Nhà khoa học kể chuyện ngồi tàu cá nghiên cứu biển

Tất cả dự án khoa học trông chờ vào một tàu nghiên cứu thì không thể phát triển bền vững kinh tế biển.

Giới khoa học tham gia Hội thảo về phát triển bền vững kinh tế biển do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hải Phòng vừa qua đã liên tục nhấn mạnh tới sự cần thiết có tàu nghiên cứu biển.

TS. Đào Mạnh Tiến - Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển bền vững

Hiện nay, Việt Nam có 3 tàu điều tra và khảo sát biển: Tàu Biển Đông do Na Uy viện trợ hiện nằm ở Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng; tàu khảo sát điều tra cơ bản của Đoàn 6 của Bộ Tư lệnh Hải quân và tàu nghiên cứu biển của Bộ Tài nguyên- Môi trường.

Trong đó, tàu Biển Đông hiện đã không thể phục vụ được nữa. Tàu nghiên cứu của Bộ Tài nguyên- Môi trường có mức chi phí hoạt động quá lớn, không thể đảm bảo các khoản tài chính cho một công trình khoa học. Hiện chỉ còn tàu khảo sát điều tra cơ bản của Đoàn 6 có chi phí hoạt động vẫn cao, vẫn còn phục vụ được.

Nhu cầu điều tra cơ bản về biển là rất lớn, lại chỉ có một con tàu phục vụ cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự khiến nhiều dự án khoa học gặp vướng vì không có tàu để điều tra. Tình trạng này khiến nhà khoa học Việt buộc phải thuê tàu cá chở máy móc, thiết bị ra giữa biển để nghiên cứu.

Một đặc trưng của điều tra khoa học biển là một năm chỉ có vài tháng, với điều kiện thời tiết tốt, biển lặng mới có thể thực hiện việc nghiên cứu, vừa để có được các số liệu nghiên cứu chính xác nhất, lại vừa đảm bảo an toàn cho những cán bộ nghiên cứu khoa học công tác trên tàu cá.

Theo chia sẻ của TS. Đào Mạnh Tiến - Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển bền vững (IRED), nghiên cứu khoa học cơ bản trên biển phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết: Miền Bắc bị ảnh hưởng bởi gió mùa đông bắc, miền Nam bị ảnh hưởng bởi gió mùa tây nam. Do không có tàu nghiên cứu khoa học đạt điều kiện chuẩn, nhà khoa học thuê tàu cá để nghiên cứu trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Tuy nhiên, thuê tàu cá để nghiên cứu khoa học cũng rất gian truân.

Khi thuê tàu dân vào mùa biển lặng rất khó. Con tàu là kế sinh nhai cho ngư dân, nếu cho thuê tàu để nghiên cứu biển thì chi phí cũng phải gần bằng một chuyến ra khơi.

Cũng cần nói thêm, khoản chi cho thuê tàu theo chỉ tiêu của dự án chỉ có giới hạn. Nhưng khâu lấy mẫu này lại đặc biệt quan trọng. Nếu thu thập mẫu không chuẩn thì các kết quả phân tích mẫu và luận giải các kết quả không chính xác. Công tác lấy mẫu lại phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị và phương tiện hỗ trợ. Do đó, để có được kết quả khoa học như ý thì phải tính toán bù trừ các chi phí, tăng chi cho thuê tàu, giảm chi cho nghiên cứu phân tích lấy mẫu... Trông đó để thấy, nhà khoa học Việt không những giàu konh nghiệm làm khoa học mà cũng... làm kinh tế giỏi nữa.

Chưa hết, khi dự án khoa học muốn thuê tàu cá để nghiên cứu thì tàu đó cũng phải đáp ứng các yêu cầu về chứng từ tài chính, có tài khoản ngân hàng để chuyển khoản thanh toán, có con dấu chữ ký để ký kết hợp đồng... theo như các yêu cầu của cơ quan tài chính duyệt chi cho dự án khoa học.

"Khi đi thuê tàu cá để nghiên cứu khoa học, cơ quan duyệt tài chính cho dự án khoa học nói với tôi: 'Chú nói ngư dân về mở tài khoản ngân hàng để chuyển khoản'. Tôi bật cười. Thuê tàu của họ đã khó, lại bắt họ phải đi ra ngân hàng mở một cái tài khoản ở vùng biển xa xôi như thế..." - TS. Đào Mạnh Tiến kể lại.

Chưa kể, nghiên cứu khoa học bằng tàu cá lại tương đối rủi ro. Tàu đánh cá có thể ra xa bờ hàng trăm km nhưng khi mang theo các máy móc đo đạc phục vụ nghiên cứu rất nặng, nó có thể gặp nguy hiểm.

"Khi tàu chạy đánh cá, sức máy cộng với sức chịu đựng của tàu thắng được sóng biển. Nhưng khi dừng lại để đo đạc, lấy mẫu thì không. Tàu dừng thì rất chồng chềnh. Khi ra độ 50-70 mét nước, kéo thiết bị lấy mẫu ở đáy biển lên, mớn nước ở san sát mạn thuyền. Chúng tôi nói vui, đi nghiên cứu khoa học như đang chơi đàn ta-lư để át đi nỗi sợ tàu chìm" - vị chuyên gia cho biết.

Khó khăn, rủi ro cho cán bộ làm công tác nghiên cứu cơ bản về biển chắc chỉ có những ai làm khoa học mới hiểu.

TS. Đào Mạnh Tiến kể một câu chuyện buồn: "Khoảng năm 1998, chúng tôi khi đó ở Liên đoàn Địa chất biển (MGMC) làm một khảo sát ở vùng biển miền Trung, cũng thuê tàu cá. Làm khảo sát đến khoảng 2h sáng thì tàu chìm. Đội trưởng đội khảo sát khi đó đã bơi đến một tàu đánh cá cách đó khoảng nửa cây số quay trở lại ứng cứu số anh em nghiên cứu trên tàu. Sau vụ đó, máy móc nghiên cứu đã trôi sạch, kết quả nghiên cứu cũng mất, cần câu cơm cũng mất. Không có khối lượng công việc, không được nghiệm thu, thì không thể chi tài chính. Anh em sau đó đã phải trải qua một thời gian cực kỳ khó khăn về thu nhập. Ngay cả cơ quan cũng rất khó khăn để trả lương cơ bản cho cán bộ".

Vị chuyên gia cho biết, sắp tới, Bộ KH-CN triển khai chương trình nghiên cứu biển sâu, tức là ở độ sâu từ 500m trở ra tới hàng nghìn mét nước, thì nhu cầu có một con tàu nghiên cứu khoa học đảm bảo được độ an toàn và khả năng khảo sát chính xác là rất lớn.

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam và Tổng Cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên- Môi trường) đã thống nhất chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững.

Ông Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết, Việt Nam có thể sắp có tàu nghiên cứu biển của Nhật Bản.

Tại cuộc hội thảo vừa được tổ chức, ông Tạ Đình Thi – Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết, Bộ Tài nguyên- Môi trường hiện đang có kế hoạch để Việt Nam có thêm một con tàu nghiên cứu khoa học của Nhật Bản. Khi đó, sẽ có một cơ chế chung cho các hoạt động nghiên cứu biển, thực hiện trong một chuyến khảo sát.

Tổng Cục trưởng Tạ Đình Thi nhận xét, nhu cầu nghiên cứu biển và hải đảo ngày càng lớn nhưng vẫn ở quy mô nhỏ, chưa có sự phối kết hợp, vừa lãng phí vừa chưa thực sự hiệu quả. Sau khi có thêm tàu nghiên cứu biển, cần có một cơ chế chung để thực hiện nghiên cứu trên quy mô lớn với nhiều nội dung, được thực hiện trong một chuyến khảo sát. Từ đó, lập nên một trung tâm thông tin, nơi sẽ chia sẻ dữ liệu chung cho các nhà khoa học.

Trước tin tức này, TS. Đào Mạnh Tiến rất vui mừng.

"Tôi đã từng lên con tàu nghiên cứu khoa học của Trung Quốc và tàu thuộc Cục địa chất biển của Ấn Độ, đều là các con tàu đã phục vụ được 30 năm. Dù là các tàu cũ, các thiết bị nghiên cứu cũ của nước ngoài, chúng ta vẫn có thể tiếp tục sử dụng được, chúng thậm chí còn tốt hơn tàu của Việt Nam đóng mới" - TS. Đào Mạnh Tiến chia sẻ.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/nha-khoa-hoc-ke-chuyen-ngoi-tau-ca-nghien-cuu-bien-3384769/