Nhà khoa học bị cuốn hút bởi các loài hoa

Không chỉ là một nhà khoa học thực thụ, PGS-TS Đặng Văn Đông còn là một người yêu thơ, thích làm thơ và đặc biệt hơn cả đó là ông luôn dành một tình yêu đặc biệt đối với các loài hoa, thậm chí đồng nghiệp còn gọi vui ông là nhà khoa học mê hoa…

PGS-TS Đặng Văn Đông, SN 1966, hiện là nghiên cứu viên chính, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau, quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh; chuyên gia tư vấn về định hướng nghiên cứu, phát triển cây hoa, cây cảnh và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho đối tượng rau, hoa, quả.

Từ khi mới ra trường chàng kỹ sư nông nghiệp Đặng Văn Đông đã được làm việc tại Viện Nghiên cứu rau quả. Ông nhớ lại: “Hồi tôi về viện, bộ môn hoa - cây cảnh chưa thành lập và lĩnh vực này cũng ít được đề cập. Trong các cuộc họp, một nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp vẫn nói Việt Nam chúng ta ăn còn chưa đủ, sao tính đến việc phát triển hoa. Nhưng rất may, một số lãnh đạo lại có cách nhìn nhận khác. Chẳng hạn GS Trần Văn Lài, nguyên Viện trưởng phân tích rằng, trong các loại cây như rau, hoa, quả thì trong tương lai, cây hoa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất”.

Phó Giáo sư - TS Đặng Văn Đông luôn dành một tình yêu đặc biệt đối với các loài hoa. Ảnh tư liệu

Phó Giáo sư - TS Đặng Văn Đông luôn dành một tình yêu đặc biệt đối với các loài hoa. Ảnh tư liệu

Có sự ủng hộ đó, năm 1996, PGS Đông và một số đồng nghiệp xin thành lập bộ môn hoa - cây cảnh. Suốt những năm đầu, bộ môn này hầu như không có kinh phí hoạt động. Ông đã phải làm thêm những việc như ghép cây ăn quả để có tiền nghiên cứu về hoa.

“Tôi đi vay lãi suất cao được gần 20 triệu đồng để đầu tư cho phương án sản xuất cây cảnh, kinh doanh tăng thu nhập. Sau đó, tôi đăng ký tham gia vài dự án nhỏ về nghiên cứu hoa, cây cảnh rồi cứ thể phát triển các đề tài lớn hơn”, PGS Đông kể.

Không ngờ chính ý tưởng ấy lại đem đến thành công. Các giống hoa, cây cảnh do PGS Đông và đồng nghiệp chọn tạo đã được chuyển giao cho khoảng 100 cơ sở nghiên cứu, sản xuất về hoa, cây cảnh trên cả nước.

Hiện nay hầu hết các tỉnh miền Bắc đều trồng được lily vào vụ đông xuân. Nhiều tỉnh, thành đã nuôi trồng thành công giống lan hồ điệp theo công nghệ hiện đại. Những thành tựu này có đóng góp lớn của ông.

Nếu như người bình thường chỉ yêu hoa với tư cách là một vẻ đẹp thiên nhiên thì với PGS Đặng Văn Đông, hoa vừa là đối tượng nghiên cứu thú vị, vừa là sản phẩm giúp người dân làm giàu, lại vừa là cái đẹp nâng đỡ tâm hồn con người. Sự trân quý của ông đối với hoa có lẽ vì vậy mà sâu sắc hơn, xuất phát từ sự gắn bó và hiểu rõ giá trị của nó trên cả phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Tình yêu hoa của PGS Đông thể hiện rõ nhất ở cách ông dồn tâm lực cho công việc nghiên cứu. PGS Đông cũng thừa nhận ông đi nhiều, lăn lộn các nơi để tìm nguồn gen. Ông kể về chuyến đi lên xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La - vùng có nhiều giống hoa hoang dại, khí hậu lại phù hợp để nhân giống nhiều loại hoa quý nhưng đường rất khó đi. Do ôtô không vào được, ông và các cộng sự phải dùng xe công nông. Có lần xe công nông đang qua suối thì một đợt nước lớn ào qua làm trôi cả xe, mọi người phải bám víu nhau để chống đỡ với dòng nước và lên bờ an toàn.

Trải qua những chuyến đi “thập tử nhất sinh” như vậy, niềm hạnh phúc của ông khi tìm ra giống hoa mới hay nơi trồng thích hợp cho các giống hoa quý thật khó nói hết bằng lời.

Với những nỗ lực của mình, đến nay PGS Đặng Văn Đông đã có trên 50 bài báo, công trình đăng trên các tạp chí khoa học trong nước. Chủ biên và đồng tác giả của 10 cuốn sách, tiêu biểu như các cuốn: “Công nghệ mới trồng hoa cho thu nhập cao - cây hoa đồng tiền”; “Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây hoa lily, loa kèn”.

Tham gia gần 30 đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp như: Nghiên cứu áp dụng mô hình nhà lưới phù hợp phục vụ trồng rau an toàn và trồng hoa cho các HTX nông nghiệp và hộ gia đình khu vực nông thôn; dự án sản xuất thử nghiệm Hoàn thiện quy trình nhân giống 2 giống lily Belladonna và Manisa bằng phương pháp tách vảy củ...

Gần 20 công trình, kết quả nghiên cứu được áp dụng trong thực tiễn như: Trồng hoa loa kèn tứ quý áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến (đã chuyển giao giống, quy trình, xây dựng mô hình áp dụng ở hầu khắp các tỉnh từ Gia Lai trở ra Bắc); nhân giống hoa lily Manissa và Belladonna bằng phương pháp tách vảy củ (quy trình đã thử nghiệm tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với quy mô 500m2).

Cúp vàng quy trình sản xuất lan hồ điệp quy mô công nghiệp. Bằng bảo hộ quyền tác giả quy trình sản xuất lan hồ điệp quy mô công nghiệp. Giải thưởng “Bông lúa vàng cho các nghiên cứu phát triển hoa lan ở Việt Nam”.

Bản Sa

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nha-khoa-hoc-bi-cuon-hut-boi-cac-loai-hoa-117184.html