Nhà lãnh đạo Nikita Khrushchyov đã bị lật đổ như thế nào

Cách đây 55 năm, tháng 10/1964, Bí thư thứ Nhất BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS) và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita Khrushchyov đã phải trải qua những ngày cuối cùng trên cương vị nhà lãnh đạo quốc gia tối cao. Âm mưu lật đổ ông do những người cộng sự thân cận lập ra rất tỉ mỉ đang đi vào giai doạn hoàn tất trong thực tế. Khrushchyov đã quá tin vào các cộng sự và quá tự tin vào trí tuệ có vẻ như kiệt xuất của mình nên không kịp thời xử lý những thông tin trái chiều nhận được.

Trưởng thành từ gian khó

Nikita Sergeyevich Khrushchyov sinh năm 1894 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Kalinovka, tỉnh Kursk nước Nga nhưng từ năm 14 tuổi, đã sống và trưởng thành ở Donetsk, Ukraina. Sớm đi làm công nhân và sớm tham gia hoạt động cách mạng, ông được kết nạp vào Đảng Bolshevik năm 1918... Tới đầu những năm 1930, ông đã là Bí thư thứ Nhất Thành ủy Moskva. Năm 1938, Khrushchyov trở thành Bí thư thứ Nhất BCH TƯ Đảng Cộng sản Ukraina. Một năm sau, ông được đưa vào Bộ Chính trị KPSS. Trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), ông đã tham gia tích cực vào các hoạt động quân sự và sau khi chiến tranh kết thúc, ông mang quân hàm trung tướng.

Trong giai đoạn từ năm 1944 tới 1947, Khrushchyov là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ukraina và sau đó một lần nữa được bầu làm Bí thư thứ Nhất BCH TƯ Đảng Cộng sản (của những người Bolshevik) Ukraina. Từ tháng 12/1949, một lần nữa ông làm Bí thư thứ Nhất tỉnh Moskva và Bí thư BCH TƯ KPSS.

Vào tháng 6/1953, sau khi lãnh tụ Iosif Stalin qua đời, chính Khrushchyov là một trong những người khởi xướng việc loại bỏ nhà lãnh đạo rất có uy thế lúc đó là Lavrenti Beria ra khỏi chính trường. Thậm chí Beria đã bị xử tử…

Tháng 9/1953, Khrushchyov được bầu làm Bí thư thứ Nhất BCH TƯ KPSS. Tại đại hội lần thứ 20 KPSS, ông đã đọc Báo cáo về sự sùng bái cá nhân của I.V. Stalin. Từ năm 1958, ông kiêm thêm cả chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô…

Sự thất vọng chung

Tuy nhiên, cho tới thời điểm năm 1964, mười năm sau khi Nikita Khrushchyov lên nắm quyền trong Điện Kremli, ở quốc gia Xôviết trong thực tế đã không còn lực lượng nào mà Bí thư thứ Nhất Trung ương Đảng có thể hoàn toàn trông cậy được trong những tình huống “trái gió trở giời”. Khrushchyov đã làm mất lòng đội ngũ những nhà lãnh đạo cốt cán cùng thời trưởng thành với ông khi lãnh tụ Stalin đang ở ngôi vị thứ nhất bởi cách ứng xử kiểu “qua cầu rút ván” và vô lễ đến tàn nhẫn đối với tiền nhân. Những cán bộ lãnh đạo có quan điểm trung dung trong Đảng đã bị ông đẩy ra xa bởi cách hành xử thô bạo tới coi thường đồng chí, đồng đội và bởi vì ông đã xóa bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể bằng việc độc đoán quyết định mọi điều trọng đại. Tầng lớp trí thức sáng tạo, thoạt tiên hồ hởi với sự hiện diện của Khrushchyov trong Điện Kremli, dần dà cũng phải dè chừng ông bởi những chỉ dẫn vụng về và cục mịch cũng như những hành vi xỉ nhục họ từ phía ông. Nhà thờ Chính giáo Nga, vừa kịp làm quen với một sự tự do tương đối trong giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ hai, lại bị chèn ép một cách quyết liệt hơn trước rất nhiều…

Các nhà ngoại giao mệt mỏi vì cứ phải dốc sức xử lý hệ lụy từ các cuộc khủng hoảng trên trường quốc tế do các hành vi bất cẩn của Khrushchyov gây nên. Các quân nhân không hài lòng vì những quyết định cắt giảm quân bị và quân số tràn lan không được tính toán kỹ. Việc tiến hành cải cách quản lý công nghiệp và nông nghiệp đã dẫn tới hỗn loạn và khủng hoảng kinh tế ngày một sâu sắc hơn bởi những chiến dịch trồng ngô ở khắp mọi nơi và những biện pháp ngăn cấm các ruộng vườn riêng của các nông trang viên…

Chỉ một năm sau chuyến bay huy hoàng của Yuri Gagarin vào vũ trụ và tuyên bố những nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa cộng sản trong vòng hai mươi năm, Khrushchyov đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng Caribe trên trường quốc tế, còn trong nội địa đã sử dụng các đơn vị quân đội để đè bẹp sự phản đối của công nhân ở Novotserkass trước việc suy giảm mức sống. Giá cả lương thực thực phẩm ngày một đắt đỏ, các cửa hàng thiếu vắng hàng hóa, tại một số khu vực thậm chí còn bị đình trệ việc cung cấp bánh mì… Đất nước phải đối diện với một nguy cơ đói kém mới…

Gậy ông đập lưng ông

Nikita Khrushchyov là một người rất thông thạo những trò hậu trường chính trị. Ông đã khéo léo thoát ra khỏi các bạn chiến đấu của mình trong nhóm tam quyền chế ngự giai đoạn “hậu Stalin” là Malenkov và Beria. Năm 1957, ông đã trụ lại được trước những cố gắng đảo lộn bàn cờ từ phía “nhóm phản Đảng”(!) bao gồm các gương mặt sáng giá hàng đầu trên thượng tầng chính trị Xôviết ở thời điểm đó như Molotov, Malenkov, Kaganovich... Nhân tố “liều mình cứu chúa” lúc ấy đối với Khrushchyov là nguyên soái, Bộ trưởng quốc phòng Georgi Zhukov với tiếng nói mang ý nghĩa quyết định của mình. Tuy nhiên, chỉ nửa năm sau, Khrushchyov khi đã yên vị trên ngôi thứ nhất trong Điện Kremli, đã đẩy “thần hộ mệnh” của mình về hưu vì sợ sự gia tăng ảnh hưởng của các quân nhân.

Khrushchyov đã cố gắng đưa vào các vị trí chủ chốt những gương mặt mà ông nghĩ rằng là đồng minh hay chiến hữu có thể tin cậy được. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo của ông, như đã nói ở trên, đã mau chóng đẩy ra xa ngay cả những người mà trong thực tế phải hàm ơn ông vì những gì mà họ có.

Năm 1963, một chiến hữu thân cận của Khrushchyov là Bí thư thứ Hai BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô Frol Kozlov đã rời khỏi chức vụ của mình vì lý do sức khỏe. Phận sự của ông này được phân cho Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô Leonid Brezhnev và Nikolai Podgornyi, người được điều chuyển từ Kiev lên Moskva làm Bí thư BCH TƯ Đảng. Thoạt tiên, họ đã là một đội hình rất hữu hảo. Tuy nhiên, cách lãnh đạo thô bạo của Khrushchyov đã tạo ra những nguyên nhân khiến chính những người từng chịu ơn ông về sau lại thay lòng đổi dạ do họ bị ông xúc phạm quá phũ phàng… Và một nhóm các nhà lãnh đạo cấp cao đã hội tụ cùng nhau trong những dự định “đảo chính cung đình”.

Cũng khoảng từ thời điểm đó, Brezhnev đã bắt đầu bí mật tiến hành những cuộc thương thảo với các Ủy viên BCH TƯ Đảng để tìm hiểu những suy nghĩ của họ. Thường thì những lần trò chuyện tâm sự như thế được diễn ra tại khu rừng nghỉ dưỡng Zavidovo, nơi Brezhnev thích tổ chức các cuộc đi săn.

Những thành viên tích cực tham gia âm mưu lật đổ Khrushchyov, ngoài Brezhnev, còn có chủ tịch KGB Vladimir Semitsastnyi, Bí thư BCH TƯ Đảng Aleksandr Shelepin và Nikolai Podgornyi. Theo dòng thời gian, đội ngũ này ngày một được mở rộng, thêm vào cả Ủy viên BCT và nhà tư tưởng chính yếu tương lai của quốc gia Mikhail Suslov, Bộ trưởng Quốc phòng Rodion Malinovsky, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Aleksei Kosygin…

Giữa những người tham gia âm mưu lật đổ Khrushchyov phân thành một số nhóm khác nhau, trong đó có những người coi sự nổi trội hơn cả của Brezhnev như một phương án tạm thời, chủ yếu để đạt được sự đồng thuận mang tính thời điểm, cho “cừu no mà cỏ vẫn nguyên”. Điều này đã khiến chính Brezhnev cũng đồng tình và ông mới chính là người biết nhìn xa trông rộng hơn tất cả.

Chỉ là đe dọa suông thôi

Mùa hè năm 1964, những người âm mưu quyết định sẽ đẩy nhanh tiến trình thực hiện kế hoạch đã định. Tại hội nghị tháng 7 của BCH TƯ KPSS, Khrushchyov đã đưa Brezhnev ra khỏi chức Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô và xếp thế chỗ đó là ông Anastas Mikoyan. Khi chuyển Brezhnev trở lại vị trí cũ là người phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng, Khrushchyov đã nêu lý do một cách rất qua quýt rằng đó là vì Brezhnev không đủ kinh nghiệm để tiếp tục đảm nhận chức vụ vừa bị mất.

Tháng 8-9 năm 1964 tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất ở Liên Xô, Khrushchyov tỏ ra không hài lòng với tình hình trong nước và nói bóng gió tới một chiến dịch xếp lại bàn cờ trên thượng tầng kiến trúc của bộ máy quyền lực. Việc này khiến những người âm mưu rũ bỏ những băn khoăn cuối cùng và nhất trí đi tới quyết định phải loại bỏ Khrushchyov trong thời gian sớm nhất.

Che giấu kín một âm mưu ở tầm cỡ như vậy là nhiệm vụ bất khả thi - cuối tháng 9-1964 thông qua người con trai Sergei, một bộ hồ sơ bao gồm các bằng chứng về việc đang tồn tại một nhóm âm mưu đảo chính đã được chuyển tới Bí thư thứ Nhất KPSS Nikita Khrushchyov.

Thật kỳ lạ là Khrushchyov đã không hề có một phản ứng gì rõ rệt để ngăn chặn diễn tiến bất lợi đó. Điều lớn nhất mà vị thủ lĩnh Xôviết này làm là đưa ra lời đe dọa nửa đùa nửa thật đối với các Ủy viên Đoàn Chủ tịch BCH TƯ KPSS: “Các ông bạn ạ, hình như các ông đang mưu toan làm gì đó chống lại tôi. Cẩn thận đấy, không tôi lại tung hê hết các vị như đàn cún con”… Để đáp lại, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch BCH TƯ KPSS đã thi nhau trấn an lãnh đạo rằng là, làm gì có chuyện đó, ai cũng “yêu quý đồng chí mà”… Và Khrushchyov cảm thấy an tâm và mãn nguyện (!)

Đầu tháng 10/1964, Khrushchyov rời Moskva xuống khu an dưỡng ở Pitsunda, Abkhazia, để vừa nghỉ ngơi vừa chuẩn bị tài liệu cho hội nghị tháng 11 của BCH TƯ KPSS về nông nghiệp.

Theo hồi ức của một trong những thành viên tham gia âm mưu đảo chính, Dmitri Polyansky, khi đó là Ủy viên Đoàn Chủ tịch BCH TƯ KPSS, ngày 11/10/1964, ông nhận được điện thoại từ Khrushchyov và nghe thông báo rằng, Khrushchyov đã biết về sự tồn tại của một âm mưu chống lại ông ấy. Cuối câu chuyện, Khrushchyov hứa là sẽ trở lại Moskva sau ba bốn hôm nữa và sẽ làm cho “ra ngô ra khoai” mọi sự… Ở thời điểm đó, Brezhnev đang đi công cán ở nước ngoài, còn Podgornyi thì đang ở Moldovia (Moldova). Tuy nhiên, sau cú điện thoại trên của Khrushchyov, cả hai đều vội vã trở về Moskva.

Thủ lĩnh bị cô lập

Thật khó đoán được là khi ấy, Khrushchyov đã áp dụng những biện pháp nào đó hay chỉ dọa chơi chơi vậy thôi. Có thể, mặc dù biết phong phanh về một âm mưu đảo chính nhưng ông đã không hình dung được hết mức độ nguy hiểm của âm mưu này.

Trong bất luận trường hợp nào thì những người âm mưu cũng đã quyết định bắt tay vào việc một cách khẩn trương nhất.

Ngày 12/10/1964, tại Điện Kremli đã tổ chức cuộc họp của Đoàn Chủ tịch BCH TƯ KPSS. Và thông qua quyết định: vì “xuất hiện những yếu tố không rõ ràng mang tính nguyên tắc nên phải tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 13/10 với sự tham gia của đồng chí Khrushchyov. Giao cho các đồng chí Brezhnev, Kosygin, Suslov và Podgornyi liên lạc với đồng chí Khrushchyov qua điện thoại”. Những người tham gia cuộc họp ngày 12/10/1964 cũng ra quyết định triệu tập lên Moskva các Ủy viên BCH TƯ và Ủy ban Kiểm tra TƯ KPSS để tham gia hội nghị mà thời gian tổ chức sẽ được xác định với sự có mặt của Khrushchyov.

Tới thời điểm đó, cả KGB lẫn các lực lượng vũ trang đã nằm trong phạm vi điều khiển của những người tham gia âm mưu. Khurshchyov đã bị cô lập với thế giới bên ngoài tại trại nghỉ dưỡng công ở Pitsunda, các cuộc trò chuyện của ông đều bị KGB giám sát, còn ở ngoài biển thì đã xuất hiện những con tàu của Hạm đội Hắc Hải được điều tới để “bảo vệ Bí thư thứ Nhất do tình hình ở Thổ Nhĩ kỳ đột nhiên trở nên phức tạp”.

Theo mệnh lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Rodion Malinovsky, đại bộ phận các quân khu đã được đưa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Một số lo ngại nhất định chỉ xuất hiện từ quân khu Kiev, nơi tư lệnh quân khu là Piotr Koshevoi, một quân nhân có quan hệ gần gũi nhất với Khrushchyov, thậm chí còn từng được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô. Cẩn tắc vô áy náy, những người âm mưu đã tước bỏ mọi khả năng có thể giúp Khrushchyov liên hệ được với Koshevoi cũng như lập phương án loại trừ khả năng máy bay chở Bí thư thứ Nhất chuyển hướng tới Kiev thay vì bay về Moskva.

Từ trái sang: Khrushchyov, Brezhnev và Mikoyan.

Từ trái sang: Khrushchyov, Brezhnev và Mikoyan.

“Lời phát biểu cuối cùng”

Tới Pitsunda nghỉ cùng với Khrushchyov còn có Mikoyan. Tối ngày 12/10/1964, Bí thư thứ Nhất được mời trở về Moskva tham dự hội nghị của Đoàn Chủ tịch BCH TƯ KPSS để bàn cách giải quyết những vấn đề cấp bách và cũng nhận được thông báo là mọi người đã có mặt ở Moskva, chỉ còn chờ mình ông tới thôi.

Khrushchyov là một chính trị gia quá lão luyện để không hiểu bản chất của những gì đang diễn ra. Thêm vào đó, Mikoyan đã nói gần như là thẳng thắn không úp mở gì về những việc đang chờ ông ở Moskva.

Vậy mà Khrushchyov vẫn không đưa ra một biện pháp phản kháng nào. Ông đã bay trở về Moskva với một số lượng tối thiểu những nhân viên bảo vệ.

Cho tới nay người ta vẫn tranh cãi về những nguyên nhân dẫn tới thái độ thụ động của Khurshchyov trong thời điểm nước sôi lửa bỏng đó. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, cũng như năm 1957, Khrushchyov hy vọng rằng sẽ lái được diễn tiến sự việc theo ý mình ở thời điểm cuối cùng bằng cách giành được đa số không phải trong Đoàn Chủ tịch mà tại hội nghị BCH TƯ KPSS. Một số nhà nghiên cứu khác lại đưa ra giả thuyết, có thể ở tuổi “xưa nay hiếm”, Khrushchyov chìm sâu trong những sai lầm chính trị của mình, đã coi việc mình sẽ bị mất chức là phương án tối ưu thoát hiểm để tránh phải chịu trách nhiệm vì những sự đã rồi.

Ngày 13/10/1964, vào lúc 15h30, tại Điện Kremli đã bắt đầu cuộc họp mới của Đoàn Chủ tịch BCH TƯ KPSS. Trở về Moskva, lần cuối cùng trong đời Khrushchyov ngồi vào ghế điều hành cuộc họp. Phát biểu đầu tiên là Brezhnev lý giải cho Khrushchyov biết về những vấn đề mới nảy sinh trong Đoàn Chủ tịch BCH TƯ. Để Khrushchyov rốt cuộc cũng phải hiểu rằng ông đang bị cô lập, Brezhnev nhấn mạnh là các vấn đề đều do các Bí thư Tỉnh ủy đưa ra.

Khrushchyov đã không chịu buông tay đầu hàng ngay. Một mặt ông công nhận về những sai lầm đã mắc phải nhưng mặt khác, ông vẫn bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục làm việc để sửa chữa sai lầm.

Tuy nhiên, sau bài phát biểu của Bí thư thứ Nhất đã bắt đầu hàng loạt những bài phát biểu khác của những người phê phán ông, kéo dài tới tối khuya và lại được tiếp tục vào buổi sáng hôm sau, 14/10/1964. Càng nhiều người phát biểu thì càng thấy rõ hơn những khuyết điểm và việc chỉ có một lối thoát duy nhất là từ chức. Chỉ một mình Mikoyan đồng ý để cho Khrushchyov thêm cơ hội sửa sai, nhưng bài phát biểu của ông này đã không nhận được sự hưởng ứng của các thành viên khác trong cuộc họp.

Khi mọi sự đã trở nên rõ ràng, Khrushchyov lại được phát biểu lần nữa, như một lời từ biệt. Ông nói: “Tôi sẽ không xin được lượng thứ, vấn đề đã được giải quyết rồi. Tôi đã nói với Mikoyan: tôi sẽ không tranh đấu nữa… Tôi vui vì rốt cuộc đảng ta cũng lớn lên và có thể kiểm soát bất cứ một cá nhân nào. Thì tất cả nhất trí rồi, tôi không phản bác nữa”…

Chỉ hai dòng trên báo

Chỉ còn lại một vấn đề, ai sẽ là người kế nhiệm. Brezhnev đưa ra đề nghị bầu Podgornyi làm Bí thư thứ Nhất BCH TƯ KPSS, tuy nhiên, ông này từ chối để nhường cho chính Brezhnev, như họ đã bàn trước với nhau.

Quyết định được đưa ra bởi một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo sẽ được thông qua trong hội nghị bất thường BCH TƯ KPSS, bắt đầu ngay trong ngày hôm đó, vào lúc 18h, tại cung Yekaterina trong Điện Kremli.

Mikhail Suslov phát biểu nhân danh Đoàn Chủ tịch BCH TƯ KPSS với sự phân tích về lý luận việc cho thôi chức Khrushchyov. Sau khi công bố những lời buộc tội về việc vi phạm quy chế lãnh đạo của Đảng, những sai lầm thô bạo trong chính trị và kinh tế, Suslov đã đề nghị đưa ra quyết định cách chức Khrushchyov.

Đoàn Chủ tịch BCH TƯ KPSS đã nhất trí thông qua nghị quyết “Về đồng chí Khrushchyov”, theo đó, ông đã bị buộc phải rời khỏi mọi chức vụ “vì tuổi cao và tình hình sức khỏe không đảm bảo”.

Khrushchyov đã giữ cả hai chức vụ Bí thư thứ Nhất BCH TƯ KPSS và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Hội nghị cho rằng việc kết hợp như thế là không hợp lý nên đã thông qua quyết định để Leonid Brezhnev giữ chức lãnh đạo Đảng, còn Aleksei Kosygin giữ chức lãnh đạo chính phủ.

Trên báo chí công khai ở Liên Xô thời điểm đó không xuất hiện bài báo nào xỉ vả Khrushchyov. Hai ngày sau mới có một bản thông báo chỉ vỏn vẹn có hai dòng đã được công bố trên các phương tiện truyền thông về hội nghị bất thường BCH TƯ Đoàn Chủ tịch KPSS với quyết định đưa Leonid Brezhnev lên thay Nikita Khrushchyov. Trong khoảng thời gian hai mươi năm sau đó, các phương tiện thông tin đại chúng chính thức ở Liên Xô gần như không nhắc gì tới ông nữa. Tuy nhiên, ông vẫn được sống yên ổn với các chế độ đãi ngộ cao cho tới khi qua đời vì bệnh tim ngày 11/9/1971.

“Voskhod” bay vào thời đại khác

“Cuộc đảo chính cung đình năm 1964”, như đánh giá của báo chí Nga hiện nay, là sự thay đổi quyền lực yên ả nhất trong lịch sử Liên bang Xôviết. Mở ra giai đoạn cầm quyền của nhà lãnh đạo Brezhnev mà về sau được coi là tốt nhất trong lịch sử quốc gia thế kỷ XX.

Giai đoạn cầm quyền của Nikita Khrushchyov đã diễn ra với những thắng lợi vang dội trong công cuộc chinh phục vũ trụ. Sự kiện ông mất chức cũng gắn liền với vũ trụ. Ngày 12/10/1964, con tàu vũ trụ Voskhod 1 đã khởi hành từ sân bay Baikonur với tổ bay lần đầu tiên trên thế giới có ba người: Vladimir Komarov, Konstantin Feoktistov và Boris Yegorov. Khi họ bay vào vũ trụ, đứng đầu đất nước là Khrushchyov. Khi họ trở về trái đất sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ đã báo cáo với nhà lãnh đạo tối cao là Brezhnev…

Nguyễn Trung Tín

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-lanh-dao-nikita-khrushchyov-da-bi-lat-do-nhu-the-nao-tintuc452193