Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đi ngược mọi dự đoán giữa hoàng hôn nhiệm kỳ

Bất chấp tiền lệ, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang hướng đến một tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên và gia nhập CPTPP.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang có những hoạt động ngoại giao tích cực dù chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa là hết nhiệm kỳ.

Sau khi đưa ra lời kêu gọi hướng tới việc chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc và có các động thái nhằm gắn kết Hàn Quốc chặt chẽ hơn với Trung Quốc, ông Moon cho biết vào ngày 13/12 rằng Seoul sẽ bắt đầu các thủ tục hướng đến tham gia Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp ước thương mại khổng lồ gồm 11 quốc gia.

Yếu tố bầu cử sắp tới

Những nỗ lực không giống tiền lệ của một tổng thống sắp mãn nhiệm như vậy đang thể hiện sự lo ngại của ông Moon rằng một nhà lãnh đạo bảo thủ mới có thể sẽ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc dự kiến vào ngày 9 tháng 3 tới.

Tuần trước, ông Moon đã phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Canberra, nói rằng chuyến thăm mới nhất của ông tới Australia là nhằm thiết lập quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực khoáng sản và công nghiệp quốc phòng.

Chuyến thăm Australia của ông Moon là một điều hiếm hoi đối với một nhà lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ. Ảnh: Reuters.

Chuyến thăm Australia của ông Moon là một điều hiếm hoi đối với một nhà lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ. Ảnh: Reuters.

Ông Moon cũng cho biết hai nước sẽ chia sẻ các công nghệ trung hòa carbon để hạn chế mức phát thải khí nhà kính và hợp tác trong việc sử dụng hydro và thăm dò không gian.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Hàn Quốc cho biết: "Không thể tưởng tượng được trong quá khứ một tổng thống ra nước ngoài" ngay trước khi từ chức.

Chuyến thăm tới Australia lần này có thể thực hiện được là vì tỷ lệ ủng hộ của ông Moon lúc đó là khá tích cực, đạt gần 40% và cao hơn so với đảng cầm quyền. Tình huống cực kỳ hiếm gặp này đối với một tổng thống Hàn Quốc sắp ra đi một phần là do sự không được lòng của các ứng cử viên tổng thống mới.

Tuy nhiên, ông Moon hẳn đang cảm thấy lo lắng khi tỷ lệ không tán thành đối với ông đang lên đến 50%, làm tăng thêm số lượng những người không ủng hộ ông.

Trong bối cảnh khan hiếm các cuộc tranh luận về chính sách trước cuộc bầu cử, câu hỏi liệu có nên thay đổi chính phủ cũng đang trở thành tâm điểm. Theo các cuộc thăm dò dư luận, những lời kêu gọi phe đối lập giành lấy quyền lực đang nhiều hơn những người ủng hộ việc duy trì một chính phủ tự do như dưới thời ông Moon.

Sự lây lan tiếp tục của virus corona cũng đang làm lung lay chính quyền của ông Moon. Việc chính phủ chuyển sang chính sách "sống chung với COVID-19" đã dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm với biến thể mới Omicron. Số người mắc mới gần đây đạt mức kỷ lục hơn 7.000 người mỗi ngày. Theo một cuộc khảo sát của Gallup Hàn Quốc được công bố vào ngày 10 tháng 12, tỷ lệ những người được hỏi lên tiếng ủng hộ các biện pháp chống virus corona của chính phủ là 44%, giảm 13 điểm phần trăm so với tháng 11.

Vì chính quyền của Moon đã được ghi nhận công lao vì đối phó hiệu quả với Covid-19, nên tình trạng số ca nhiễm tăng lên có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử tổng thống.

Chiến lược ngoại giao hữu hình

Có một điều có thể làm mọi người ngạc nhiên là chính sách đối ngoại của ông Moon là lý do lớn thứ hai để chính quyền của ông được ủng hộ, sau các biện pháp chống COVID-19. Chuyến thăm mới nhất tới Australia là một phần trong nỗ lực nhấn mạnh "đường lối ngoại giao hữu hình" của ông Moon.

Ông Moon cũng tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra một tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên vì người dân hoan nghênh nó.

Thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 năm 2018 nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân Hàn Quốc. Ảnh: Pyeongyang Press Corps/Pool via Reuters.

Nhân hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 năm 2018, nhiều người dân ở Seoul hoan nghênh Tuyên bố Panmunjom đều cho rằng một thỏa thuận tuyên bố chấm dứt chiến tranh là lý do họ ủng hộ sự kiện trên. Nếu chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh, ông Moon sẽ trở thành "tổng thống đã kết thúc một cuộc chiến kéo dài khoảng 70 năm."

Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã dấy lên hi vọng cho chính quyền ông Moon vào tháng 9, nói rằng một hội nghị thượng đỉnh liên Triều khác và tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ có thể xảy ra nếu Hàn Quốc thể hiện lập trường giải quyết được các khúc mắc nhỏ.

Trong quá khứ, tỷ lệ ủng hộ của các tổng thống Hàn Quốc đã tăng vọt sau các hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Một nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc cho biết, mặc dù việc đạt được một tuyên bố chấm dứt chiến tranh có thể khó khăn, nhưng việc Triều Tiên đưa ra một tuyên bố như vậy trước khi bắt đầu Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022 là điều được hoan nghênh.

Nguồn tin này cho biết, Mỹ, một bên ký kết Hiệp định đình chiến năm 1953, coi Triều Tiên là một quốc gia có thể đàm phán và họ có thể giữ một vị thế hợp lý trên quan điểm giảm chi phí an ninh.

Liên quan đến việc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Hàn Quốc đã có lập trường khác với Nhật Bản. Ông Moon phủ nhận ngay từ đầu khả năng Seoul theo chân các động thái tương tự. Các nhà phân tích cho biết, động thái này chủ yếu nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc đã nói với Hàn Quốc về sự ủng hộ của họ đối với kế hoạch tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Quyết định của Moon khi tuyên bố khởi động các thủ tục cần thiết để gia nhập CPTPP, thay vì chuyển sang chính quyền tiếp theo, có thể được nhìn nhận trong bối cảnh tương tự như tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Trước mong muốn mạnh mẽ của người dân Hàn Quốc rằng chính phủ của họ đóng những vai trò quan trọng trong cộng đồng quốc tế và các tổ chức quốc tế, ông Moon có thể muốn thiết lập đầu tàu cho việc Hàn Quốc tham gia CPTPP trước khi hết nhiệm kỳ.

Về việc Hàn Quốc khởi động các thủ tục gia nhập CPTPP, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuần trước nói với các phóng viên rằng Nhật Bản cần đánh giá chặt chẽ xem Hàn Quốc có "chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu ở mức cao" mà hiệp định thương mại đặt ra hay không.

Xét về vai trò dẫn đầu của Nhật Bản trong các cuộc đàm phán CPTPP, Hàn Quốc cho rằng Tokyo nắm giữ chìa khóa để có thể trở thành thành viên của hiệp định thương mại này. Mối quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc hiện tại, được coi là tồi tệ nhất kể từ khi bình thường hóa vào năm 1965, đang phủ bóng lên hợp tác kinh tế trên các lĩnh vực khác.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nha-lanh-dao-han-quoc-di-nguoc-moi-du-doan-giua-hoang-hon-nhiem-ky-2021122116190159.htm