Nhà hát Trần Hữu Trang và những lo ngại trong tương lai

Trong tờ trình của UBND TP.HCM, dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch (Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm) được giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM làm chủ đầu tư. Trớ trêu thay, đây cũng chính là chủ đầu tư của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang có giá trị đầu tư 132 tỷ đồng nhưng không sử dụng được...

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ngốn hết 132 tỷ đồng nhưng xây xong không ai muốn diễn!

Cách đây 10 năm, với hàng loạt lý do như nhu cầu của nhân dân, nguyện vọng của các nghệ sĩ, cần một nơi xứng tầm để tôn vinh cải lương… chủ trương xây lại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trên nền rạp Trần Hưng Đạo (515-517 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM) được chính quyền TP.HCM chấp thuận.

Công trình ban đầu được duyệt tổng đầu tư gần 60 tỷ đồng nhưng cuối cùng tốn 132 tỷ đồng này khởi công từ tháng 4/2013, đến tháng 5/2017 mới được bàn giao sau 2 năm bị đình chỉ khánh thành để khắc phục sửa chữa lỗi thiết kế xây dựng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi bàn giao, hàng loạt sai phạm đã lộ rõ, nghiêm trọng đến nỗi không thể biểu diễn cải lương ở đây! UBND TP.HCM buộc phải chỉ đạo thanh tra làm rõ những vi phạm.

Theo Kết luận thanh tra số 17/KL-TTTP-P3 của Thanh tra TP.HCM, năng lực chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và tư vấn giám sát yếu kém, dự án đã xảy ra nhiều sai phạm khó chấp nhận. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) chưa có nhiều kinh nghiệm đối với loại hình đặc thù về xây nhà hát nên đã để xảy ra sai phạm về thiết kế và đấu thầu. Công trình có mức đầu tư được phê duyệt từ 60 tỷ đồng đã đội lên 132 tỷ đồng do thay đổi quy mô, bổ sung khối lượng diện tích sàn, sai sót trong việc thẩm định hồ sơ… Do chậm tiến độ từ hàng loạt sai sót, dẫn đến ảnh hưởng trượt giá vật tư, nhân công nên làm tăng chi phí thêm 24 tỷ đồng.

Không chỉ sai trong quá trình thi công, dự án còn sai ngay thời điểm lập dự án. Thiết kế ban đầu là 628 ghế ngồi thì phải cần diện tích tối thiểu là 4.000m2. Tuy nhiên, thực tế khu đất chỉ có hơn 900m2, điều này không bảo đảm so với quy chuẩn nên mọi thứ được cố nhét theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Hậu quả là khi bàn giao, các nghệ sĩ thiếu nhiều không gian để chuẩn bị, biểu diễn; nhà hát thường xuyên đóng cửa vì không ai muốn tổ chức ở đây!? Chính Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã chất vấn Sở Văn hóa và Thể thao một năm trước: “Xây dựng nhà hát cải lương không diễn nổi một vở tầm cỡ?”. Cho đến nay, nhà hát này biểu diễn bình thường còn không thể được chứ nói gì đến “vở diễn tầm cỡ”!

Mang tiếng xây mới nhưng theo Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, NSND Trần Ngọc Giàu thì nhà hát này không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết trong hoạt động tổ chức biểu diễn của nhà hát. Ông Giàu thừa nhận do không được biểu diễn hàng đêm nên ảnh hưởng đến doanh thu và tình hình tài chính của nhà hát. Để duy trì hoạt động, cũng như chi trả lương cho bộ máy nhân sự nhà hát đều phải nhờ ngân sách thành phố rót xuống, đồng nghĩa với việc thêm gánh nặng cho người dân đóng thuế.

Còn NSƯT Kim Tử Long thì ngán ngẩm: “Tôi không nghĩ đấy là một nhà hát, không hiểu họ thiết kế, thi công xây dựng nên công trình này để làm gì. Sau bao nhiêu năm chờ đợi thì đến giờ anh em nghệ sĩ vẫn chưa có một sân khấu đúng nghĩa để biểu diễn cải lương”.

UBND TP.HCM đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý các đơn vị, cá nhân liên quan nhưng đến nay, không ai biết kết quả xử lý trách nhiệm ra sao? Chúng tôi cũng đã tìm hiểu nhiều nơi về cách khắc phục sai phạm, xử lý tập thể và cá nhân dẫn đến sự cố hy hữu trên nhưng chưa nhận được câu trả lời!

Sắp tới đây, nếu nghị quyết xây Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm trị giá 1.500 tỷ đồng được hiện thực hóa và giao cho Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình làm chủ đầu tư thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với dự án đang gây bức xúc này. Nhưng từ bây giờ, dư luận đã vô cùng khó hiểu khi ban này làm chủ đầu tư dự án 132 tỷ đồng mà còn sai phạm hàng loạt như thế thì làm sao đủ tầm để quản lý công trình có quy mô gấp 10 lần như Nhà hát Giao hưởng Thủ Thiêm.

Có lẽ không chỉ cần xử lý nghiêm những ai đã để xảy ra quá nhiều sai phạm ở công trình Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mà cần phải xem lại có nên giao cho Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình của Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục làm chủ đầu tư nhà hát giao hưởng với năng lực yếu kém như thế hay không? Đây là đòi hỏi và yêu cầu chính đáng của người dân TP.HCM mà chính quyền thành phố này cần cầu thị và lắng nghe.

Mặc dù Nhà hát 132 tỷ đồng mới hoạt động hơn 1 năm nhưng NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang cho biết: “Nhằm giải quyết những tồn tại của nhà hát, thành phố dự tính sẽ cấp một khu đất khác để xây dựng một nhà hát mới thay thế cho Nhà hát Trần Hữu Trang. Chúng tôi sẽ bàn giao lại công trình này cho thành phố tiếp quản, việc sử dụng nhà hát này như thế nào là do thành phố quyết định”.

Dư luận càng lo ngại và bức xúc: Một nhà hát mới có quy mô và tốn kém hơn nhiều sẽ hình hài ra sao với cung cách quản lý, đầu tư, thiết kế, thi công và giám sát vô cùng kỳ lạ này!?

Phan Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nha-hat-tran-huu-trang-va-nhung-lo-ngai-trong-tuong-lai-d71072.html