Nhà hàng, quán bar chủ là người nước ngoài ở Thảo Điền

Thảo Điền được mệnh danh là 'khu phố Tây' không chỉ vì là nơi sinh sống của nhiều người nước ngoài mà còn do số lượng hàng quán do chủ là người Anh, Italy hay Nhật, Hàn mở ra.

 Thảo Điền luôn là khu vực nhộn nhịp tại Sài Gòn khi tập trung nhiều quán xá, nhà hàng và nhiều loại hình vui chơi mới. Các doanh nghiệp F&B ở khu vực này có chủ đến từ Anh, Italy, Pháp, Đức hoặc Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo ra một bức tranh hàng quán đa dạng và sôi động.

Thảo Điền luôn là khu vực nhộn nhịp tại Sài Gòn khi tập trung nhiều quán xá, nhà hàng và nhiều loại hình vui chơi mới. Các doanh nghiệp F&B ở khu vực này có chủ đến từ Anh, Italy, Pháp, Đức hoặc Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, tạo ra một bức tranh hàng quán đa dạng và sôi động.

Mekong Merchant Saigon có mặt ở số 23 Thảo Điền từ năm 2005, là một trong những nhà hàng đầu tiên tại Thảo Điền. Adele (người Italy), quản lý, cho biết thời gian đầu mới khai trương, nơi này là một tiệm bán đồ nội thất, sau đó quán cà phê được ra đời với 3 chiếc bàn nhỏ để phục vụ bữa sáng cuối tuần. Cùng với sự phát triển của Thảo Điền, cửa hàng nhỏ cũng mở rộng quy mô về không gian và mô hình hoạt động thành nhà hàng như hiện tại.

Sau đại dịch, Adele cảm nhận tệp khách có sự thay đổi rõ rệt. Khách hàng trẻ hơn, những khách quen là người nước ngoài sinh sống lâu năm ở Sài Gòn giảm đi. Song, nhà hàng vẫn duy trì được một lượng nhỏ khách quen. Họ thường trở lại Việt Nam vào kỳ nghỉ và ghé qua đây để dùng bữa.

Ngoài ra, từ khi bổ sung dịch vụ giao hàng trực tuyến, nhu cầu order đồ ăn về nhà tăng lên. Tuy nhiên, sức chi của khách hàng và chi phí nhập nguyên liệu từ nước ngoài cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Theo Adele đánh giá, đó là khó khăn chung của ngành F&B và đặc biệt với những cơ sở ăn uống phục vụ món Tây. “Thế nhưng, tình hình đang dần tốt hơn mỗi ngày. Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của tệp khách Gen Z khá cao”, nữ quản lý chia sẻ.

Alexandra (24 tuổi, người Italy) làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng ở Thảo Điền. Vốn yêu thích du lịch và trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau, Alexandra quyết định ở lại Sài Gòn một thời gian dài. “Tôi thích quan sát các quốc gia có lối sống khác với châu Âu. Thời gian làm việc fulltime ở đây giúp tôi hiểu thêm về Việt Nam”, cô gái bày tỏ.

Bên cạnh những quán tọa lạc tại vị trí đắc địa, mặt tiền lớn, nhiều nơi chọn hẻm nhỏ hoặc cung đường ít người biết hơn để kinh doanh. Luia, tiệm cà phê theo phong cách tối giản trên đường Ngô Quang Huy, là một trong số đó. Anh Jack Kim (người Hàn Quốc, sinh năm 1985), chủ quán, mở chi nhánh này vào cuối tháng 1/2023.

Khác với các chi nhánh còn lại, khách hàng chủ yếu của quán là người ngoại quốc, tập trung vào lối sống lành mạnh. Vì thế, thực đơn ở đây cũng thay đổi để phù hợp với khẩu vị của họ, ví dụ đồ uống ít kem béo và nhạt hơn, bổ sung các món brunch.

“Mọi người hay đến Xuân Thủy và Thảo Điền nhưng bỏ qua một nơi cũng khá mát là Ngô Quang Huy. Khi đi khảo sát, chúng tôi rất thích khu này, may mắn còn chỗ trống nên quyết định thuê luôn”, anh Kim nói thêm.

Anh Ben Turner (41 tuổi, người Anh), chủ sportbar The Local Saigon, thừa nhận việc nhiều quán đa quốc gia, đa văn hóa mọc lên trong cùng khu vực khiến việc kinh doanh cạnh tranh hơn. Sau gần 10 năm sống ở Việt Nam, anh mở quán bar đầu tiên ở hẻm 28 Thảo Điền vào tháng 10/2022.

Turner cho hay lý do anh chọn mặt bằng sâu trong một con hẻm là vì có khu vườn rộng rãi, đối diện sân đá bóng và sát bên có sàn boxing. Các yếu tố này rất thích hợp để thu hút nhóm khách gia đình và những người yêu thể thao.

Bên cạnh những điểm lợi khi kinh doanh tại Thảo Điền, phần lớn quản lý và chủ sở hữu người nước ngoài đều gặp khó khăn trong khâu tuyển nhân sự, cũng như tìm hiểu về luật, thuế. Ngoài ra, khi Covid-19 khiến nhiều hàng quán bị mất đi lượng khách quen, cộng với sự cạnh tranh hiện có, họ phải tìm cách thu hút hiệu quả hơn.

Phương Lâm - Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-hang-quan-bar-chu-la-nguoi-nuoc-ngoai-o-thao-dien-post1420631.html