Nhà lãnh đạo 'bản lề' của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Báo chí thế giới đã đồng loạt đưa tin nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười từ trần, đồng thời nhấn mạnh tới những đóng góp quan trọng của ông đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước.

Chưa bao giờ phai nhạt niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản

Tờ Financial Times cho biết nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua đời ở tuổi 101, sau khi dành cả sự nghiệp chính trị đấu tranh vì độc lập cũng như sự phát triển của Việt Nam. Theo Financial Times, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là một trong những thế hệ nhà lãnh đạo Việt Nam cuối cùng từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 30 của thế kỷ trước. Financial Times cho rằng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tạo được dấu ấn khi chèo lái đưa đất nước bước ra “sân khấu quốc tế” sau một thời gian dài bị cô lập. “Ông chính là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đến thăm các quốc gia không phải là các nước XHCN. Năm 1995, ông đã tới thăm Australia và New Zealand ở tuổi 78… Ông chưa bao giờ phai nhạt niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản”, tờ Financial Times viết.

 BBC đăng tải lại hình ảnh cố Tổng Bí thư Đỗ Mười dự Lễ diễu binh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-2005.

BBC đăng tải lại hình ảnh cố Tổng Bí thư Đỗ Mười dự Lễ diễu binh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-2005.

Điểm lại sự nghiệp chính trị của ông, BBC cho rằng đồng chí Đỗ Mười đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư trong bối cảnh Việt Nam có nhiều chuyển đổi sâu sắc, sau khi Đảng từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và tiến hành quá trình đổi mới, mở cửa. Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nỗ lực ủng hộ các hoạt động cải cách kinh tế, tiếp nối di sản của người tiền nhiệm. “Ông ấy đã tiếp nối được di sản tự do hóa kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh”, chuyên gia Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ khẳng định với BBC.

Một chiến sĩ cộng sản kiên trung

Chuyên gia Anton Tsvetov tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Nga cho rằng cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là một trong những “kiến trúc sư" của công cuộc đổi mới tại Việt Nam. Theo chuyên gia Anton Tsvetov, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đồng chí Đỗ Mười trở thành Tổng Bí thư, là thời điểm Việt Nam có những chuyển biến nhanh chóng với việc mở cửa đất nước, thiết lập quan hệ quốc tế rộng rãi, trong đó phải kể đến việc khôi phục quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN. “Tôi sống ở Việt Nam những năm tháng đó. Tôi còn nhớ nhịp độ thay đổi và phát triển của đất nước thật đáng kinh ngạc”, chuyên gia Anton Tsvetov chia sẻ với BBC.

Tạp chí Time đăng tải lại hình ảnh cố Tổng Bí thư Đỗ Mười dự lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong khi đó, theo chuyên gia Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á -Thái Bình Dương của Mỹ, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo “bản lề” của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã để lại dấu ấn to lớn đối với quá trình đổi mới cũng như con đường phát triển của Việt Nam trong những thập niên vừa qua. “Một quyết định đầy tính uyển chuyển và thực tế của ông là cho đình chỉ in tiền, nâng lãi suất ngân hàng, phá giá đồng tiền Việt Nam, cho kinh doanh vàng bạc tự do. Điều đó đã giúp Việt Nam chống lại thành công lạm phát phi mã trong cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội cuối những năm 1980. Có thể nói ông Đỗ Mười cùng với ông Nguyễn Văn Linh là hai người để lại dấu ấn lớn nhất và là hai người “đặt đường ray” cho thời kỳ đổi mới của Việt Nam”, chuyên gia Alexander Vuving trả lời phỏng vấn BBC.

BBC cũng dẫn lại chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cho biết, đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư vào thời điểm Việt Nam “có những dấu mốc lịch sử có ý nghĩa chiến lược sống còn và những đột phá chưa từng có về đối ngoại”, đó là gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, bắt đầu đàm phán Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ (BTA)… “Lần cuối được gặp ông là ba năm trước, tôi tới thăm ông tại nhà riêng ở phố Phạm Đình Hồ, gần Tăng Bạt Hổ. Ông lúc đó đã cao tuổi nhưng còn hết sức minh mẫn, đọc nhiều, theo dõi tin tức cập nhật. Ông kéo tôi ngồi cạnh rồi hỏi những câu rất khó làm tôi trả lời quanh quẩn mãi mới làm ông tạm hài lòng”, Đại sứ Vũ Quang Minh chia sẻ.

Tờ Daily Mail đăng tải lại hình ảnh đồng chí Đỗ Mười trả lời báo chí nhân Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trích dẫn tiểu sử và thời gian hoạt động chính trị của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tân Hoa xã nhấn mạnh đồng chí Đỗ Mười là người đã lãnh đạo Việt Nam tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông đã được trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Tân Hoa xã cũng cho biết cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có chuyến thăm Trung Quốc 3 lần vào năm 1991, 1995 và 1997.

Washington Post, Business Insider, Daily Mail, AP, Time... cũng đồng loạt đưa tin nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười qua đời ở tuổi 101 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh nặng mặc dù được các bác sĩ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa. Theo AP, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp và là một người cộng sản kiên trung. “Đồng chí Đỗ Mười đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”, AP dẫn lại thông tin từ báo chí Việt Nam.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nha-lanh-dao-ban-le-cua-viet-nam-trong-thoi-ky-doi-moi-551137