Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng sang tên đổi chủ: Có lỗi với di sản

Nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội thốt lên như vậy khi biết tin nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng đã sang tên đổi chủ.

Bất ngờ

“Tôi bất ngờ và sửng sốt khi biết tin này vì nhà lưu niệm là tâm huyết của vợ chồng người con gái duy nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng là bà Vũ Mỵ Hằng”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nói.

Theo ông Nguyên, bà Hằng mất thì chồng bà, ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng, hết sức tận tình với bên nhà vợ trông nom, tu sửa thêm cho nhà lưu niệm. “Vì đây không phải chỉ là chuyện của một gia đình mà là chuyện của một danh nhân, một danh nhân của Thủ đô Hà Nội, một nhà văn lớn của Hà Nội, một nhà văn lớn của Quốc gia”.

Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nay đã sang tên đổi chủ, cửa đóng then cài. Ảnh: Đông Dương

Khi còn sống, ông Sơn đã nhờ rất nhiều các nhà nghiên cứu văn học trong đó có ông Nguyên, giúp tiếng nói, giúp ý kiến đề nghị Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử cho nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nguyện vọng chưa thành thì ông Sơn qua đời năm 2016.

Nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng được xây dựng từ năm 1988. Đây là nơi đã tổ chức rất nhiều lần giỗ "ông vua phóng sự đất Bắc" vào ngày 13/10 hàng năm.

Trong khuôn viên này, ngoài phần mộ của Vũ Trọng Phụng, còn có phần mộ mẹ của Vũ Trọng Phụng, mộ vợ của Vũ Trọng Phụng, và sau này là mộ con gái của Vũ Trọng Phụng.

Đằng trước ngôi mộ Vũ Trọng Phụng, theo ông Phạm Xuân Nguyên, còn trích một câu của nhà thơ Tố Hữu: "Ông không phải là nhà cách mạng, nhưng cách mạng biết ơn ông".

"Biết thông tin nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng không còn nữa, tôi lao đến, tôi bấm chuông và tôi đứng đợi khoảng 30 phút đợi xem có ai đi ra đi vào hay không, nhưng không thấy", nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nói.

Tin buồn cho văn hóa

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi đây là sự bất ngờ, sửng sốt và "một tin buồn cho văn hóa, văn học, trước hết là Hà Nội và cả Hội Nhà văn nữa".

Ông khẳng định việc để sang tên đổi chủ ngôi nhà là đã rất phụ công sức vợ chồng người con gái duy nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

"Bây giờ con cháu đi mất rồi, không được công nhận di tích thì họ dời đi. Họ coi như đó là của gia đình, nó không bị quản lý bởi chế tài của Luật Di sản. Và đấy là lỗi của Hà Nội, lỗi của Hội Nhà văn", ông Nguyên nói.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ảnh tư liệu

Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cảnh báo: "Chúng ta có tội với quá khứ, có tội với di sản".

Ông Phạm Xuân Nguyên cũng băn khoăn khi chưa biết những di cảo của Vũ Trọng Phụng, những di sản hiện vật về Vũ Trọng Phụng, cùng những ngôi mộ đã được chôn trong khuôn viên nhà lưu niệm giờ di dời về đâu?

"Tôi nghĩ muộn còn hơn không. Thành phố nên quan tâm giữ gìn các di cảo, hiện vật về Vũ Trọng Phụng", ông Nguyên nói.

Cơ quan quản lý văn hóa có tiếc không?

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, một trong những chuyên gia về Vũ Trọng Phụng khi biết thông tin ông cũng hết sức bất ngờ và tiếc nuối.

"Đây là địa chỉ lưu niệm một nhà văn có tiếng được công chúng biết đến và được gia đình nhiều năm nay làm nhà lưu niệm. Đó là địa chỉ mà những người nghiên cứu Vũ Trọng Phụng và những bạn đọc yêu mến Vũ Trọng Phụng lưu tới khá là đông", ông Ân nói.

Ông Nghiêm Xuân Sơn bên mộ bố vợ - nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ảnh tư liệu

"Với những nhà nghiên cứu, trong đó cá nhân tôi là người làm tương đối kỹ về những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thì hết sức tiếc nuối vì không còn một địa chỉ của một địa điểm quen thuộc để giao lưu gặp gỡ. Trong trường hợp này các quan chức ở Bộ VH-TT-DL và Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội họ có thể ứng phó kiểu gì? Họ có lấy làm tiếc hay không?", ông Ân nêu câu hỏi.

Vũ Trọng Phụng được biết đến là nhà văn hiện thực xuất sắc thời kỳ 1930-1945. Ông quê ở làng Hảo, Mỹ Hào, Hưng Yên, sinh ngày 20/10/1912 và mất ngày 13/10/1939, khi mới 27 tuổi.

Cổng Thông tin Điện tử quận Thanh Xuân (Hà Nội) đăng tải thông tin cho biết: Nhà lưu niệm và mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng đã trở thành một địa chỉ văn hóa của các thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, của các em nhỏ yêu thích văn học, của khách xa gần, của bạn đọc thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đến thăm viếng nhà văn. Vũ Trọng Phụng không chỉ là nhà văn, nhà báo tên tuổi làm rạng danh cho Hà Nội mà còn vinh danh cho quê hương vùng Mọc, Thanh Xuân.

Kiều Mai Sơn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nha-luu-niem-vu-trong-phung-sang-ten-doi-chu-co-loi-voi-di-san-post251804.html