Nhà khoa học luôn đau đáu với công tác khắc phục hậu quả chiến tranh

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) là tác giả và đồng tác giả 16 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích, công bố 150 công trình khoa học công nghệ, cá nhận nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015… Những đam mê, cống hiến trong nghiên cứu khoa học của bà luôn là điều khiến nhiều thế hệ nghiên cứu, đồng nghiệp và sinh viên kính trọng, nể phục.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà hiện là nghiên cứu viên cao cấp Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam. Bà đạt học vị Tiến sĩ (TS) năm 1991 và được phong học hàm Phó giáo sư (PGS) năm 2005. Một trong những nghiên cứu của bà được nhiều người biết đến, đó là “Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học”- nghiên cứu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế.

Trước khi công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà đã trải qua quá trình đào tạo dài tại nước ngoài. 17 tuổi, với thành tích học tập tốt, bà được Nhà nước cử sang Liên Xô (cũ) học tại trường ĐH Tổng hợp Azecbaijan ở Baku. Ra đi trong điều kiện nước nhà đang chiến tranh ác liệt trên mọi mặt trận, bà và các bạn đồng khóa luôn sớm ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước. Bà lựa chọn theo đuổi chuyên ngành nghiên cứu là vi sinh vật dầu mỏ, một lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam lúc bấy giờ. Năm1975, sau khi lấy bằng Tiến sĩ sinh học tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary, bà làm việc với tư cách là cộng tác viên khoa học, nghiên cứu và giảng dạy di truyền phân tử tại hai nước Hungary và Áo. Năm 1995, sau khi đã tu nghiệp 10 năm ở nước ngoài, bà trở về nước làm việc và nghiên cứu.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà. Ảnh: L.V

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà. Ảnh: L.V

PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà là chủ nhiệm 22 đề tài, dự án ở nhiều cấp quản lý khác nhau (cấp Nhà nước, cấp Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, hợp tác quốc tế …). Các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà là công nghệ sinh học và tập trung nhiều nhất vào công nghệ sinh học môi trường từ khi trở về nước. Từ nghiên cứu cơ bản sử dụng các công cụ mới, cập nhật đến nghiên cứu và áp dụng hiện trường công nghệ xử lý các nguồn ô nhiễm khác nhau thuộc nhóm hữu cơ khó phân hủy như dioxin, DDT, HCH, TNT, PAH và dầu mỏ cùng các sản phẩm của dầu mỏ đã được thực hiện. Các công nghệ hiện nay đã được áp dụng quy mô hiện trường là công nghệ phân hủy sinh học xử lý ô nhiễm dầu và chất diệt cỏ/dioxin. Các kết quả nghiên cứu của PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà đã được công bố trên 120 bài báo tiếng Việt và 28 bài báo tiếng Anh trên các tạp chí và kỷ yếu khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà còn tham gia đóng góp ý kiến và soạn thảo những văn bản mang tính chất chiến lược đối với sự phát triển của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và ngành công nghệ sinh học nước nhà như: Chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ và đổi mới đến năm 2020, Chương trình Công nghệ sinh học cấp Nhà nước thuộc Bộ Tài nguyên môi trường quản lý, Xây dựng nhiệm vụ cho việc ứng dụng và phát triển kinh tế nền tảng sinh học trên cơ sở chìa khóa khoa học đầu tiên là phát hiện và khai thác nguyên liệu di truyền từ vi sinh vật không thông qua nuôi cấy bằng công cụ Metagenomics cho Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam...Khi mới trở về Việt Nam, PSG TS Đặng Thị Cẩm Hà đã cùng một số đồng nghiệp đã xây dựng các dự án nhằm thu hút sự tài trợ của các tổ chức nước ngoài và hợp tác song phương của Việt Nam. Dự án trang bị cho Viện Khoa học Việt Nam phòng thí nghiệm về môi trường từ quỹ không hoàn lại JICA Nhật Bản là một trong các đóng góp lớn lao của bà đối với sự phát triển tiềm năng trong nghiên cứu môi trường của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.

Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã vinh dự nhận được nhiều Giải thưởng, Huân, Huy chương và các danh hiệu cao quý như: Giải Nhất Giải thưởng VIFOTEC 2001; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường (2001); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2005); Huy chương Vàng và Bạc “Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc (2012); Cúp vàng Techmark Việt Nam- Hội chợ công nghệ (2015)…

Nói về những phần thưởng trên, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà xúc động cho biết: “Sau gần 50 năm làm việc trong lĩnh vực khoa học nghiên cứu cơ bản về vi sinh vật nói riêng, sinh học nói chung và ứng dụng những kiến thức cơ bản để tạo công nghệ có tính khả thi...; tôi thực sự biết ơn đồng nghiệp, học trò, trong đó có cả các nhà khoa học nước ngoài đã đồng hành cùng với tôi ở các hình thức khác nhau. Tôi vô cùng biết ơn sự ủng hộ của các thế hệ lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện công nghệ sinh học nơi tôi đã gắn bó hơn nửa đời người bởi nếu không có họ, chắc tôi đã không thể có cơ hội để đạt được những thành công….”.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nha-khoa-hoc-luon-dau-dau-voi-cong-tac-khac-phuc-hau-qua-chien-tranh-175438.html