Nhà khoa học Mỹ 'đón đầu' đại dịch cúm bằng vắc-xin

Vào thời điểm virus 'cúm châu Á' lan đến Mỹ, quốc gia này đã sẵn sàng một loại vắc-xin mới.

Maurice Hilleman, người đã giúp điều chế ra trên 40 loại vắc-xin. Ảnh: Getty Images

Maurice Hilleman, người đã giúp điều chế ra trên 40 loại vắc-xin. Ảnh: Getty Images

Vào ngày 17/4/1957, nhà vi sinh học Maurice Hilleman nhận ra một đại dịch đang trên đường đến Mỹ. Ngày hôm đó, Thời báo New York đưa tin về một trận dịch cúm lớn ở Hong Kong. Một chi tiết đặc biệt đã thu hút sự chú ý của bác sĩ: trong hàng dài chờ đợi ở phòng khám, tờ báo cho biết “những người phụ nữ cõng theo những đứa trẻ mắt đờ đẫn dính chặt trên lưng mẹ”. Hilleman nhanh chóng đến chỗ làm, thông báo rằng một đại dịch đang đến và họ cần phát triển vắc-xin ngăn ngừa trước khi năm học mới bắt đầu vào mùa Thu.

Trường hợp mắc bệnh đầu tiên của đại dịch cúm 1957 đã xuất hiện ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc vào tháng 2/1957. Thời điểm Hilleman đọc được thông tin về dịch vào tháng 4, tờ Times cho biết ước tính 250.000 cư dân Hong Kong, tương đương 10% dân số, đang được điều trị.

Một ngày sau khi đọc tin tức về dịch cúm, ông Hilleman đã gửi điện tín đến Phòng thí nghiệm y tế quân đội Mỹ ở Zama, Nhật Bản, yêu cầu nhân viên điều tra những gì đang diễn ra ở Hong Kong. Sau đó, họ xác định một thành viên Hải quân Mỹ đã nhiễm bệnh ở Hong Kong, và gửi mẫu nước bọt của người này về Mỹ để Hilleman có thể nghiên cứu virus gây dịch.

Tiến sĩ Maurice Hilleman (giữa) nói chuyện với nhóm nghiên cứu của ông tại Viện Nghiên cứu quân đội Walter Reed ở Silver Springs, bang Maryland, năm 1957.

Là trưởng khoa về các bệnh đường hô hấp tại Viện Nghiên cứu quân đội Walter Reed ở Thủ đô Washington, ông Hilleman có thể tiếp cận với một số lượng lớn huyết thanh thu được từ những người ở nhiều độ tuổi khác nhau trong nhiều năm và nhiều thập kỷ trước.

Trong nghiên cứu của mình tại Walter Reed, Hilleman đã đưa ra một nhận xét quan trọng rằng, hai loại protein chủ yếu trong virus cúm là hemagglutinin và neuraminidase đã trải qua những biến đổi, được gọi là “trôi dạt”, giữa các mùa. (Chính sự hiểu biết này giúp ông dự đoán nhu cầu tiêm phòng cúm hàng năm.)

Bằng cách so sánh virus từ mẫu nước bọt thành viên Hải quân Mỹ ở Nhật Bản với các virus trước đây, ông nhận thấy sự thay đổi đáng kể của chúng. Cả hai loại protein này hoàn toàn khác biệt so với trước. Chúng đã bị ‘trôi dạt’, đã biến đổi. Loại virus mới này là một chủng cúm hoàn toàn khác.

Các nhà khoa học nghiên cứu về virus cúm tại phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed năm 1957. Ảnh: Getty Images

Hilleman không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về khả năng miễn dịch cộng đồng đối với chủng cúm mới, vì vậy ông đã gửi virus đến các tổ chức y tế khác để xác nhận phát hiện của mình. Các tổ chức này phát hiện ra rằng những người duy nhất ở Mỹ có kháng thể chống virus là một nhóm nhỏ ở độ tuổi 70 và 80 đã sống sót sau đại dịch “cúm Nga” vào năm 1889 và 1890.

Với thông tin này, Hilleman đưa ra các thông cáo báo chí, cảnh báo đại dịch cúm mới sẽ đến Mỹ vào tháng 9/1957. Mặc dù gặp phải một số sự phản đối, ông đã thuyết phục thành công các công ty bắt đầu sản xuất vắc-xin phòng cúm mới để sẵn sàng sử dụng. Trứng gà đã thụ tinh sẽ cần thiết cho sản xuất vắc-xin, vì vậy Hilleman đề nghị các công ty nhắc nhở nông dân không được giết gà trống vào cuối mùa ấp trứng.

Chế tạo vắc-xin cho một chủng cúm mới rất khác với chế vắc-xin cho một thứ hoàn toàn mới như bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các nhà khoa học đã lần đầu tiên phát triển thành công vắc-xin cúm vào những năm 1940, vì vậy họ không phải bắt đầu từ con số 0 khi bắt tay vào sản xuất loại vắc-xin cho dịch cúm năm 1957. Dù vậy, ông Hilleman đã phải phớt lờ các cơ quan quản lý trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất vắc-xin mới vì lo ngại nhiều thủ tục sẽ làm chậm cuộc đua với thời gian trước khi đại dịch ập tới.

Bác sĩ tiêm cho một y tá mũi vắc-xin "cúm châu Á" đầu tiên tại New York vào ngày 16/8/1957. Ảnh: AP

Khi chủng cúm mới tấn công Mỹ vào tháng 9, đúng như Hilleman dự đoán, quốc gia này đã sẵn sàng với một loại vắc-xin. Virus cúm mới, được đặt tên là “cúm châu Á”, đã giết chết ước tính khoảng 70.000 người Mỹ và từ 1-4 triệu người trên toàn thế giới, nhưng các chuyên gia cho rằng nó sẽ gây tử vong nhiều hơn nữa nếu không có vắc-xin do Hilleman thúc đẩy chế tạo. Trước đó, trong khoảng thời gian ông chào đời (năm 1919), dịch “cúm Tây Ban Nha” từ 1918 đến 1919 đã giết chết khoảng 675.000 người Mỹ và 50 triệu người trên toàn thế giới.

Bệnh nhân dịch "cúm châu Á" tại Mỹ năm 1957. Ảnh: Getty Images

Bà Alexandra Lord, Chủ tịch bộ phận y học và khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Smithsonian ở Washington, D.C, nhận xét: “Rất khó để nói rằng ‘nhiều sinh mạng đã được cứu’, bởi vì chúng ta đâu biết điều gì đã xảy ra nếu không có vắc-xin”. “Vì vậy, trong khi rất khó để nói chính xác bao nhiêu sinh mạng đã được cứu, tôi nghĩ rằng Hilleman đã bẻ hướng thật kịch tính một đại dịch”, bà Lord khẳng định.

Trước khi qua đời vào năm 2005, nhà vi sinh học Maurice Hilleman đã giúp phát triển hơn 40 loại vắc-xin, trong đó có nhiều loại cho các bệnh ở trẻ em. Trong công việc này, các chuyên gia tin tưởng ông cứu sống hàng triệu người. Năm 1988, ông được trao Huân chương Khoa học Quốc gia Mỹ vì những đóng góp cho sức khỏe cộng đồng. Ông được ghi nhận là đã cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ nhà khoa học y tế nào khác trong thế kỷ 20. Tiến sĩ Robert Gallo, Giám đốc và nhà đồng sáng lập Viện Virus học ở người (IHV) đã mô tả ông là "nhà vắc-xin học thành công nhất trong lịch sử".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo History)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so/nha-khoa-hoc-my-don-dau-dai-dich-cum-bang-vacxin-20200402003512937.htm