Nhà hát nghệ thuật hát bội chào mừng ngày di sản văn hóa Việt Nam

Chào mừng ngày di sản văn hóa Việt Nam 23.11, Nhà hát nghệ thuật hát bội đã có buổi biểu diễn, chia sẻ về hát bội tại Lăng Ông Bà Chiểu (TP.HCM) với sự tham gia của NSND Đinh Bằng Phi và NSƯT Hữu Danh.

Nhà hát nghệ thuật hát bội biểu diễn tại Lăng Ông Bà Chiểu - Ảnh: Thùy Dương

Hát bội là loại hình nghệ thuật biểu diễn lâu đời tại Việt Nam có khởi điểm từ thế kỷ thứ XIII. Tuy loại hình nghệ thuật này xuất hiện đầu tiên ở miền Bắc nhưng trong quá trình lịch sử diễn tiến đã dần đi xuống phương Nam và từng rất thịnh hành ở nơi đây, được đông đảo quần chúng yêu thích. Theo ghi chép trong các tài liệu lịch sử, hát bội có nguồn gốc liên quan tới loại hình kinh kịch Trung Hoa.

Hát bội của Việt Nam có gì giống và khác kinh kịch Trung Quốc?

Vào năm 1288 nhà Trần đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 đã bắt được một tướng giặc tên là Lý Nguyên Cát. Người này hiểu biết về nghệ thuật hí kịch. Nhà Trần đã tha chết và lệnh cho ông ta phối hợp cùng đoàn ca, vũ, nhạc trong cung để lập ra một đội diễn trò, tiền thân của hát bội ngày nay. Vở đầu tiên Lý Nguyên Cát dạy lại cho đệ tử là Tây vương mẫu hiến bàn đào.

Nhân vật trong vở Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào - Ảnh: Vũ Dương

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, hát bội đã hoàn toàn mang phong cách riêng của người Việt từ âm nhạc tới phục trang. Tuy nhiên vì có giai đoạn lịch sử phong kiến những người viết tuồng không được viết về tích trong nước nên phải mượn tích Trung Quốc. Sau này khi nhà nước để cho người viết được chắp bút viết về sử Việt đã có nhiều tác phẩm ra đời, nói về Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng...

Nhân vật Đào tam xuân - Ảnh: Vũ Dương

Trang điểm là một trong những điểm nhận biết nổi bật của hát bội. Vẽ mặt đỏ là nhân vật thẳng thắn, trí dũng, nghĩa khí, trung liệt. Mặt trắng là nhân vật có diện mạo đẹp, thư sinh, nhu mì, trong sáng. Mặt xanh da trời: nhân vật này chưa biết tốt hay xấu nhưng rất mưu mô, ngông nghênh, xảo quyệt. Mặt vàng và bạc là nhân vật tu hành, thần tiên. Má hồng là nhân vật trung thần... Râu 3 chòm, 5 chòm là nhân vật điềm tĩnh, quý phái. Râu đen, xoắn là người hung dữ. Râu chuột vào lai lanh chanh, hài hước...

Nhân vật Lưu Bị - Ảnh: Vũ Dương

Nhân vật Trương Phi - Ảnh: Vũ Dương

Chào mừng ngày di sản văn hóa Việt Nam 23.11 Nhà hát nghệ thuật hát bội đã có buổi biểu diễn, chia sẻ về loại hình nghệ thuật này tại Lăng Ông Bà Chiểu với sự tham gia của NSND Đinh Bằng Phi và NSƯT Hữu Danh. Buổi biểu diễn gồm 3 trích đoạn: Trần Bình Trọng tuẫn tiết, Lưu Quan Trương, Đào Tam Xuân đề cờ.

Nghệ sĩ ưu tú Hữu Danh chia sẻ sau một thời gian trầm lắng, nghệ thuật hát bội đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những năm vừa qua.

Trích đoạn Trần Bình Trọng tuẫn tiết - Ảnh: Vũ Dương

Thùy Dương

Vũ Dương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nha-hat-nghe-thuat-hat-boi-chao-mung-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-1022017.html