm vui và nụ cười mỗi ngày, ông Carsten Rasmussen cùng tập đoàn LEGO đặt kỳ vọng rất lớn vào Việt Nam và thị trường Đông Nam Á, nơi ông nhiều lần nhấn mạnh là "một thị trường vô cùng tiềm năng".

"Kỳ tích lịch sử": Việt Nam là "lựa chọn đúng đắn"

Được biết, quyết định đầu tư nhà máy thứ 6 tại Việt Nam được LEGO xúc tiến trong thời gian ngắn kỷ lục: 3 tháng - trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các dòng vốn đầu tư và thương mại quốc tế.

Tại buổi tiếp Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO hôm 11/5, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã đánh giá đây là "kỳ tích lịch sử". Báo Chính phủ cho biết việc LEGO quyết định đầu tư 1 tỷ USD xây nhà máy trung hòa carbon ở Bình Dương thể hiện quyết tâm rất cao của cả phía Việt Nam và Tập đoàn LEGO.

Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO, ông Carsten Rasmussen cho biết: "Khi chuẩn bị đầu tư, chúng tôi đã tính đến tương lai phát triển lâu dài. Chúng tôi chính thức bắt đầu khởi động quá trình tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy mới từ hai năm trước, và đã nghiên cứu nhiều địa điểm trên khắp châu Á trước khi lựa chọn Việt Nam."

Cụ thể, trong cuộc gặp ngày 17/9/2021, Đại sứ Đan Mạch Kim Højlund Christensen đã thông báo với Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về việc LEGO đang tìm kiếm địa điểm đầu tư nhà máy mới tại khu vực Đông Nam Á, và mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ.

Đáp lời Đại sứ Đan Mạch, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã khẳng định sẽ trực tiếp điện đàm với lãnh đạo LEGO để kết nối dự án này.

Để thúc đẩy dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp trực tiếp với Giám đốc Vận hành Tập đoàn LEGO Carsten Rasmussen vào sáng 1/11/2021 tại Glassgow, nhân Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh. Cũng trong tháng 11/2021, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với ông Carsten Rasmussen.

Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 8/12/2021, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Tập đoàn LEGO đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương.

Ông Carsten Rasmussen cho hay:"Tôi có thể nói rằng việc hợp tác với Việt Nam là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cả sự nghiệp của tôi - Tất cả đều được tiến hành rất chuyên nghiệp, bài bản, và chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ.

Kể từ tháng 9/2021, hai bên đã tích cực trao đổi về những mong muốn và cam kết của mình. Giờ đây chúng tôi đã đến được giai đoạn chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy (vào tháng 11/2022), tôi tin rằng mọi thứ có thể diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ như vậy là nhờ có sự hợp tác chặt chẽ của hai phía."

Với sứ mệnh mang niềm vui và nụ cười tới cho trẻ em trên toàn thế giới, LEGO mang trong mình khát vọng lớn là đem đến trải nghiệm vui chơi tuyệt vời cho trẻ em, bởi "chúng tôi rằng điều đó sẽ giúp các em phát triển khả năng học hỏi và sáng tạo", ông Carsten Rasmussen nói.

Vị Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO chia sẻ về lí do lựa chọn khu vực Đông Nam Á nói chung, và Việt Nam nói riêng: "Khi chúng tôi nghiên cứu khu vực Đông Nam Á và cụ thể là Việt Nam, chúng tôi biết rằng trong tương lai, đây sẽ là nơi có tỉ lệ sinh cao hơn nhiều so với những khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như lục địa già châu Âu. Chúng tôi nhận thấy rằng đây là khu vực có tiềm năng rất lớn, có thể giúp chúng tôi tiếp cận với nhiều khách hàng trẻ em hơn.

Vì sao lại là Việt Nam?Xét về triển vọng những năm tới, chúng tôi thấy rằng Đông Nam Á nói chung, và Việt Nam nói riêng, là khu vực có rất nhiều tiềm năng. Đó là lý do sau khi nghiên cứu nhiều địa điểm ở các quốc gia tiềm năng, chúng tôi có thể nhanh chóng đi đến kết luận rằng Việt Nam là lựa chọn thích hợp.

Kỹ năng và tư duy của người Việt Nam - tức các cán bộ công nhân viên tương lai của chúng tôi – rất phù hợp. Địa điểm được lựa chọn để xây dựng nhà máy cũng rất thuận lợi cho việc phân phối sản phẩm tới các quốc gia khác trong khu vực. Chúng tôi cũng đã nhận được sự hậu thuẫn tuyệt vời từ chính quyền trung ương và địa phương.

Hơn nữa, khát vọng lớn về phát triển bền vững và xây dựng nhà máy trung hòa carbon của chúng tôi cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ chính quyền địa phương. Do đó, có thể nói rằng chúng tôi đã đưa ra quyết định này khá nhanh chóng và dễ dàng.

Tương tự, khi lựa chọn địa điểm xây nhà máy ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã cân nhắc rất nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, để đáp ứng được những mong muốn của chúng tôi về việc xây dựng một nhà máy trung hòa carbon thì Bình Dương là một địa điểm phù hợp."

Được biết, tại buổi tiếp ngày 11/5, ông Carsten Rasmussen đã bày tỏ cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam, các bộ, ngành và tỉnh Bình Dương đã ủng hộ, hỗ trợ để Tập đoàn LEGO nhanh chóng ra quyết định chọn Việt Nam là địa điểm xây dựng nhà máy, khẳng định đây là "sự lựa chọn hết sức đúng đắn".

"Việt Nam có tiềm năng tuyệt vời"

Dự án xây dựng nhà máy trung hòa carbon tại Bình Dương là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam. Theo Báo Chính phủ, điều này cho thấy niềm tin và sự lạc quan của LEGO vào tương lai của mối quan hệ hợp tác quan trọng này.

Ngày 25/11/2021, Việt Nam và Đan Mạch đã kỷ niệm 50 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Có thể nói rằng dự án tỷ USD của Tập đoàn LEGO là một mốc quan trọng mới trên chặng đường tích cực xây dựng quan hệ đối tác phát triển bền vững của hai nước.

Trao đổi với phóng viên ngày 11/5, vị Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO cũng đã đề cập tới mối quan hệ hữu hảo của hai nước khi bình luận về tiềm năng và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam: "Đan Mạch và Việt Nam đã có mối quan hệ khăng khít trong hơn nửa thập kỷ. Tôi đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất tuyệt vời. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định hàng năm với tầng lớp trung lưu đang tiếp tục gia tăng về số lượng, và tương tự ở khu vực Đông Nam Á cũng vậy."

Trang TechWire Asia đánh giá Việt Nam có lợi thế đặc biệt giúp thu hút FDI phân khúc chất lượng cao như LEGO, đó là "chính sách năng lượng tái tạo cùng tư duy tiến bộ của Việt Nam, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, chi phí lao động thấp hơn và nhiều ưu đãi kinh tế".

Về kế hoạch của LEGO tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á trong tương lai, ông Carsten Rasmussen chia sẻ rằng hiện tại LEGO chưa có kế hoạch cụ thể về việc mở chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam, nhưng trong tương lai rất có thể tập đoàn sẽ tính đến điều này.

Theo ông Carsten Rasmussen, dự án sắp khởi công xây dựng tại Bình Dương sẽ là một phần bổ sung quan trọng trong mạng lưới nhà máy của Tập đoàn LEGO trên toàn thế giới, nhằm tăng "sức chống chịu"của LEGO trước những biến động trên thế giới, chẳng hạn như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong hai năm đại dịch COVID-19.

"Một lý do nữa khiến chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam thay vì những nơi chúng tôi đã có sẵn nhà máy, đó là vì chúng tôi muốn đảm bảo khả năng chống chịu trước những biến động. Giả dụ nếu chúng tôi gặp vấn đề logistics ở một nơi, thì chúng tôi vẫn còn một mạng lưới nhà máy để hỗ trợ lẫn nhau, do các nhà máy của chúng tôi trên thế giới đều được xây dựng giống nhau, với công nghệ như nhau", ông Carsten Rasmussen cho biết.

Chia sẻ về kế hoạch của LEGO dành cho dự án tại Bình Dương, ông Carsten Rasmussen nói rằng nhà máy thứ 6 của tập đoàn "sẽ tập trung vào thị trường khu vực để nâng cao 'sức chống chọi' của LEGO trước những biến động trên thị trường."

"Chúng tôi có nhà máy ở nhiều khu vực trên thế giới để tăng cường tốc độ cung ứng hàng hóa. Do đó, nhà máy Bình Dương sẽ cung ứng cho thị trường Đông Nam Á, một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi. Tôi hy vọng rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều công ty của Đan Mạch đầu tư vào khu vực này (cụ thể là Việt Nam) giống như LEGO", vị Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO cho hay.

Hành trình xanh: LEGO cũng là "người đang đi học"

Dự án sắp khởi công vào tháng 11/2022 của LEGO có quy mô 44ha, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024 và góp phần tạo ra 4.000 việc làm. Đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn LEGO trên toàn cầu, đánh dấu bước đột phá của tập đoàn đồ chơi Đan Mạch trên hành trình phát triển xanh, bền vững.

Được biết, quá trình xây dựng nhà máy trung hòa carbon của LEGO tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam sẽ tuân thủ theo tiêu chuẩn vàng của LEED (Định hướng thiết kế về môi trường và năng lượng).

Theo đó, nhà máy mới sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo để vận hành nhờ các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái, cùng một dự án năng lượng mặt trời do VSIP thay mặt LEGO xây dựng kế bên nhà máy này.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam được nhận định là một địa điểm ngày càng hấp dẫn đối với các đối tác quốc tế nhờ vào cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm làm giảm khí thải carbon và sự tích cực đối phó với biến đổi khí hậu. Việc LEGO và Việt Nam cùng lựa chọn năng lượng sạch cũng là một lí do quan trọng đưa đến quyết định đầu tư 1 tỷ USD của tập đoàn này.

Giám đốc Vận hành Carsten Rasmussen cho biết: "Chúng tôi rất vui khi Việt Nam cũng có chung mong muốn tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với Trái đất, vì LEGO cũng hướng tới mục tiêu này."

Không chỉ sử dụng năng lượng tái tạo, LEGO cũng sẽ đầu tư vào những loại công nghệ khác để giảm tiêu thụ nước, nỗ lực tái chế rác thải, sử dụng các loại xe điện và trang bị các thiết bị sản xuất giúp nâng cao hiệu quả năng lượng. Cùng với VSIP, LEGO sẽ trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy.

"Đây sẽ là mô hình tiên phong cho các nhà máy của chúng tôi trong tương lai để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng Việt Nam và LEGO có chung mục tiêu phát triển bền vững, do đó hai bên có thể cùng giúp đỡ lẫn nhau để đạt được mục tiêu quan trọng này", ông Carsten Rasmussen nói.

Tất nhiên, đối với LEGO, việc đầu tư xây dựng một mô hình nhà máy mới sẽ đi kèm với những thách thức. Ông Carsten Rasmussen cũng thừa nhận rằng bản thân ông và tập đoàn LEGO vẫn còn rất nhiều điều cần học hỏi trong hành trình chuyển đổi sang phát triển bền vững này.

"Phải nói rằng chúng tôi cũng là những người đang đi học. Chúng tôi chưa biết hết về những khái niệm phát triển bền vững, nhưng chúng tôi có những cam kết chặt chẽ với phía Việt Nam.

Sẽ cần nỗ lực từ cả hai phía để đạt được mục tiêu này, tuy nhiên cá nhân tôi cảm thấy rất lạc quan. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với những cam kết mạnh mẽ của các bên, và rằng việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững là hoàn toàn khả thi", ông Carsten Rasmussen nói.

Được biết, ngoài vấn đề năng lượng và xả thải, LEGO hiện cũng đang đầu tư nghiên cứu vật liệu thế hệ mới trên hành trình phát triển bền vững - ví dụ như nhựa tái chế hoặc vật liệu có gốc thực vật.

Vị Giám đốc Vận hành của Tập đoàn LEGO nhấn mạnh rằng dự án tại Bình Dương có thể trở thành "chuẩn mực mới" của tập đoàn này trong tương lai: "Các nhà máy hiện có của chúng tôi có những tiêu chuẩn rất cao, nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu trung hòa carbon.

Chúng tôi kỳ vọng rằng mô hình nhà máy ở Bình Dương có thể được nhân rộng ở những cơ sở khác – đây là một cách để chúng tôi nâng tầm các tiêu chuẩn của mình. Cá nhân tôi rất trông đợi vào điều này, và tôi biết rằng đây là điều quan trọng đối với Hành tinh Xanh và các thế hệ con em của chúng ta."

Hồng Anh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nha-may-1-ty-usd-o-binh-duong-va-trai-nghiem-tuyet-voi-cua-lanh-dao-lego-voi-viet-nam-8202214513826906.htm