Nhà hát Thủ Thiêm có chương trình đẳng cấp quốc tế nào?

Chuyên gia băn khoăn về yêu cầu nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm phải tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế.

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo liên quan đến việc tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Một trong những yêu cầu của TP là nhà hát phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM bày tỏ băn khoăn, liệu có được những chương trình, sự kiện đẳng cấp quốc tế như vậy để tổ chức hay không?

Nhấn mạnh lại quan điểm không phản đối việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch song thời điểm này chưa cần thiết, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chỉ ra những lý do khiến ông băn khoăn.

Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch sẽ được xây dựng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Zing

Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch sẽ được xây dựng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Zing

Thứ nhất, nhà hát được dự kiến xây dựng ở Thủ Thiêm, nơi đời sống người dân chưa ổn định, chưa có những con đường thuận tiện để các đoàn khách du lịch ghé vào.

Thứ hai, ai sẽ nghe nhạc cổ điển ở nhà hát này, nguồn nhạc ở đâu? Theo ông Ninh, không phải ai cũng có nhu cầu nghe nhạc giao hưởng và việc xây dựng nhà hát đối với đại bộ phận dân chúng chưa phải là nhu cầu bức thiết.

Việt Nam cũng có các tác phẩm âm nhạc giao hưởng, nhưng phần nhiều, những bản nổi tiếng ở Việt Nam chủ yếu ra đời từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nguồn nhạc giao hưởng được sử dụng để biểu diễn có chăng là các tác phẩm kinh điển của thế giới.

"Mà những tác phẩm âm nhạc cổ điển ấy người nước ngoài không lạ lẫm gì, thậm chí khi họ nghe biểu diễn ở châu Âu, châu Mỹ... còn hay hơn nhiều, không có lý gì họ đến Việt Nam du lịch để nghe lại những bản nhạc ấy?

Khách du lịch đến Việt Nam là để thưởng thức vẻ đẹp riêng của phong cảnh Việt Nam, những đặc sản của Việt Nam, những thứ mà họ không thấy ở quốc gia khác. Đó có thể là những bài dân ca đặc trưng, những bài hát dặm, thổi khèn, múa sạp... đặc trưng của Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói và cho rằng, ổn định cuộc sống, tâm lý của người dân, quan tâm đến quyền lợi của đại đa số người dân trước tiên cần thiết hơn là xây nhà hát giao hưởng.

"Có ý kiến nói rằng xây dựng nhà hát giao hưởng để đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật cho người dân và du khách, nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa của người dân, thu hút khách du lịch, Việt Nam có một nơi nổi tiếng để ghé thăm... Nói vậy chẳng qua mới chỉ chú ý đến bề nổi, không phải là nhu cầu thực tế của xã hội. Nhu cầu thực tế của xã hội là làm cho sinh hoạt của cộng đồng đi vào trật tự, ổn định", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh bày tỏ.

Ông cũng đặt câu hỏi liệu TP HCM đã tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến người dân về việc nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm chưa mà tuyên bố việc xây dựng nhà hát là “cần thiết và cấp bách”?

"Nếu khảo sát thì bao nhiêu người được hỏi? Lấy ý kiến ai? Có biên bản thống kê không?

Thực tế, nhiều cuộc khảo sát cho thấy, câu hỏi khảo sát được đưa xuống phường, chủ yếu là cán bộ cơ sở trả lời và bởi vì cấp trên đưa xuống thì họ phải làm, có ai dám nói lại ý cấp trên?

Tương tự, khi họp tổ dân phố lấy ý kiến, nhiều khi người ta bỏ cho xong, thứ người dân quan tâm là chuyện cơm, áo, gạo, tiền hàng ngày.

Có những sinh hoạt lấy danh nghĩa sinh hoạt tập thể để lấy phiếu mà muốn khắc phục không phải ngày một, ngày hai mà làm được.

Đó là kiểu hành chính chủ nghĩa, làm cho xong, không phản ánh thực tế. Đã là người điều hành thì phải vì quyền lợi của đại đa số người dân mà suy nghĩ, không phải vì cá nhân hay nhóm lợi ích nào", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh và một lần nữa lưu ý, TP.HCM cần quan tâm đến những vấn đề quan trọng khác của xã hội, giải quyết những vấn đề cấp thiết khác của người dân hơn là xây dựng nhà hát giao hưởng vào lúc này.

Ngày 8/10/2018, tại kỳ thứ 10 (họp bất thường) HĐND TP.HCM đã thông qua dự án đầu tư xây dựng nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2).

Dự án có tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, thực hiện trong giai đoạn 2018-2022.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM liên quan đến việc tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình nhà hát, công trình nhà hát phải mang tính biểu tượng đặc trưng riêng của TP, hấp dẫn thu hút khách du lịch khi đến TP.HCM.

Nhà hát phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và tổ chức được các chương trình, sự kiện âm nhạc đẳng cấp quốc tế.

Nhà hát phải vừa đáp ứng tính chuyên sâu (tổ chức các chương trình âm nhạc hàn lâm, nhạc kịch, vũ kịch và các loại hình nghệ thuật khác của Việt Nam), vừa có tính đa dụng (có khu vực để tổ chức đào tạo, triển lãm chuyên ngành, các buổi hội nghị, hội thảo…).

Khu quảng trường, công viên phía trước nhà hát phải là không gian văn hóa, khai thác tối đa mặt tiền bờ sông.

Bên cạnh đó, thiết kế cần khai thác tối đa tầng hầm, mở rộng không gian ngầm ra khu vực xung quanh khu đất xây dựng công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch và kết nối không gian ngầm với các công trình lân cận.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nha-hat-thu-thiem-co-chuong-trinh-dang-cap-quoc-te-nao-3397468/