Nhà khoa học Trung Quốc tạo ra cặp song sinh chỉnh sửa gen 'mất tích' bí ẩn

Sau khi đưa ra tuyên bố chấn động về việc tạo ra cặp song sinh chỉnh sửa gen đầu tiên trên người, ông Hạ Kiến Khuê dường như biến mất bí ẩn.

Giáo sư Hạ Kiến Khôi tại một hội thảo quốc tế về chỉnh sửa gen, tổ chức ở Đại học Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Ông Hạ Kiến Khuê, nhà khoa học đến từ ĐH Khoa học và Công nghệ Phương Nam ở Thâm Quyến, Trung Quốc (TQ), từng gây chấn động thế giới sau khi tuyên bố ông đã chỉnh sửa gen thành công cho hai bé gái sinh đôi để giúp các em có khả năng miễn nhiễm với virus HIV trong suốt cuộc đời của chúng.

Theo RT, kể từ sau khi xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ hai về chỉnh sửa gen người ở Hong Kong hôm 28/11 và ra tuyên bố chấn động trên, ông Hạ Kiến Khuê dường như biến mất bí ẩn.

Giới chức Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận, phản hồi nào trước sự biến mất bất thường của nhà khoa học tới từ Thâm Quyến bất chấp nghi vấn ông đang bị chính quyền giam giữ. Cũng chưa có đơn vị nào cho biết ông Hạ chính xác đang ở đâu.

Một số nguồn tin khẳng định ông Hạ bị trường đại học Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam tại Thâm Quyến buộc trở về và hiện bị quản thúc tại gia.

Phản hồi trước các thông tin trên, một phát ngôn viên của trường ĐH nói trên cho biết tin đồn ông Hạ bị quản thúc là không đúng: “Hiện giờ không có thông tin nào là chính xác ngoại trừ thông tin từ các nguồn chính thống”.

Đại học này cũng khẳng định ông Hạ đã rời trường từ tháng 2 và tự thực hiện các thí nghiệm chỉnh sửa gen tại một địa điểm họ không nắm rõ và không hề thông báo về nghiên cứu của mình.

Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết đã đình chỉ mọi nghiên cứu của ông Hạ và sẽ mở cuộc điều tra nhà khoa học này, đồng thời chỉ trích nhà nghiên cứu không hề thông báo với chính quyền về dự án "bất hợp pháp và không thể chấp nhận".

Nhà khoa học Hạ Kiến Khôi trong phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Trước đó, Giáo sư Trung Quốc 34 tuổi Hạ Kiến Khôi (He Jiankui) hôm 26/11 tuyên bố rằng hai bé gái song sinh khỏe mạnh đã được sinh vào tháng 11/2018 từ các phôi thai được ê-kíp của ông chỉnh sửa để vô hiệu hóa một gen liên quan đến HIV. Theo ông Hạ, một nam giới dương tính HIV đã trở thành cha đẻ của 2 bé gái sinh đôi kháng được virus HIV này.

Giáo sư Hạ đã sử dụng công cụ CRISPR-Cas9 để “biên tập” gen người, sau đó đưa gen này vào cơ thể 7 phụ nữ để thụ tinh, bắt đầu từ tháng 3/2017. Một trong 7 phụ nữ này được cho là đã sinh hạ cặp song sinh nói trên.

Tuy nhiên, tuyên bố trên của ông Hạ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ trong giới khoa học. Họ cho rằng những thí nghiệm như vậy có thể vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức và quy tắc học thuật, hơn nữa việc này tiến hành không minh bạch. Các nhà khoa học nhận xét, việc chỉnh sửa gen thậm chí có thể làm giảm sức đề kháng của trẻ đối với một số căn bệnh dù là thông thường.

Ông Renzong, cựu Phó chủ tịch Ủy ban đạo đức của Bộ Y tế Trung Quốc cho rằng các quy định lỏng lẻo của Bắc Kinh đã tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước phá vỡ các quy tắc mà không lo bị trừng phạt.

Vào hôm 27/11, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho hay họ sẽ điều tra liệu vị giáo sư này có vi phạm luật hay không. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Xu Nanping cho biết, ông đã bị sốc về các tuyên bố của giáo sư Hạ. Ông Xu cho biết thêm, các thí nghiệm này đã bị cấm từ năm 2003.

Hơn 100 nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã ký vào một tuyên bố gọi đây là thí nghiệm “điên rồ”.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/nha-khoa-hoc-trung-quoc-tao-ra-cap-song-sinh-chinh-sua-gen-mat-tich-bi-an-a253996.html