Nhà giáo ưu tú – Nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan: Dành trọn tâm huyết cho cây đàn tranh

Hơn 60 năm gắn bó cùng với âm nhạc dân tộc - cây đàn tranh, Nhà giáo ưu tú – Nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan đã đưa đam mê và tài năng của mình vào trong từng bài giảng, từng câu hát tiếng đàn đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Tiếp nối hành trang truyền lửa cho thế hệ mai sau bà còn là tác giả của nhiều cuốn sách viết về đàn tranh.

Nhà giáo ưu tú uơm mầm, lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc đến nhiều thế hệ

Nhà giáo ưu tú – Nhạc sĩ (NS) Phạm Thúy Hoan đã dành cả cuộc đời gắn bó với cây đàn tranh, bằng tình yêu và đam mê với nhạc cụ dân tộc bà đã đưa những thanh âm của tiếng đàn tranh trong trẻo, réo rắt tới nhiều đất nước trên thế giới.

Sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu sự nghiệp giảng dạy bộ môn đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM), là một người đặt nhiều tâm huyết, mong muốn đưa tiếng đàn bay xa cũng như tạo ra một không gian cho những người yêu âm nhạc dân tộc có cơ hội được giao lưu, học hỏi nên vào năm 1981 Nhà giáo ưu tú - NS Phạm Thúy Hoan đã thành lập câu lạc bộ (CLB) Tiếng hát Quê hương.

Như thường lệ vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, tiếng đàn tranh lại được cất lên; thành viên trong CLB rất đa dạng từ học sinh cấp 1, sinh viên, người trung niên, lớn tuổi,… đến đây để học hỏi, giao lưu cũng như thỏa ước mong đam mê với bộ môn này. Chị Võ Thị Kim Oanh, 41 tuổi – người đã có “thâm niên” tham gia CLB hơn 10 năm chia sẻ: “Chị biết tới CLB thông qua một người bạn giới thiệu, chị học đàn tranh không hướng đến chuyên nghiệp mà xuất phát từ sự yêu thích âm thanh của cây đàn này nên việc học và luyện tập đàn cũng không quá khó”.

Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương thu hút nhiều người yêu âm nhạc từ nhiều độ tuổi

Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương thu hút nhiều người yêu âm nhạc từ nhiều độ tuổi

Trải qua 40 năm hoạt động, lớp học đã ươm mầm và chắp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc với nhiều cái tên thành danh trong và ngoài nước trên con đường nghệ thuật như: NSƯT Hải Phượng, nghệ sĩ Uyên Trâm, nghệ sĩ Hải Yến,.. “Độ tuổi của các học viên trong câu lạc bộ rất đa dạng nhưng điều này lại là cơ hội giúp cho cô có thêm kinh nghiệm để giảng dạy tốt hơn, bởi âm nhạc là từ nghệ thuật nên thành ra cách hướng dẫn, truyền tải kiến thức không thể đồng đều, giống nhau được”, NS Phạm Thúy Hoan bộc bạch.

Thành quả tuyệt vời nhất của Nhà giáo ưu tú - NS Phạm Thúy Hoan không chỉ lưu giữ và phát triển nhạc cụ dân tộc mà còn lan tỏa tinh thần yêu âm nhạc đến với thế hệ trẻ ngày nay: “Cô nhìn thấy các bạn trẻ tham gia lớp học là điều cô vui mừng nhất, đây vẫn là thế hệ mà cô trông mong để làm sao cùng với cô tiếp sức trong hành trình lưu giữ, phát triển bộ môn truyền thống của dân tộc. Đặc biệt trong thời gian gần đây CLB có thêm nhiều các bạn trai đăng ký tham gia lớp học, các bạn không những học mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhau nên cô rất vui và tự hào”.

Gìn giữ, quảng bá tiếng đàn tranh của dân tộc

Từ khi thành lập CLB cho đến nay, NGƯT – NS Phạm Thúy Hoan vẫn cố gắng duy trì tổ chức chương trình Liên hoan “Em yêu đàn tranh”, tạo sân chơi cho các em nhỏ để giao lưu, học hỏi; đồng thời còn phối hợp với một số trường học các cấp trong thành phố đến trình diễn để kết nối, truyền ngọn lửa tình yêu âm nhạc dân tộc tới các thế hệ tương lai của đất nước. Một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB em Trương Phan Bảo Nghi, 11 tuổi chia sẻ: “Em rất yêu thích nhạc cụ dân tộc nên ngay từ học kỳ cuối năm lớp 2 em đã chọn và đăng ký học bộ môn đàn tranh. Trong quãng thời gian học thì em cảm thấy không khó lắm, mỗi lần học và ôn tập các bài hát em đều rất thích nhất là khi được cô hướng dẫn tỉ mỉ cách đàn cho em”.

Dù đã về hưu nhưng tình yêu dành cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam của NGƯT – NS Phạm Thúy Hoan ngày càng mãnh liệt. Bên cạnh công việc giảng dạy cô còn tích cực cống hiến, hăng say tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và viết sách cho đàn tranh, điều đó được bảo chứng qua nhiều tác phẩm như: Dân ca soạn cho đàn tranh (Tập I, II, III), Ca khúc soạn cho đàn tranh (tập I, II, III, IV), tiểu phẩm đàn tranh,… và cô cũng sáng tác nhiều nhạc phẩm cho đàn tranh độc tấu như: Tình ca xứ Huế, biến tấu Lý chim quyên, biến tấu Qua cầu gió bay, Mùa thu quê hương,… phổ biến rộng rãi trong giới biểu diễn đàn tranh. Hiện cô vẫn đang miệt mài viết cuốn “Tìm hiểu đàn tranh”, theo những mong muốn của các em cũng như qua bao nhiêu năm kinh nghiệm giảng dạy đều được cô gửi gắm vào những trang viết trong tập sách này; bên cạnh đó cô còn sáng tác các bài hát cho các em nhỏ trong cuốn “Đàn tranh hòa điệu”.

Với những cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, Nhà giáo ưu tú - NS Phạm Thúy Hoan đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1994, huy chương Vì sự nghiệp giáo dục năm 1995 và cô hiện vẫn đang ngày ngày dùng tài năng và tâm huyết của mình đóng góp cho việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa của âm nhạc dân tộc được bay cao, bay xa hơn.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/nha-giao-uu-tu-nhac-si-pham-thuy-hoan-danh-tron-tam-huyet-cho-cay-dan-tranh-18729/