Nhà kinh doanh tháo chạy khỏi thị trường cao kỷ lục

Các chuyên gia nhận định đây là lần đầu tiên lượng doanh nghiệp 'tháo chạy' khỏi thị trường cao kỷ lục so với số mới tham gia. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Ngày 10-6, lãnh đạo TP.HCM có buổi gặp gỡ để nghe kiến nghị của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và bản giải pháp tháo gỡ

Mỗi tháng có 1.800 danh nghiệp rời thị thường

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, qua thời gian dài chịu đựng, doanh nghiệp (DN) đang có sự thích ứng nhanh với môi trường “bình thường mới”. Nhiều DN đã ứng dụng công nghệ số, giao dịch xuất nhập khẩu, bán hàng online nên vẫn có cơ hội tăng trưởng.

Tuy nhiên, số liệu từ Cục Thống kê cho thấy trong quý I và nửa đầu quý II, DN thành lập mới đạt 16.751 DN, số lượng DN rút lui khỏi thị trường là 11.582 DN, tăng 18,99% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có 1.800 DN rời thị thường.

Các chuyên gia nhận định đây là lần đầu tiên lượng DN “tháo chạy” khỏi thị trường cao kỷ lục so với số mới tham gia. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Đồng thời, khảo sát nhanh trên 100 DN bằng hình thức online cho thấy trên 84% các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái dịch COVID-19 lần thứ 4 này.

Trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.

Theo ông Dũng, dù một số DN ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu nhưng DN đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm.

Nhiều DN muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang kẹt vốn.

Các gói hỗ trợ DN, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng mức độ hấp thụ của DN rất thấp. Nhu cầu vay trả lương giữ chân người lao động hầu như không thực hiện được…

Cùng chia sẻ trên, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu đầu vào ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh.

Chẳng hạn nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15%-70%, nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản, đường… do bị mất mùa và giảm sản lượng cũng tăng từ 5 đến 20%... khiến DN đã khó vì COVID-19 nay càng khó hơn.

Hiện nay sức mua thị trường yếu, giá đầu vào tăng cao và để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng DN kìm giá bán ra. Điều này khiến các DN đứng trên đống lửa vì lợi nhuận ngày càng sụt giảm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu dự trữ sắp hết, giá nguyên liệu dự báo chưa có chiều hướng giảm. Thời gian tới DN khó thể duy trì giữ giá và nếu không tăng giá bán DN sẽ đứng trước nguy cơ thua lỗ.

“Với đặc thù là ngành cung cấp hàng hóa thiết yếu nên trong mọi hoàn cảnh DN vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh nhưng không có nghĩa chúng tôi đang sống tốt, sống khỏe và miễn nhiễm với các tác động chung của nền kinh tế”, ông Hiến nói.

Nguyên liệu đầu vào tăng cao doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang kìm giá để chia sẻ với người tiêu dùng.

Nguyên liệu đầu vào tăng cao doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang kìm giá để chia sẻ với người tiêu dùng.

Cần ngân hàng hỗ trợ

Theo ông Hiến, qua nhiều đợt dịch kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay nhưng hầu hết các DN ngành lương thực thực phẩm (LTTP) được thụ hưởng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là gói hỗ trợ miễn, giảm lãi vay, cho vay mới phải nói là đếm trên đầu ngón tay.

Hầu hết các DN trong ngành là vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu. Để đảm bảo sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường, DN đã phải cầm cự kinh doanh không có lợi nhuận trong thời gian qua, chưa kể DN bắt buộc phải thu mua, nhập thêm nguồn nguyên phụ liệu mới dự trữ với chi phí mọi mặt tại thời điểm này đều tăng cao.

“Lúc này các DN đang thật sự rất cần và cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để tiếp tục ổn định sản xuất”, ông Hiến nhấn mạnh.

FFA, kiến nghị thành phố chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM cần bổ sung các DN ngành nghề đặc thù như LTTP vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về miễn giảm lãi suất cho vay. Đẩy nhanh quá trình, thời gian giải ngân các khoản vay... để DN bổ sung nguồn vốn nhằm dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp phần bình ổn thị trường.

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng kiến nghị ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi thấp hơn; đồng hành với DN hỗ trợ vốn mua nguyên vật liệu dự trữ cho sản xuất và xuất khẩu.

“Khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, cơ sở điều trị. Đặc biệt, ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho các DN bị ảnh hưởng nặng bởi dịch phải ngừng sản xuất, kinh doanh như du lịch, dịch vụ”, ông Dũng cho hay.

Hiện nay những thị quan trọng như Mỹ, Châu Âu… đang dần đạt miễn dịch xã hội, kinh tế đang mở cửa. Đây là những thị trường có nhiều cơ hội cho DN Việt nhưng DN Việt vẫn chưa tiếp cận được vaccine tiêm phòng cho công nhân, người lao động.

Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới cơ hội gia nhập thị trường, sức cạnh tranh của DN do bị chậm chân ở các thị trường nước ngoài, quan hệ làm ăn với các đối tác.

Vì vậy Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về chương trình tiêm vaccine cho người lao động trong thời gian sớm nhất.

Đưa đối tượng doanh nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận vaccine vì sự phát triển kinh tế sau ưu tiên cho tuyến đầu phòng chống dịch, vùng dịch.

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/nha-kinh-doanh-thao-chay-khoi-thi-truong-cao-ky-luc-991717.html