Nhà khoa học khuyên ông Hồ Quang Cua không sản xuất đại trà lúa ST25

Theo các nhà khoa học, rào cản gây khó khăn trong hiện đại hóa các khâu sản xuất lúa là diện tích đất của bà con còn manh mún nhỏ lẻ.

Từ ngày 13 - 19/12 này vừa qua, Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 4 tại tỉnh Vĩnh Long.

Festival có rất nhiều hoạt động như Hội thảo, Hội thi, Hội diễn nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam để cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tại mỗi cuộc Hội thảo đều có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và bà con nông dân trao đổi thảo luận và đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh yếu kém của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa gần 2 triệu ha, với diện tích gieo trồng hàng năm đạt hơn 4 triệu ha.

ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa gần 2 triệu ha, với diện tích gieo trồng hàng năm đạt hơn 4 triệu ha.

ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa gần 2 triệu ha, với diện tích gieo trồng hàng năm đạt hơn 4 triệu ha, sản lượng lúa ước đạt 25 triệu tấn, trong đó 50% phục vụ cho xuất khẩu. Tại các Hội thảo các đại biểu cho rằng, với tiềm năng này nếu cả khu vực hiện đại hóa được các khâu sản xuất lúa, thì Việt Nam sẽ trở thành cường quốc sản xuất lúa, mang lại nguồn thu nhập lớn cho quốc gia.

Một trong những rào cản gây khó khăn trong hiện đại hóa các khâu sản xuất lúa được các nhà khoa học đưa ra đó là diện tích đất sản xuất lúa của bà con còn manh mún nhỏ lẻ. Những hộ có diện tích đất canh tác dưới 0,5 ha rất khó hiện đại hóa các khâu sản xuất. Thực tế bà con nông dân trong khu vực sở hữu đất dưới 0,5 ha là phổ biến. Nhiều hộ gia đình chỉ sở hữu khoảng 0,2 hoặc 0,1 ha do cho mẹ chia cho khi lập gia đình ra riêng.

Để sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho cơ giới hóa các khâu sản xuất, Bộ NN&PTNT đã đề ra phương pháp sản xuất tập trung, hay còn gọi là sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Phương pháp này được các cấp chính quyền, doanh nghiệp và bà con nông dân cả nước đồng tình ủng hộ.

Theo thống kê từ năm 2011 đến nay các địa phương đã xây dựng được khoảng 400.000 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Qua đánh giá hiệu quả kinh tế trong mô hình cánh đồng mẫu lớn cho thấy lợi nhuận thu được cao hơn so với sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ từ 2 - 7 triệu đồng/ha.

Nguyên nhân do việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đã làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng giống sạ, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh. Các mô hình nông dân đều dùng giống cấp xác nhận, biết cách quản lý dịch hại hiệu quả, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bón phân đúng nhu cầu của cây lúa, không bón thừa đạm, chất lượng gạo tăng lên qua việc áp dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp 4 đúng, giảm thiểu lượng thuốc lưu tồn trong hạt gạo.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa.

Tuy nhiên diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện nay chỉ chiếm khoảng 10% diện tích trồng lúa toàn khu vực do gặp những khó khăn bất cập. Điển hình như do giá lúa trong mô hình ít được thỏa thuận ngay từ đầu vụ nên tỷ lệ các hợp đồng thành công chưa nhiều. Cả nông dân và doanh nghiệp sẵn sàng phá vỡ hợp đồng mua bán khi giá lúa lên hoặc xuống, nhưng ít ai được xử lý theo đúng pháp luật.

Điều này không chỉ người sản xuất bị thua thiệt mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là mỗi khi thị trường gạo xuất khẩu thế giới có biến động lớn. Doanh nghiệp nhỏ không chủ động được đầu ra chắc chắn thông qua dự báo thị trường; không có hợp đồng xuất khẩu gạo lớn, còn hạn chế về năng lực chế biến, bảo quản gạo và nguồn vốn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn chưa có sự chia sẻ với nhau dẫn đến nhiều hợp đồng bị phá vỡ dù lợi ích kinh tế không lớn. Sự vào cuộc của chính quyền các địa phương trong việc làm cầu nối, trọng tài phân xử, hướng dẫn thực thi chính sách còn hạn chế.

Lý do nói trên chỉ là một phần. Nguyên nhân quan trọng hơn được các doanh nghiệp tại Hội thảo tiết lộ là hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn. Nông dân không trồng lúa theo nhu cầu thì Công ty vẫn bao tiêu được. Nhưng Công ty không có đủ tiền để mua lúa đó về tạm trữ chờ bán.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Hiện nay vẫn còn gặp một số trở ngại, nhất là năng lực của cả hai, năng lực sản xuất của bà con nông dân và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Những cái này chưa đảm bảo cho sự liên kết, do đó mối liên kết này trong thời gian qua chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo cho tất cả các cánh đồng mẫu".

Ứng dụng công nghệ thu hoạch chưa hiện đại gây thất thoát nhiều sau thu hoạch.

Cũng do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã trở thành rào cản để bà con nông dân cơ giới hóa các khâu sản xuất lúa. Theo thống kê, hiện toàn vùng ĐBSCL việc cơ giới hóa ở khâu làm đất cơ bản đạt 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt hơn 82% và gần 80% khối lượng lúa sấy.

Tuy nhiên, việc cơ giới hóa ở khâu gieo sạ lúa hiện chỉ chiếm gần 2%. Từ con số trên cho thấy khâu làm đất, cắt và sấy lúa tỷ lệ cơ giới hóa tương đối cao nhưng khâu sạ lúa chỉ đạt 2% là quá thấp. Việc sạ bằng tay bà con nông dân còn quan điểm sạ dày, sử dụng lượng giống lúa quá nhiều vẫn còn phổi biến.

Về mặt khoa học và thực tiễn, các nhà khoa học cho rằng sạ dày là chỉ có hại, không có lợi. Vì những ruộng sạ dày thường cây lúa rất yếu, lại bón nhiều đạm nên cây dễ bị đổ ngã, chuột và sâu bệnh tập trung phá hại nhiều, cây lúa không đẻ thêm được chồi mới mà phần lớn là nhiều cây phải bị chết đi, tuy số bông có nhiều hơn nhưng số hạt chắc trên bông lại rất ít, tỷ lệ lép và lửng nhiều nên năng suất thấp.

Các nhà khoa học tại các Hội thảo đã đưa ra nhiều dẫn chứng để thuyết phục nhưng bà con vẫn không yên lòng. Thế rồi các chương trình "3 giảm 3 tăng" và sau đó là "1 phải 5 giảm" ra đời. Nhiều mô hình được các cơ quan và các nhà khoa học hỗ trợ xây dựng ở các tỉnh để thuyết phục bà con giảm bớt lượng giống gieo sạ. Thông qua các mô hình này nhiều bà con đã làm theo và đã giảm lượng giống sạ xuống chỉ còn 120 - 150 kg/ha. Một số ít đã giảm xuống còn 100 kg/ha. Nhưng không ít bà con vẫn còn giữ mức sạ 200 - 250 kg/ha. Sạ 120 - 150 kg/ha vẫn còn lãng phí.

Về bất cập trong khâu phơi sấy, ông Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng viện lúa ĐBSCL cho biết: "Sở dĩ máy sấy nó phát triển chậm vì sau khi tham gia cánh đồng lớn thì không tự phơi sấy nữa và khâu phơi sấy này thuộc về doanh nghiệp mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn về vốn. Nếu đầu tư vào cánh đồng mẫu lớn thì cần đầu tư nhiều. Nếu doanh nghiệp nào yếu thì rất khó. Nhưng đây là cốt loại, nếu chúng ta không phơi sấy được thì chúng ta sẽ bị thất mùa sau thu hoạch".

Theo thống kê từ năm 2011 đến nay các địa phương đã xây dựng được khoảng 400.000 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Về bài toán giống lúa kém chất lượng trên thị trường cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại các Hội thảo. Theo tính toán của Cục Trồng trọt mỗi năm nhu cầu về giống lúa của nước ta ước khoảng 500.000 tấn, trong đó các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hơn 300.000 tấn giống đạt chất lượng và hiện vẫn có khoảng 150.000 tấn nông dân lấy lúa hàng hóa để sản xuất. Do nguồn cung không đáp ứng đủ cầu nên đã xảy ra tình trạng gian lận thương mại trong sản xuất mua bán lúa giống kém chất lượng.

Việc kỹ sư Hồ Quang Cua ở Sóc Trăng sản xuất được giống lúa có chất lượng cao và đạt giải nhất trên thế giới trong cuộc thi gạo ngon vừa qua cũng không mặn mà trong việc sản xuất đại trà để bán ra thị trường vì sợ bị làm giả.

Phó Giáo sư Nguyễn Phú Son, Khoa kinh tế trường Đại học Cần Thơ cho biết : "Tôi có trao đổi với kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả của giống lúa ST 25, tôi khuyên anh Cua không nên sản xuất giống lúa đại trà vì năng lực quản lý của anh chưa đảm bảo được, trong khi cơ chế quản lý lúa giống mình chưa được nghiêm ngặt, nảy sinh ra những giống lúa giả làm mất đi phẩm chất thương hiệu của mình".

Một trở ngại khác đó là hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn. Tại các hội thảo khoa học đại diện các doanh nghiệp cho rằng hiện nay, ngân hàng chỉ mới cho các doanh nghiệp lúa gạo vay để xuất khẩu gạo còn cho vay để thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững thì hầu như chưa có ngân hàng nào làm. Do đó Nhà nước cần tập trung đầu tư và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Khi các doanh nghiệp có vốn để phát triển cánh đồng mẫu lớn sẽ giúp nông dân cơ giới hóa được các khâu sản xuất lúa, sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu làm được như vậy mới có thể giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển đi lên trong thời gian tới./.

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nha-khoa-hoc-khuyen-ong-ho-cong-cua-khong-san-xuat-dai-tra-lua-st25-992255.vov