Nhà hát 1508 tỷ: Lắng nghe ý kiến của dân

HĐND thành phố tiếp tục lắng nghe trên tinh thần cầu thị, tôn trọng lắng nghe ý kiến của cử tri, cân nhắc rồi có báo cáo Thành ủy...

Liên quan tới việc xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), nhiều cử tri TP.HCM cho rằng cần phải lấy ý kiến của dân, phải được sự đồng tình của người dân.

Khu vực Thủ Thiêm - nơi dự định đặt nhà hát 1.508 tỷ.

Cụ thể, tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 12/10, cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) đề nghị đối với các vấn đề lớn của thành phố thì cần tham khảo ý kiến của người dân, điển hình như việc xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trị giá 1.508 tỷ đồng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

"Dự án phải vì lợi ích của người dân và nhận được sự đồng thuận của người dân. Đồng thời cũng phải xem việc xây dựng nhà hát vào thời điểm này liệu có phù hợp?", cử tri quận 3 đặt câu hỏi.

Trả lời ý kiến của cử tri, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, việc xây dựng nhà hát trên tinh thần cầu thị lắng nghe ý kiến, tiếng nói của các cử tri, bộ, ban ngành.

"Cử tri cho rằng hiện nay thành phố còn nhiều vấn đề cấp bách cần đầu tư nên cân nhắc ưu tiên xây nhà hát vào thời điểm này hay lúc khác?

Tôi nghĩ rằng HĐND thành phố tiếp tục lắng nghe trên tinh thần cầu thị, tôn trọng lắng nghe ý kiến của cử tri, cân nhắc rồi có báo cáo Thành ủy”, ông Khuê nói.

Trước đó, nói về dự án này, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: "Đáng lẽ với những dự án này phải xin ý kiến Thủ tướng nhưng nghị quyết đã giao quyền này về cho HĐND TP được quyết. Trong các dự án nhóm A trên 1.000 tỉ đồng vừa rồi cũng đã được thông qua, trong đó có dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà hát giao hưởng".

Nhà hát 1508 tỷ: Nghe nhạc tương xứng phát triển kinh tế?

Theo ông Phong, dự án nhà hát đã có từ lâu, qua mấy lần nghị quyết chứ không phải bây giờ mới nói tới.

Ông Phong cho rằng, TP. HCM từ lâu đã phát triển giao thông, trường học, bệnh viện còn văn hóa chưa phát triển tương xứng với thành phố. Việc xây dựng nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác là hoàn toàn khác nhau.

"Không phải vì đầu tư nhà hát mà thành phải dừng lại các công việc cấp bách nói trên. Trước giờ thành vẫn đang nỗ lực để đầu tư, cải thiện các vấn đề mà một đô thị lớn như TP.HCM đang phải đối diện như kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện... nên nếu so sánh như vậy là thiếu khách quan" - ông Phong nói.

Tuy nhiên, giải thích của lãnh đạo TP.HCM không thuận lời với nhiều ĐBQH. Theo đó, họ cho rằng xây nhà hát vào thời điểm này là không phù hợp.

An An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nha-hat-1508-ty-lang-nghe-y-kien-cua-dan-3367183/