Nhà hát Cải lương Việt Nam mơ có 'nhà' để 'hát'

Gần 70 năm tồn tại và phát triển, Nhà hát Cải lương Việt Nam là nhà hát duy nhất không có rạp để biểu diễn. Trong nỗ lực đưa nghệ thuật Cải lương đến với khán giả, các nghệ sĩ cho rằng, nếu có rạp để biểu diễn, việc bán vé không phải là khó khăn.

Nhà hát hàng đầu về nghệ thuật Cải lương đất Bắc

Trong bối cảnh nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang gặp khó khăn, nghệ thuật Cải lương cũng không ngoại lệ. Khó khăn càng chồng chất khi các vở diễn dàn dựng ra không có rạp biểu diễn, phải đi thuê.

Lại càng hiếm có nhà hát truyền thống nào, đều đặn mỗi năm dàn dựng 2-3 vở diễn mới, đặc biệt, những vở diễn đều để lại ấn tượng trong lòng khán giả yêu nghệ thuật. Có thể kể những vở diễn cách đây cả chục năm vẫn được khán giả hôm nay nhắc đến như Cung phi Điểm Bích, sau đó là các vở Vua Phật, Mai Hắc Đế, Chuyện tình Khau Vai... hay mới đây là các vở Ni sư Hương Tràng, Thầy Ba Đợi…

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật cải lương không diễn được trọn một vở phải xây dựng các chương trình nghệ thuật tổng hợp để có thể hoạt động thì Nhà hát vẫn kiên trì với định hướng xây dựng được những vở diễn dài, có chất lượng và làm sao tạo được đời sống cho các vở diễn bằng những đêm diễn có khán giả tới xem”.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên- Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết thêm: “Năm 2017, vở diễn Ni sư Hương Tràng do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng cũng nhận được sự đánh giá cao của khán giả. Trong suốt mấy đêm diễn, rạp Đại Nam kín ghế, khán giả ngồi tràn cả xuống các bậc thang lên xuống để thưởng thức vở diễn. Điều này, chứng tỏ, Nhà hát đã tạo được thương hiệu, tạo được thói quen thưởng thức cả lương trong một bộ phận khán giả”.

Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm sân khấu Cải lương vừa qua, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mời các nghệ sĩ hai miền Nam, Bắc đã kết hợp dàn dựng vở diễn Thầy Ba Đợi. Vở diễn do Đạo diễn Triệu Trung Kiên- Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam làm đạo diễn. Đặc biệt, vở Cải lương được biểu diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong hai đêm diễn phục vụ nhân dân và các đại biểu Quốc hội đã nhận được những phản hồi tích cực. Điều đó cho thấy các nghệ sĩ đã và đang hợp lực để sân khấu Cải lương sẽ luôn sáng đèn, tạo thói quen thưởng thức Cải lương cho một bộ phận khán giả yêu mến bộ môn nghệ thuật này.

Ước mong có "nhà" để hát

Trong hoàn cảnh khó khăn vẫn say mê sáng tạo và tìm tòi những hướng đi để sáng tạo của mình đến được với đông đảo khán giả hơn, đó là nỗ lực lớn và nhiệt huyết được thắp lên từ tình yêu với nghệ thuật cải lương của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Trong hoàn cảnh khó khăn, Nhà hát Cải lương VN vẫn dàn dựng mỗi năm dàn dựng 2-3 vở diễn.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Chúng tôi có những nghệ sĩ luôn luôn đi tìm kiếm, tìm những cơ hội cho Nhà hát. Kêu gọi tất cả anh em trong Nhà hát có sự nhạy cảm, tiếp tục khai thác các nguồn lực trong xã hội và những công trình nghệ thuật mang tính xã hội hóa. Chúng tôi đang bàn với nhau bắt đầu thử nghiệm xã hội hóa, mặc dù nhìn thấy khó khăn vẫn cứ bắt đầu đưa ra bàn. Ví dụ như tôi và NSND Hoàng Mai bàn nhau liệu ta có thể tạo dựng một sân khấu tại Nhà hát hay không, biểu diễn thường xuyên tuần 1 buổi cho khán giả thấy rằng đang có địa chỉ diễn Cải lương ở Nhà hát".

“Việc biểu diễn của chúng tôi rất khó khăn. Nhà hát Cải lương VN là nhà hát không có rạp. Nhiều năm nay, Ban lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam đã khẩn thiết đề nghị. Tuy nhiên, để xây được trụ sở như vậy rất khó khăn. Chủ trương liên kết đã bàn, một số nhà đầu tư tới tham quan nhưng không đủ tự tin để đi cùng cải lương. 67 năm thành lập vẫn lang thang không nhà. Nếu chúng tôi bán vé bên ngoài chắc chắn sẽ lỗ. Cá nhân nội lực của các nghệ sĩ có tìm được thời hoàng kim của nghệ thuật được hay không?” - Đạo diễn Triệu Trung Kiên tâm sự.

Đạo diễn cũng cho biết, mỗi đêm biểu diễn, như ở rạp Kim Mã, phải mất 30 triệu thuê rạp. Số tiền này nếu để dành cho việc đầu tư trang thiết bị, trang phục, nâng cao đời sống nhân viên thì tốt hơn.

Nghệ sĩ Quang Khải, diễn viên Nhà hát Cải lương, Chủ tịch CLB nghệ thuật Hội nghệ sĩ trẻ Hà Nội, một trong những nghệ sĩ năng động, thường tìm tòi những chương trình để quảng bá nhiều hơn cho nghệ thuật Cải lương chia sẻ: “Nhà hát Cải lương Việt Nam chưa có rạp, mỗi lần thuê rạp biểu diễn rất tốn kém. Nếu chúng tôi có một Nhà hát, chủ động về lịch biểu diễn, chủ động về thành phần, tìm hiểu nhu cầu thẩm mỹ đánh giá được sức hút về kịch bản, tạo ra tác phẩm đáp ứng được mong mỏi của khán giả. Khi các yếu tố cần và đủ thì tôi nghĩ rằng việc bán vé không khó”.

Nghệ sĩ Quang Khải chia sẻ thêm, với một đơn vị nghệ thuật, việc bán vé là thiết yếu. “Năng lực nhà hát, năng lực của nghệ sĩ nhất định phải thông qua hình thức bán vé. Nhà hát Cải lương Việt Nam không có nhà để hát. Thuê rạp của Âu Cơ hết 40 – 50 triệu. Nếu có nhà hát, chúng tôi có 45 triệu đầu tư cho vở diễn, bồi dưỡng thêm cho nghệ sĩ. Như vậy các nghệ sĩ sẽ có động lực hơn để theo đuổi nghệ thuật Cải lương”.

Hoàng Nguyên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-hat-cai-luong-viet-nam-mo-co-%E2%80%9Cnha%E2%80%9D-de-%E2%80%9Chat%E2%80%9D-70067