Nhà khoa học của nhà nông

'Cháu mang những cuốn sách này về quê tặng gia đình và hàng xóm, giúp bà con có thêm kiến thức về kỹ thuật canh tác, nâng cao hiệu quả làm kinh tế để có cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn…', GS.TS. Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, dặn tôi như vậy khi ông tặng tôi những cuốn sách do ông viết, hướng dẫn nông dân cách làm giàu.

Cùng với những cống hiến cả cuộc đời cho nông nghiệp, nông dân thì sự gần gũi, giản dị của GS làm tôi thêm hiểu vì sao bà con lại quý mến gọi ông là “nhà khoa học của nhà nông”.

Kỹ sư “3 cùng” với nông dân

Bên ly cà phê nóng, GS Ngô Thế Dân kể cho chúng tôi nghe về con đường đến với nông nghiệp, nông dân của mình.

Ông sinh năm 1938, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1959, học hết cấp 3 và được chọn cử đi học tiếp ở nước ngoài, nhưng do không đủ sức khỏe nên Ngô Thế Dân quyết định theo học tại Học viện Nông lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với mong muốn mang khoa học về với nhà nông, giúp đời sống bà con được ấm no.

Giáo sư Ngô Thế Dân (thứ hai, từ trái sang) khảo sát mô hình trồng chè liên kết của gia đình anh Đinh Tiên Sỹ ở xã Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TRÀ GIANG.

Giáo sư Ngô Thế Dân (thứ hai, từ trái sang) khảo sát mô hình trồng chè liên kết của gia đình anh Đinh Tiên Sỹ ở xã Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TRÀ GIANG.

Tốt nghiệp đại học, kỹ sư Ngô Thế Dân được phân công về làm việc tại Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ NN&PTNT); sau đó được cử đi biệt phái tại Ty Nông nghiệp Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh). Sau 2 năm gắn bó với nông dân, chàng kỹ sư trẻ Ngô Thế Dân quyết định xin cấp trên cho tiếp tục ở lại địa phương. Tại đây, kỹ sư Ngô Thế Dân đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng thành công bản đồ thổ nhưỡng tỉnh Hà Bắc, góp phần giúp địa phương hướng xử lý đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tiếp đó, kỹ sư Ngô Thế Dân lại xung phong đi giúp cải tạo những vùng đất bạc màu khác, vì ở đó đời sống của người dân còn rất cơ cực, lao động vất vả mà sản lượng thu về không cao. Được sự đồng ý của lãnh đạo Ty Nông nghiệp Hà Bắc, kỹ sư Ngô Thế Dân cùng 15 cán bộ, nhân viên về Hợp tác xã (HTX) Trung Hòa (xã Mai Chung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) trực tiếp giúp bà con nông dân cải tạo đất. Nhờ “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nông dân, sau 2 năm, việc cải tạo đất đã có hiệu quả, sản lượng lúa của HTX tăng từ 3,3 tấn/ha lên 5,6 tấn/ha; HTX Trung Hòa trở thành điển hình, được nhiều địa phương đến nghiên cứu, học tập.

GS Ngô Thế Dân nhớ lại: “Đó là khoảng thời gian mà tôi cũng như các thành viên đoàn công tác trở thành những nông dân thực thụ, cùng nông dân cày, bừa, cấy hái; gắn bó với bà con như người thân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó giúp bà con cải tạo đất, canh tác hiệu quả”.

Trái tim luôn hướng về nông dân

Năm 1969, Ngô Thế Dân được cử đi học nghiên cứu sinh tại Bulgaria. Đó là thời điểm đất nước còn bị chia cắt do chiến tranh. Sau 4 năm nỗ lực học tập, Ngô Thế Dân trở về nước với tấm bằng tiến sĩ loại ưu và được phân công về công tác tại Viện Nghiên cứu thổ nhưỡng nông hóa, thuộc Bộ Nông nghiệp. Tại đây, ông hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, sinh viên cao học bảo vệ thành công các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi… Ông được phong hàm Phó giáo sư năm 1991 và Giáo sư năm 1996.

Nếu như thời gian làm việc tại Ty Nông nghiệp Hà Bắc, kỹ sư Ngô Thế Dân “3 cùng” với nông dân, mang lại những mùa vàng bội thu cho bà con thì khi công tác ở Viện Nghiên cứu thổ nhưỡng nông hóa là thời kỳ ông hướng về nông dân trong lĩnh vực mới với những đề tài khoa học cấp Nhà nước, chương trình nghiên cứu cấp Quốc gia, chương trình hợp tác quốc tế… Vẫn là cải tạo đất, nhưng không phải ông trực tiếp cuốc đất, cày ruộng cùng nông dân mà là hướng dẫn người dân cách “cố định đạm sinh vật”-phân nitragin (phân vi sinh vật); lợi dụng đặc tính tích trữ đạm của cây họ đậu, dùng phương pháp khoa học làm cho cây họ đậu cố định đạm sớm và nhiều hơn. Tiếp theo, ông hướng dẫn nông dân trồng xen canh cây họ đậu và các loại cây trồng khác, nhờ đó biến chính phần rễ của cây họ đậu thành phân vi sinh vật cho các loại cây xen canh, đồng thời tăng độ phì nhiêu cho đất.

Năm 1990, TS Ngô Thế Dân được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Nhận thấy để năng suất cây trồng tăng thì yếu tố quan trọng không chỉ có đất mà giống cây cũng đóng vai trò quyết định, Thứ trưởng Ngô Thế Dân đã mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất thông qua các chủ trương, chính sách. Ông xây dựng các đề án về lúa lai; xây dựng chương trình vùng lúa xuất khẩu; làm chủ nhiệm nhiều chương trình hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp như: Hợp tác giữa Việt Nam với Viện Lúa quốc tế IRRI (trụ sở tại Philippines); hợp tác với một số tỉnh của Trung Quốc, đưa những giống lúa lai tốt, phù hợp về trồng ở trong nước. Sau 10 năm (từ năm 1990 đến 2000), những cống hiến của ông góp phần đưa năng suất đỗ, lạc của cả nước tăng lên 1,5 lần; đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo. Cũng trong khoảng thời gian đó, ông được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực của bộ, như: Thanh tra, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; chính sách, hợp tác quốc tế… và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Tâm huyết hướng dẫn nông dân làm giàu

Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhiều người an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu, nhưng GS Ngô Thế Dân vẫn tiếp tục cống hiến, giúp nông dân, khi ông về công tác tại Hội làm vườn Việt Nam (VACVINA). Từ năm 2014 đến nay, được sự tín nhiệm, giáo sư được bầu đảm nhiệm cương vị Chủ tịch của hội. Trước đó, từ năm 1991, khi đang giữ chức Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, GS Ngô Thế Dân đã kiêm nhiệm Phó chủ tịch thường trực VACVINA.

Từ khi công tác tại VACVINA, GS Ngô Thế Dân không quản tuổi cao, thường xuyên đến với bà con nông dân trên mọi miền đất nước. Ông đến những nơi khó khăn để nghiên cứu, để xây dựng các mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) hiệu quả, để nhân rộng điển hình tiên tiến làm VAC giỏi trong cả nước. Qua đó, VACVINA đã có đóng góp lớn trong việc hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, dạy nghề, đào tạo, tập huấn cho nông dân… giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống và làm giàu. Ông tâm niệm: “Nếu người nông dân vẫn canh tác theo kinh nghiệm cũ thì hiệu quả sẽ thấp; cần phải đẩy mạnh hướng dẫn bà con làm vườn bằng kiến thức khoa học kỹ thuật”.

Từ tâm niệm ấy, GS Ngô Thế Dân đã viết, chủ biên hơn 20 cuốn sách, là chủ nhiệm nhiều đề tài có nội dung từ sự nghiên cứu, đúc kết, xử lý, chỉnh sửa những kinh nghiệm hay của nông dân, biến chúng thành kiến thức khoa học, rồi từ đó hướng dẫn nông dân áp dụng vào thực tế. Tiêu biểu là các cuốn sách: “Những kinh nghiệm hay trong nghề làm vườn”, “Hỏi-đáp về kỹ thuật VAC”, “Kinh nghiệm trồng vải thiều ở Lục Ngạn”, “Cây lạc ở Việt Nam”… Với cách truyền đạt tỉ mỉ, rõ ràng, ngắn gọn nên bà con nông dân chỉ cần đọc sách là có thể thực hiện được kỹ thuật một cách hiệu quả.

Năm 2008, khi thấy việc tiêu thụ quả vải thiều của nông dân tỉnh Bắc Giang gặp nhiều khó khăn, do vải thiều thường chín đồng loạt và thu hoạch trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, tình trạng phát triển diện tích vải ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, khiến giá giảm, làm nhiều hộ dân muốn phá bỏ cây vải để thay bằng loại cây trồng khác. Trước thực trạng đó, một số hộ dân ở Bắc Giang đã có sáng kiến áp dụng phương pháp ghép cải tạo cành nhãn lên gốc vải thiều nhằm rút ngắn thời gian trồng mới; tuy nhiên, do làm tự phát nên hiệu quả không cao. Đồng hành cùng nông dân, GS Ngô Thế Dân đã làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về kỹ thuật ghép nhãn trên vải. Đề tài được triển khai nghiên cứu và xây dựng mô hình ghép cải tạo nhãn lên vải thiều tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Sau khi thực hiện theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, các mô hình thí nghiệm đều cho kết quả tốt. Nếu trồng mới cây nhãn phải mất ít nhất 2 năm mới cho quả, nhưng bằng cách ghép này, bà con có thể rút ngắn thời gian, “ép” nhãn ra quả sớm trên gốc vải.

Nhận xét về GS Ngô Thế Dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Những cống hiến của GS Ngô Thế Dân trên các cương vị công tác suốt mấy chục năm qua và hiện nay ở VACVINA rất đáng trân trọng, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của nền nông nghiệp và nông thôn nước nhà. Sự lăn lộn, sáng tạo, luôn gắn bó, đồng hành cùng nông dân của giáo sư là tấm gương sáng để nhiều cán bộ, nhân viên trong ngành học tập, noi theo”.

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/nha-khoa-hoc-cua-nha-nong-post6204.html