Nhà Lê sơ nghiêm trị tội dựa quyền sách nhiễu dân

Cái tệ dựa vào quyền hành mình có mà nhũng nhiễu, yêu sách tiền của, lấn áp dân lành là một vấn nạn cần phải bài trừ.

Sự việc một thiếu úy công an bị tước quân tịch, bị bắt cùng với một bảo vệ dân phố ở phường 17, quận Bình Thạnh về hành vi cưỡng đoạt tài sản đang gây chú ý dư luận.

Dạo xưa như thời Lê sơ (1428-1527) vốn là triều đại thịnh trị, được đời sau biết đến với chính sách an dân tốt, luật pháp thực thi nghiêm minh. Riêng đối với thực trạng sách nhiễu dân, luật pháp nhà Lê sơ, cụ thể là Quốc triều hình luật có quy định xử phạt rõ ràng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại việc sách nhiễu.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại việc sách nhiễu.

Thiếu gì kẻ dựa quyền sách nhiễu

Đầu thời Lê sơ, Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên và các sử quan thời Lê) chỉ mặt đặt tên trường hợp năm Đinh Tỵ (1437), thời vua Lê Thái Tông, có Tổng quản Lê Hiệu ở huyện Thạch Thất (thuộc Hà Nội ngày nay) đã dựa chức vụ của mình tự ý lấp một nhánh sông làm đất riêng đến nỗi ngăn dòng chảy làm cho thuyền bè của dân không thể lưu thông.

Tệ dựa quyền thế nhũng nhiễu dân, hầu như thời vua nào của nhà Lê sơ cũng đề cập tới. Vào năm Giáp Thìn (1484), vua Lê Thánh Tông thấy cái tệ mua bán ức hiếp lộng hành đã phải than thở: “Việc cấm mua bán ức hiếp đã có lệnh rất nghiêm mà các nhà quyền hào vẫn chưa đổi thói cũ, hại dân chúng, hỏng chính sự không gì tệ bằng”.

Sang thời vua Lê Hiến Tông, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn) cho biết vào năm Đinh Tỵ (1497), vua đã phải ra sắc chỉ răn cấm tệ mua bán ức hiếp: “Các nữ sử ở phủ, cung nhân cung Thiên Hòa và nô tì ở các phủ thân vương, công chúa, các nhà đại thần có mua thứ gì của người dân nhà quê bán trong chợ, không được quen thói cũ, mượn tiếng công mưu lợi riêng, ức hiếp mua rẻ và lấy bừa không trả tiền”.

Đến năm Kỷ Mùi (1499), vua lại sắc chỉ cho quân nhân các vệ và thợ thuyền các ti, sở rằng: Khi có những việc khởi công, xây cất như làm nội phủ, vũ khố, đền từ, chùa quán, mà quan phụ trách các vệ, sở, ti và nhân viên đốc thúc dám đánh người, yêu sách tiền bạc, gây tệ nạn bán chác, đánh tráo thì Lục khoa, Giám sát ngự sử, Hiến ti cùng xá nhân vệ Cẩm y tra xét đưa ra trị tội.

Mà nào đã hết, Toàn thư còn ghi cũng năm ấy trong huấn điều ban xuống, ở Điều 11, vua chú ý sĩ phu phải giữ phẩm hạnh, điển lễ “nếu có người nào thì thọt cửa quyền, dựa thế lực người trên ra oai nạt nộ người khác sẽ phải tước bỏ tên tuổi”.

Cuối thời Lê, vua Lê Tương Dực ham ăn chơi là thế nhưng năm Tân Mùi (1511) cũng đã răn những tông thất công thần “Phải dạy dỗ con cháu, răn bảo nô tì cho chúng hiểu biết lễ phép, không được cậy thế kiêu ngạo, đánh đập dân mọn, không được phép phóng ngựa ngoài đường phố, làm thương tổn mạng người, không được chắn ngang đường sá, cướp bóc của dân”.

Luật nước nghiêm minh

Việc áp dụng điển chế, luật lệ liên quan đến việc xử phạt tệ sách nhiễu của quan lại ta có thể thấy được cụ thể sự áp dụng luật lệ vào xử phạt tội sách nhiễu dân của quan lại thời Lê sơ.

Trước hết là trường hợp xem thường pháp luật của tổng quản Lê Hiệu ở huyện Thạch Thất. Khi việc bị phát giác, chuyển vận Trần Hiển tâu sự vụ về triều để vua nghiêm trị Lê Hiệu.

Quan lại nhũng nhiễu có thể bị phạt tiền tới 100 quan (tiền Hồng Đức thông bảo (bên trái) và Quang Thuận thông bảo thời Lê Thánh Tông). Ảnh: Tư liệu

Kể từ dạo Quốc triều hình luật được ban hành thời vua Lê Thánh Tông, nhiều điều luật trong đó chỉ rõ cũng như quy định xử phạt, răn cấm tội sách nhiễu.

Chẳng hạn Điều 88 Chương Vi chế (Làm trái pháp luật) ghi: “Những người coi việc đào sông, làm cảng và đắp quan ải mà giấu bớt dân phu, sách nhiễu tiền của thì bị biếm hoặc đồ phải bồi thường tiền gấp hai, trả lại cho dân”.

Điều 86 Chương Tạp luật có đoạn: “Các quan cai quản quân dân, cùng những nhà quyền quý mà sách nhiễu, vay mượn của cải, đồ vật của dân trong hạt, thì khép vào tội làm trái pháp luật và phải trả lại tài vật cho dân…”.

Điều 80 Chương Tạp luật cũng chú ý quan lại mà vô cớ đi đến các làng xã hoặc cho vợ, người nhà “mượn việc mua bán làm cớ để quấy nhiễu nhân dân, lấy của biếu xén thì xử tội biếm hay bãi chức”.

Năm Giáp Thìn (1484) vua Lê Thánh Tông còn ra sắc chỉ cấm mua bán dựa quyền, dựa thế ức hiếp dân: “Các nhà sắm sửa lễ vật cưới xin, nếu mua bán ở hàng chợ dân gian, hàng hóa lớn nhỏ đều phải tuân theo thời giá, không được quen thói gian ngoan như trước, ỉ thế cậy oai, mua hiếp, cướp đoạt, kẻ nào vi phạm thì trị tội theo như lệnh trước”.

Điểm qua những điều 67, 89, 90, 133 Chương Vi chế, các điều 21, 42, 43 Chương Hộ hôn... ta sẽ thấy những quy định liên quan đến tệ sách nhiễu được nhà nước chú trọng bài trừ, răn đe bằng hình phạt cụ thể.

Tỉ như Điều 67 Chương Vi chế quy định quan, tướng ở phiên trấn mà “sách nhiễu tiền tài của nhân dân thì bị biếm ba bậc, phải bồi thường gấp đôi số tiền trả lại cho dân”. Đến cả tôn thất mà can tội ấy cũng bị phạt 100 quan.

Vua Lê Thánh Tông rất nghiêm khắc với quan lại nhũng nhiễu dân. Ảnh: Tư liệu

Thời vua Lê Thánh Tông trị vì, vào năm Ất Tỵ (1485) trung quân đô đốc phủ tả đô đốc Kinh Dương bá Lê Quyền nhắc về cường hào hoành hành: “Hễ là hạng hào cường cậy thế mà phạm các tội đánh người bị thương, cướp đoạt ruộng đất, tài vật của người khác, cày phá mồ mả, xâm phạm làm tổn hại đến người khác, từ ba lần trở lên, rõ là hành vi ngang ngược của bọn cường hào mà dẫu có ân xá cũng không được hưởng, thì bị trừng trị theo tội cường hào hoành hành.

Nếu những việc can phạm nói trên chỉ có một hai lần, cùng là các tội tranh nhau về ruộng đất, hay đánh nhau... thì theo luật mà trị tội”.

Trong thực tế ngay cả việc khảo xét công trạng để thăng hay giáng chức, cũng chú ý đến vấn đề quan lại có trị dân tốt hay quen thói nhũng nhiễu.

Năm Tân Dậu (1501), vua Lê xuống chiếu về khảo xét công tội quan phủ, huyện, trong đó nêu rõ “Quan lại nếu có ai quả là tham ô, nhũng nhiễu, gian tham, lười biếng, ăn đút lót, có bằng chứng xác thực thì gửi cho Lại bộ tra xét và trị tội theo lệ đã định”.

Trần Đình Ba

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hoa/nha-le-so-nghiem-tri-toi-dua-quyen-sach-nhieu-dan-879151.html