Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh và hành trình tìm lại ánh hào quang

Đi qua chặng đường nhiều thăng trầm, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đang nỗ lực lấy lại ánh hào quang trên sân khấu với những chương trình nghệ thuật, vở kịch hát dân ca hấp dẫn, thu hút sự quan tâm theo dõi của công chúng.

Một tiết mục ghi dấu những bước đột phá trong đầu tư nội dung, trang phục của Nhà hát NTTT Hà Tĩnh tại Lễ khai trương du lịch biển năm 2019 tại Thiên Cầm (Cẩm Xuyên)

Một tiết mục ghi dấu những bước đột phá trong đầu tư nội dung, trang phục của Nhà hát NTTT Hà Tĩnh tại Lễ khai trương du lịch biển năm 2019 tại Thiên Cầm (Cẩm Xuyên)

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Hà Tĩnh, tiền thân là Đội Tuyên truyền văn hóa lưu động Hà Tĩnh, là hạt nhân của phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Năm 1959, Đoàn văn công nhân dân Hà Tĩnh được thành lập. Các diễn viên đã hăng hái xông pha trên các chiến trường phục vụ bộ đội, sôi nổi về các miền quê động viên nhân dân vững tay cày nhằm chung sức bảo vệ non sông.

Trong đó, nhiều nghệ sỹ như Bùi Đức Hậu, Dương Danh Lạc, Nguyễn Mạnh Tường… đã anh dũng hy sinh. Thời kỳ sau 1975, khi đời sống sản xuất, xây đựng đất nước diễn ra sôi nổi, Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh đã xây dựng rất nhiều chương trình đậm hơi thở cuộc sống phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh nhà và phục vụ đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân. Nhiều chương trình, vở kịch còn được mang đi biểu diễn khắp các tỉnh bạn và đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Từ trong hoạt động nghệ thuật sôi nổi ấy, đã có những tên tuổi "đóng đinh" trong lòng khán giả. Đó là các tác giả kịch bản tài ba như Phan Lương Hảo, Nguyễn Thế Kỷ, nhạc sĩ Lê Hàm… Những vở diễn của họ như “Cô Tám”, “Mai Thúc Loan” (Phan Lương Hảo), “Đốm lửa núi Hồng” (Nguyễn Thế Kỷ) cùng với dàn diễn viên tên tuổi như NSƯT Xuân Năm, NSƯT Thanh Bảng, diễn viên Sĩ Nghệ, Thanh Mai, Hoài Thanh, Xuân Ngô, Khánh Cẩm… đã tạo nên những mốc son trong quá trình phát triển của Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh.

Một thế hệ mới được hình thành sau những ngày tách tỉnh như NSƯT Quốc Nam, Nhạc sĩ Ngọc Thịnh, NSƯT Thanh Xuân, NSƯT Ngọc Cẩm, các nghệ sĩ Thái Bảo, Thu Hiền, Quốc Hưng, NSƯT Duy Hải, Mai Quyền, Công Hoàn v.v… đã hình thành nên một sức sống mới cho Đoàn ca kịch Hồng Lĩnh.

Chương trình nghệ thuật được đầu tư dàn dựng công phu tại Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông - mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2019 của Nhà hát NTTT Hà Tĩnh

Tuy nhiên, trong những năm đầu thế kỷ XXI, Đoàn ca kịch Hồng Lĩnh và sau đó là Nhà hát NTTT Hà Tĩnh có thời kỳ rơi vào tình trạng hoạt động mờ nhạt, cầm chừng, thiếu sức sáng tạo. Trăn trở với thực tế đó, lãnh đạo và đội ngũ diễn viên nhà hát đã và đang có nhiều quyết tâm thay đổi.

Sau nhiều nỗ lực, thời gian gần đây, Nhà hát NTTT Hà Tĩnh đã được tin tưởng giao đảm nhận các tiết mục, thậm chí là cả chương trình nghệ thuật quy mô lớn, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng.

Giám đốc Nhà hát NTTT Hà Tĩnh Đặng Duy Hải cho biết: “Nhìn lại những thành tựu trong quá khứ chính là động lực để chúng tôi vượt lên. Trong bối cảnh, những khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết, chúng tôi đã phải trăn trở, tìm hướng đi mới. Đầu tiên chính là những thay đổi trong quan điểm xây dựng các chương trình nghệ thuật, phải đặt quy mô, chất lượng lên hàng đầu. Kế đến là thay đổi trong tư duy làm việc, phải dám nghĩ dám làm và quyết tâm làm”.

Sau 15 năm rơi vào quên lãng, hiện nay nhà hát đã khôi phục được kịch hát dân ca và vở diễn đầu tiên “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” đang được tập luyện để công diễn tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ ngày 29/8 tới.

“Ngoài nguồn lực về tác giả kịch bản, biên đạo múa, diễn viên của nhà hát, trong nhiều chương trình lớn, chúng tôi đã chủ động tìm những tên tuổi uy tín trong ngành biểu diễn để hỗ trợ xây dựng các tiết mục, chương trình. Một số chương trình, chúng tôi cũng đã phải ra tận Hà Nội để chọn thuê trang phục, đạo cụ nhằm tạo sức hấp dẫn” – Giám đốc Nhà hát NTTT Hà Tĩnh cho biết thêm.

Chính nhờ sự thay đổi đó mà thời gian gần đây, Nhà hát NTTT Hà Tĩnh luôn nhận được sự tin tưởng và được giao đảm nhận nhiều chương trình nghệ thuật lớn trong các sự kiện quan trọng của tỉnh. Trong đó, nổi bật như sự kiện: Khai mạc lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh; kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh; khai trương mùa du lịch biển Hà Tĩnh; kỷ niệm 51 năm chiến thắng Đồng Lộc...

Đặc biệt, sau 15 năm rơi vào quên lãng, hiện nay, nhà hát đã khôi phục được kịch hát dân ca và đưa vào biểu diễn. Vừa qua, vở kịch hát dân ca “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” với sự tham gia của NSƯT Duy Hải (thể hiện hình tượng Bác Hồ) và hơn 30 diễn viên, ca sĩ của nhà hát đã được công diễn tại lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ tại TP Hà Tĩnh và sẽ lần lượt biểu diễn ở các địa phương.

Với sự đầu tư về kịch bản, đạo diễn cũng như phục trang, Nhà hát NTTT Hà Tĩnh đã và đang tìm lại được vầng hào quang trên sân khấu biểu diễn, được công chúng đón nhận

Khán giả Trần Thị Hoa (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trước đây, các chương trình, sự kiện lớn ở tỉnh chủ yếu thuê diễn viên, ca sĩ nơi khác về. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong các chương trình nghệ thuật, sự kiện, lễ hội lớn, chúng tôi đã phải ngạc nhiên bởi sự xuất hiện rất chững chạc, rất chuyên nghiệp của các diễn viên, ca sĩ Nhà hát NTTT Hà Tĩnh”.

Với sự đầu tư nghiêm túc về nội dung cũng như hình thức các tiết mục, chương trình nghệ thuật, Nhà hát NTTT Hà Tĩnh ngày càng nhận được nhiều lời mời biểu diễn trong các sự kiện quan trọng của tỉnh cũng như các ngành, địa phương.

Đó là nguồn sinh khí mới, đánh thức niềm đam mê, sự sáng tạo trong đội ngũ nghệ sĩ của nhà hát. Đó cũng chính là cơ sở để Nhà hát NTTT Hà Tĩnh xây dựng ngày càng nhiều chương trình nghệ thuật, nhiều vở kịch hát dân ca hấp dẫn, thu hút sự quan tâm theo dõi của công chúng.

Anh Hoài

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/nha-hat-nghe-thuat-truyen-thong-ha-tinh-va-hanh-trinh-tim-lai-anh-hao-quang/178172.htm