Nhà leo núi 'bát thập'

Ngoài đạt những kỷ lục đáng khâm phục về sức khỏe, từ thiện, họ còn là cặp đôi gắn bó, quấn quýt bên nhau đã 65 năm. Ông bà chưa một ngày rời nhau, ông đi leo núi thì bà ở dưới chờ đợi. Triết lý sống hạnh phúc của ông bà là không bao giờ tranh luận để lấy phần thắng...

4 lần chinh phục "nóc nhà Đông Dương"

Dường như sức khỏe, sự dẻo dai và đam mê leo núi đã đánh bại tuổi tác của ông Huỳnh Văn Ráng (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ở tuổi 87, mỗi ngày ông đều bận rộn cho những công việc ở khắp nơi. Hễ rảnh là ông đi leo núi hoặc tập leo cầu thang, thói quen đã ngấm vào người trở thành tình yêu không thể xa rời nhiều năm qua.

Tháng 9 năm 2014, ông Huỳnh Văn Ráng, 83 tuổi đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á tại TP. Faridabad, bang Haryana (Ấn Độ) trao bằng kỷ lục với nội dung: “Người cao tuổi 4 lần chinh phục đỉnh Phan Xi Păng ở độ cao 3.143 mét” và lọt vào top 10 kỉ lục gia leo núi thế giới. Ông trở thành thần tượng của giới thám hiểm Việt Nam.

Kỷ lục gia leo núi Huỳnh Văn Ráng.

Kể về việc leo núi, lúc nào trong ông cũng sôi nổi. Ngày quyết định chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, ông Ráng 75 tuổi, đã chinh phục hầu hết các ngọn núi ở Việt Nam bằng đường bộ như Bà Đen, Gia Lào, Bà Nà... Riêng ở Bà Nà (Đà Nẵng) ngày chưa có cáp treo, núi rừng còn đậm chất thiên nhiên, chỉ có vài căn nhà lá trên đỉnh thì ông đã đặt bàn chân của mình lên từng bậc đá, đêm giăng lều ngủ trên ngọn núi cùng với chim sóc và khỉ.

Ông muốn chinh phục “nóc nhà Đông Dương” không phải để khoe thành tích hay lấy danh hiệu mà ông muốn kiểm tra sức khỏe mình đạt tới ngưỡng nào ở vào cái tuổi “bát thập”.

Ông tới Phan Xi Păng đăng ký leo núi thì nhân viên nhìn ông một hồi lâu rồi nói: “Ở đây không tiếp nhận vận động viên trên 70 tuổi”. Ông buồn lắm, đã ở dưới chân núi rồi mà không được leo. Cô nhân viên cảm thông nói với ông: “Lần sau bác tới thì giấu tuổi đi, chúng con sẽ cho bác leo”.

Hai năm sau, ông làm đúng như lời dặn trước đó là giấu tuổi nhưng nhân viên cũng đoán ra tuổi của ông. Tuy nhiên, họ cảm nhận được nhiệt huyết cũng như đam mê mạnh mẽ của ông lão 77 tuổi, họ yêu cầu ông cởi hết đồ ngoài ra, xem cơ bắp, chân tay có đủ khả năng leo núi không. Khi nhìn thấy hai cánh tay chắc nịch, đôi bắp chân vững chãi của ông, họ đã đồng ý.

Trong gian phòng treo đầy hình ảnh hạnh phúc về cặp đôi “bát thập”.

Để tránh rủi ro về trách nhiệm sau này, họ bắt ông phải đóng bảo hiểm. Ông Ráng chấp nhận hết các yêu cầu để được chinh phục Phan Xi Păng. Chỉ có một mình, ông thuê thêm một hướng dẫn viên và một cửu vạn cõng ba lô.

Ông Ráng bền bỉ leo từ 8 giờ sáng, vượt qua nhiều đoạn quanh co khúc khuỷu, một bên là vách đá cao sừng sững, bên kia là vực thẳm. Càng lên cao, hành trình càng khó khăn vì địa hình hiểm trở, sương mù dày đặc, gió thổi ầm ào như tù và. Suốt cung đường dài trên địa hình chênh vênh, vận động viên leo núi đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ đường đi hiểm trở, gập ghềnh, vách đá cheo leo, bùn lún, côn trùng, vắt rừng...

Càng lên cao, không khí càng lạnh, thiếu ôxy nên rất nhanh mệt. Tuy nhiên, mỗi lần như thế chỉ cần vài nhịp hít thở đều đặn, đôi chân ông lão lại phăm phăm bước tiếp. Trên đường đi, ông quan sát thấy nhân viên phục vụ ở các trạm dừng nghỉ từ độ cao trên 2.000m đều là người dân tộc thiểu số. Họ có sức khỏe để thích nghi với địa hình núi cao và có bản năng sinh tồn trong rừng hoang núi thẳm. Vì vậy, Phan Xi Păng không phải ai cũng leo được và không phải ai cũng sống nổi.

65 năm qua, chưa bao giờ ông bà rời xa nhau.

6 giờ tối, ông Ráng đã đặt chân lên đỉnh núi. Cảm giác được chinh phục ngọn núi cao nhất Việt Nam khiến ông quên hết mệt mỏi. Nhìn xuống dãy Hoàng Liên Sơn như dải lụa khổng lồ vắt ngang Tây Bắc, ông chỉ có thể thốt lên hai từ “tuyệt vời”.

Ông sung sướng vì đã đạt được ý nguyện, “đo” được sức khỏe, giữ gìn sức khỏe và để cho con cháu noi gương. Nhìn những người bạn cùng leo đều là thanh niên trẻ khỏe, ông lại càng tự hào về bản thân mình nhiều hơn. Đêm đầu tiên ngủ trên đỉnh núi băng tuyết trắng xóa, gió rít bần bật, ông Ráng cảm giác thật hạnh phúc.

Nhiều người lo cho ông bởi người cao tuổi mà ngủ trong điều kiện khí hậu lạnh giá, độ ẩm quá cao như vậy sẽ dễ đổ bệnh. Họ khuyên ông không nên tắm mà chỉ lau người thôi. Hai đêm, một ngày sống trên đỉnh núi, ông vẫn khỏe re, vui cười thỏa thích.

Tất cả những lần ông Ráng leo núi đều có vợ đi cùng. Bà không leo được và ở dưới chờ đợi. Thường là trên núi cao không có sóng điện thoại không thể liên lạc hỏi thăm nên người ở dưới chỉ biết chờ. Ngày chờ chồng lâu nhất có lẽ là lần ông Ráng leo đỉnh Phan Xi Păng. Do hiểu tính chồng nên bà Lê Thị Hổ chỉ biết động viên, cổ vũ.

Bức ảnh lần đầu tiên ông chinh phục đỉnh Phan Xi Păng năm 77 tuổi.

Lần chinh phục đỉnh Phan Xi Păng gần nhất của ông Huỳnh Văn Ráng là vào năm 2014, lúc này ông đã 83 tuổi. Khi leo lên đến gần độ cao 2.800m thì khó khăn xuất hiện càng nhiều hơn, đường đi nhầy nhụa, âm u, mưa nhỏ nhưng rất lạnh. Đây là đoạn đường chông gai nhất cuộc hành trình.

Ông Ráng kể: “Trong chuyến đi, tôi quên đem theo một đôi giày dự phòng. Vậy là đến 2/3 đoạn đường, đôi giày đang đi đã rách tươm. Để tiếp tục, tôi phải lấy sợi dây bó lại như người xưa bó chân. Cứ đi một đoạn thì dây buộc lại đứt. Cho đến lúc tôi quay xuống chân núi, đôi giày đã không còn hình dáng ban đầu nữa”. Mặc khó khăn thách thức, đã 4 lần nhà thám hiểm Huỳnh Văn Ráng đặt chân lên “nóc nhà Đông Dương”.

Hỏi ông có ý định leo Phan Xi Păng nữa không? Ông bảo bây giờ Phan Xi Păng không còn hoang sơ như lần đầu tiên ông leo lên. Núi đã có cáp treo, bàn tay con người đã tham gia vào quá nhiều thứ để phục vụ cho mục đích du lịch nên ông không còn ham muốn chinh phục nữa.

Ngày có cáp treo, ông dẫn bà xã Lê Thị Hổ (84 tuổi) lên tới trạm số 2 (độ cao 2.900m) để vợ ngắm khung cảnh Phan Xi Păng cho thỏa sự tò mò. Do thời tiết giá lạnh, gió quật rất mạnh khiến bà xã của ông không thể đứng lâu ngắm cảnh được. Sau lần đi ngắm Phan Xi Păng, bà Hổ càng cảm phục chồng nhiều hơn.

"Đại sứ" sức khỏe

Ông Ráng sinh ra và lớn lên ở làng Phú An Thôn (nay là xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Vùng đất từ thời chống Pháp còn đậm chất hoang sơ. Trẻ con người lớn đều đi bộ bằng đôi chân trần. Có lẽ xuất phát điểm như vậy nên sau này ông Ráng sở hữu đôi chân rất khỏe và đặc biệt thích đi bộ, leo núi.

Ông Ráng tâm đắc câu châm ngôn của người xưa: “Nhịn thuốc thì mua được trâu, nhịn trầu thì mua được ruộng”. Đời ông Ráng không thuốc không trầu chắc chắn sẽ không đói khổ. Ngày ở nông thôn Pháp thuộc mỗi khi có việc gì liên quan đám tiệc thì những người được mời là mấy ông chủ sở cao su.

Với suy nghĩ sẽ trở thành điền chủ để được mời dự trong các công việc quan trọng ngoài xã hội, lớn lên, ông Ráng mua đất trồng cao su nhưng ở thành thị người ta lại mời các chủ tiệm vàng. Vậy là ông Ráng quyết định chuyển sang nghề vàng. Cứ có tiền là ông mua dụng cụ thợ bạc, ban ngày đi làm, tối đến đi học nghề thợ bạc. Ông trở thành thợ chạm bạc giỏi trong vùng.

Năm 1970, ông Ráng trở về Lái Thiêu mở tiệm vàng Kim Châu và được xem là một trong những người đầu tiên kinh doanh vàng bạc ở khu vực Lái Thiêu. Ông cho biết, bản tính của mình rất kiên trì, chịu khó dám nghĩ dám làm, cộng với may mắn nữa nên đã thành công.

Vợ chồng ông Ráng sinh được 9 người con, 8 gái và một trai, trong đó 7 người theo nghề kinh doanh vàng bạc. Vài năm nay, ông Ráng giao lại cho con cháu quản lý để tập trung thời gian làm công tác xã hội. Việc thường nhất của ông bà là đi cứu trợ, làm từ thiện.

Mùa mưa bão ở miền Trung năm nào cũng gây thiệt hại nặng nề, những chuyến hàng cứu trợ của vợ chồng ông Ráng, bà Hổ luôn làm ấm lòng bà con. Ông Ráng cho biết, mỗi lần đi ông đều chọn nơi xa nhất, nghèo khó nhất. Xe ôtô hết chạy nổi thì sẽ đi bộ, xách dép lội suối.

Những chuyến đi như thế, tận mắt thấy được từng mảnh đời khốn khó, trao tận tay cho họ, ông bà lại có thêm động lực để đi tiếp. Riêng bà Hổ từng đi cùng đoàn Hội chữ thập đỏ Bình Dương sang Campuchia, Lào làm từ thiện, được Tổ chức Kỷ lục Đông Dương trao bằng xác lập, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Ở Bình Dương, ông Ráng được xem là “đại sứ sức khỏe”. Địa phương hễ tổ chức cuộc thi thể dục thể thao đều mời ông Ráng tham dự. Ông Ráng bật mí, ở vào tuổi 87 hiện nay, cơ thể ông dẻo như diễn viên múa, có thể “rút” xà đơn được 15 cái. Mỗi tháng 4 lần ông đều thực hiện leo vách núi nhân tạo cao 16m tại TP. Hồ Chí Minh. Tổng cộng ông leo được 160 lần. Với ông, leo núi đơn giản như đi tản bộ.

Ngọc Hoa

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nha-leo-nui-bat-thap-505689/