Nhà lãnh đạo bản lĩnh của Đảng

Đồng chí Lê Thanh Nghị (1911-1986) tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Cuộc đời hoạt động cách mạng gần 60 năm phong phú, đồng chí đã chứng tỏ là nhà lãnh đạo bản lĩnh, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng giao phó, từ Bí thư chi bộ đến Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư.

Đồng chí Lê Thanh Nghị. Ảnh: Báo Nhân dân

1. Sinh ra tại một vùng quê giàu truyền thống và sớm được sự dìu dắt của lớp đàn anh, đồng chí Lê Thanh Nghị đã giác ngộ cách mạng, gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 2-1930. Là đảng viên lớp đầu tiên và bắt đầu hoạt động cách mạng trong phong trào công nhân, tháng 5-1930, đồng chí bị địch bắt, giam tại nhà tù Hải Phòng cùng với các đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Lương Khánh Thiện và bị kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo. Nhiều lần bị giặc tra tấn nhưng không khuất phục, trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân, kiên cường vượt lên sự hà khắc của nhà tù, đồng chí và các chiến sĩ cộng sản đã biến nơi đây thành trường học cách mạng, rèn luyện ý chí, đạo đức.

Năm 1936, Mặt trận Dân chủ Pháp lên cầm quyền, quyết định ân xá tù chính trị ở Đông Dương, đồng chí được trở về quê nhưng vẫn bị quản thúc. Không lâu sau, đồng chí Lê Thanh Nghị bắt được liên lạc với tổ chức Đảng, hoạt động bí mật ở Hải Dương và Hải Phòng, xây dựng nhiều cơ sở Đảng. Cuối năm 1937, đồng chí được cử về hoạt động ở Hải Dương. Giữa năm 1939, đồng chí tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ, tham gia Ban Cán sự liên tỉnh B (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh), được giao trực tiếp phụ trách tổ chức Đảng ở Hải Dương và vùng mỏ. Đầu năm 1940, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai, kết án 5 năm tù, đày lên Sơn La. Đầu năm 1945, ra tù, đồng chí được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ…

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Thanh Nghị được cử phụ trách vùng duyên hải Bắc Bộ, trong đó có thành phố Hải Phòng. Trong những năm cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí đảm nhiệm nhiều vị trí công tác lãnh đạo của Đảng, chính quyền ở địa phương và Trung ương như: Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính khu III (Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An); Phó Bí thư Liên khu ủy III; Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu III, Chính ủy quân khu III; Bí thư Thành ủy Hà Nội...

Trong nhiều năm là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhà nước, đồng chí được giao kiêm nhiệm nhiều công việc: Phụ trách ngành Công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; phụ trách công tác thi đua - khen thưởng của Trung ương; giúp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh xây dựng một số luật và pháp lệnh về quản lý kinh tế, xã hội; phụ trách việc vận động các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, vũ khí cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Thanh Nghị tại huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quốc Vinh

2. Một trong những cống hiến của đồng chí Lê Thanh Nghị là góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trong các lần đi đàm phán viện trợ, bằng tinh thần đoàn kết, có trước, có sau, nhất là với tính cách hiền hòa, đôn hậu, đồng chí luôn nhận được tình cảm của bạn bè quốc tế… Ở đâu và trong bất kỳ nhiệm vụ gì, đồng chí Lê Thanh Nghị cũng luôn kiên cường, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Trước những tình huống khó khăn, phức tạp của thực tiễn, đồng chí Lê Thanh Nghị luôn hướng về cơ sở, theo sát thực tế để nghiên cứu, hình thành tư tưởng chỉ đạo và mạnh dạn quyết đoán những chủ trương lớn, biện pháp phù hợp chuyển khó khăn thành thắng lợi. Đặc biệt, đồng chí có đóng góp quan trọng trong quá trình khôi phục, phát triển kinh tế, bảo đảm sản xuất, chiến đấu của cả nước, giữ vững huyết mạch kinh tế của đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam trong những năm chống Mỹ, góp phần quan trọng trong việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng chí Lê Thanh Nghị luôn ủng hộ tư tưởng đổi mới trong kinh tế như khoán sản phẩm, đổi mới cơ chế quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Với tư cách là Thường trực Ban Bí thư, đồng chí đã ký Chỉ thị số 100-CT/TƯ ngày 13-1-1981 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”. Đồng chí cũng luôn ủng hộ những nghiên cứu khoa học và đóng góp cho sự phát triển của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu như Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Châm cứu trung ương…

Từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác, từ khi còn hoạt động bí mật cho đến khi trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, ở đâu và lúc nào đồng chí Lê Thanh Nghị cũng là một tấm gương về bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng và phong cách lãnh đạo, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi người - từ cấp trên, đồng chí đến đồng bào - đều nhận thấy đồng chí Lê Thanh Nghị là người có lối sống bình dị, tính cách trầm tĩnh và chân thành - chịu khó tìm tòi, học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ, học vấn để trở thành một cán bộ chiến lược vững vàng. Đồng thời, đồng chí luôn tìm hiểu, lắng nghe để đưa ra những ý kiến, suy nghĩ của riêng mình cụ thể và thiết thực, được quần chúng, bạn bè yêu mến, tin tưởng. Với những đóng góp to lớn cho đất nước, đồng chí Lê Thanh Nghị được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Suốt cuộc đời mình, không chỉ trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; hiên ngang, anh dũng trước kẻ thù, đồng chí Lê Thanh Nghị còn là tấm gương tiêu biểu của người cộng sản luôn thực hành cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị, yêu thương bạn bè, bao dung, độ lượng với cán bộ cấp dưới và gần gũi đồng bào, đồng chí. Thời gian đã lùi xa, song không hề làm nhạt đi mà còn tô đậm thêm hình ảnh một người cán bộ lãnh đạo trọn đời gắn bó với cách mạng, tận tâm, tận sức phụng sự Đảng và nhân dân.

Tiến sĩ Đinh Quang Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/992808/nha-lanh-dao-ban-linh-cua-dang