Nhà giáo trẻ phát huy sáng tạo bằng những trải nghiệm thực tế

Họ đều là những nhà giáo tuổi đời còn trẻ, tràn đầy nhiệt huyết trong cuộc sống. Và đặc biệt sự gắn bó tâm huyết với nghề chính là những động lực để các cô say mê nghiên cứu khoa học và truyền tình yêu này tới các thế hệ học sinh của mình.

Nhà giáo Nguyễn Thị Phương Lan giáo viên trường THPT Việt Đức (Hà Nội): Tôi muốn truyền ngọn lửa tình yêu khoa học đến tới các em học sinh

Trao đổi về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Thị Phương Lan giáo viên trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động không thể thiếu trong trường phổ thông. Đây là một hoạt động giúp các em áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, học đi đôi với hành; đồng thời là cách tiếp cận, làm quen với phương pháp, kỹ năng NCKH, rèn luyện cách làm việc tự lực, làm việc nhóm và phát huy tính tích cực, chủ động, hứng thú trong học tập và sinh hoạt.

Từ đó, nhằm phát hiện các tài năng, là cơ sở xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Chính vì vậy, với cương vị là giáo viên giảng dạy bộ môn Hóa học tôi luôn trăn trở làm sao để các em có hứng thú, say mê với môn học cũng như tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học nhỏ.

Phát huy truyền thống năng động, hiếu học của trường THPT Việt Đức, trong năm học 2016-2017, cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan đã động viên học sinh của mình thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học nhằm tạo môi trường sinh hoạt, giao lưu cho các học sinh yêu khoa học.

Từ tháng 5/2016, cô đã hướng dẫn học sinh Đinh Hoàng Trang Nhung thực hiện nghiên cứu Đề tài “Vi tảo Scenedesmus obliquus năng lượng xanh cho tương lai”. Mục tiêu của đề tài là phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đây cũng là một đề tài có cơ sơ sở lí thuyết là những kiến thức các con được học trong chương trình THPT như tảo, chất béo, hidrocacbon… và các con có thể tự nghiên cứu và giải quyết các vấn đề đặt ra dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Nhà giáo Nguyễn Thị Phương Lan cho biết: Sự đổi mới và sáng tạo của đề tài đó là: “Lần đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu tách chiết dầu từ vi tảo Scenedesmucs obliquus. Sử dụng enzyme lipase thô trong chuyển hóa ester từ dầu tảo đạt hiệu suất thu hồi biodiesel 88,5% - chúng là những tác nhân thay thế “xanh” cho các xúc tác hóa học trong quá trình sản xuất biodiesel công nghiệp.

Nghiên cứu khám phá phát triển nhiên liệu sinh học nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai từ vi tảo nước ngọt tiềm năng Scenedesmus obliquus và enzym lipase tạo quy trình sản xuất biodiesel hiệu quả và “xanh” hơn.”

Trong quá trình thực hiện đề tài, do cơ sở vật chất của phòng thí nghiệm trong trường còn đơn giản, lượng hóa chất hạn chế, nên nhóm nghiên cứu phải liên hệ với các phòng thực nghiệm tại các viện nghiên cứu để thực hiện các thí nghiệm. Hơn nữa, trong quá trình nghiên cứu, có những thí nghiệm ko thành công, phải làm lại rất nhiều lần.

Dưới áp lực lớn của thời gian và kết quả cần có trước mỗi lần báo cáo, cô và trò đã phải cố gắng, nỗ lực và động viên nhau rất nhiều. Hơn nữa bản thân mình rất đam mê nghiên cứu và từng đạt nhiều giải thưởng, vì thế cô muốn truyền ngọn lửa đam mê đó tới học sinh của mình.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên giảng dạy môn Sinh hóa, Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội): Làm việc không chỉ bằng khối óc mà phải bằng cả con tim.

Là giáo viên của trường THPT Hoàng Cầu, một mô hình trường công lập tự chủ về tài chính, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, điểm đầu vào của học sinh thấp, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy cả thầy và trò càng phải nỗ lực rất nhiều.

Chính vì vậy, bản thân nhà giáo Nguyễn Thị Hiền luôn tâm niệm: “Mình phải thay đổi mình trước khi muốn người khác thay đổi” và “Làm việc không chỉ bằng khối óc mà phải bằng cả con tim”. Cô tâm sự: “Với vai trò là giáo viên giảng dạy môn Hóa học, điều mà tôi thấy cần phải thay đổi đầu tiên đó là sự đổi mới trong các tiết học.

Ðể những giờ học không còn khô cứng, buồn tẻ, đơn điệu, trước mỗi giờ lên lớp tôi luôn chủ động tâm thế “đạo diễn”, ý tưởng thiết kế bài dạy, xây dựng tổ chức thực hành trải nghiệm, vận dụng các phương pháp mới phù hợp, định hướng nhóm học sinh theo năng lực, đưa nhiều kiến thức thực tiễn vào giảng dạy... Vì vậy, các giờ học hóa và các môn học tự nhiên khác đã dần thu hút các em học sinh.”

Tuy nhiên, cô cũng nhận thấy bản thân mình cần phải thay đổi hơn nữa phương pháp dạy học; không để các em chỉ biết kiến thức trong sách giáo khoa mà phải làm sao để các em biết vận dụng các kiến thức đã học được giải quyết các tình huống trong thực tế từ đó nhận thức được ý nghĩa của môn học với đời sống.

Cô đã chủ động xây dựng kế hoạch kết hợp phương pháp thí nghiệm trên lớp và phương pháp trải nghiệm bằng kinh phí do chính bản thân mình bỏ ra. Bắt đầu từ năm học 2014 - 2015 cô đã cho học sinh đi trải nghiệm thực tế: thực tế việc ô nhiễm môi trường ở Hà Nội; đi trồng rau, bón phân hữu cơ, phân hóa học; thực tế dây chuyền sản xuất phân đạm Hà Bắc...

Trong những chuyến trải nghiệm thực tế đó cô Nguyễn Thị Hiền đã xây dựng đươc nhiều chủ đề dạy học, còn học sinh thì giải quyết được nhiều tình huống thực tiễn. Kết quả của những chuyến đi đó là năm học 2014 - 2015 học sinh của cô đạt giải Nhất Quốc gia cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn” với đề tài “Xử lý rác thải ở Hà Nội” còn cô cũng đạt giải khuyến khích cấp thành phố cuộc thi dạy học theo chủ đề.

Thành tích nhỏ này đã đánh dấu mốc son khẳng định chất lượng giáo dục của nhà trường. Sau khi có kết quả được minh chứng bằng thực nghiệm thì cô bắt đầu nhận được sự quan tâm, ủng hộ, động viên của Ban giám hiệu và tổ chuyên môn và đặc biệt hơn nữa cô đã khơi nguồn, truyền cảm hứng, tâm huyết, cho các thầy cô trong trường và cho các em học sinh.

Năm học 2015 - 2016 số lượng giáo viên và học sinh tham gia cuộc thi dạy học theo chủ đề và “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn” nhiều hơn và cũng mang lại nhiều thành tích. Với những nỗ lực đổi mới, trong giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Hiền đã truyền tới học sinh của mình tinh thần tự học sáng tạo.

“Việc khơi gợi kiến thức, hướng dẫn, định hướng học sinh các phương pháp tìm tòi tri thức mới đã giúp các em phát huy tối đa khả năng chủ động, sáng tạo. Khi học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, các em sẽ học được phương pháp làm việc khoa học, phương pháp tự học, tự tìm kiếm tri thức thông qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau...

Khi đó, các em sẽ bước vào học tập với một tinh thần mới, một ý thức học tập mới. Với sự nỗ lực của cô và trò, sự giúp đỡ của BGH, đồng nghiệp và gia đình học sinh, đề tài đã đạt giải Nhì thành phố và giải Ba quốc gia lĩnh vực Năng lượng hóa học.” (Cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nha-giao-tre-phat-huy-sang-tao-bang-nhung-trai-nghiem-thuc-te-3909928-b.html