Nhà giáo Thủ đô nâng tầm tâm, trí

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không chỉ là dịp để ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính 'tôn sư trọng đạo' mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học.

Xác định rõ tầm quan trọng của giáo dục, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát huy tiềm lực, trí tuệ, sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam, quan tâm đến phát triển sự nghiệp giái dục và đào tạo (GDĐT), thực sự coi “ giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Trong đó, “giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục; giáo viên phải có đủ đức, tài và được xã hội tôn vinh”.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Chử Xuân Dũng, dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Xã hội luôn dành cho người thầy, nghề thầy giáo sự tôn kính, quý trọng. Nghề dạy học thường được nhắc đến là một trong những nghề cao quý. Ngành GD&ĐT và mỗi nhà giáo Việt Nam chúng ta đã và đang góp phần tạo dựng nên những truyền thống tốt đẹp. Nhiệm vụ cao cả của người thầy giáo là phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa của nhân loại và của dân tộc mình, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 2.

Những đặc điểm này đã làm cho nghề dạy học trở thành nghề cao quý và được xã hội tôn trọng, góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam qua các thời đại, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “… giáo dục là nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất, góp phần làm nên không chỉ sự nghiệp của một con người mà còn là động lực làm nên lịch sử của một dân tộc.

Năm học 2017 – 2018 kết thúc vào đúng thời điểm Hà Nội kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội và chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, cũng là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày 16/11, LĐLĐ Thành phố long trọng tổ chức gặp mặt gần 100 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đại diện cho các ngành học, cấp học; các nhà giáo làm công tác quản lý, là cán bộ Công đoàn trên địa bàn Thủ đô. Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho các nhà trường và các thầy cô giáo vừa phải xây dựng nền giáo dục Thủ đô đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, vừa phải đổi mới phương thức quản lý, nội dung, phương pháp giảng dạy sao cho mô hình giáo dục các trường ở Thủ đô xứng đáng là mô hình mẫu mực cho các trường thuộc các bậc học, cấp học trong cả nước. Cũng trong dịp này Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến thay mặt CNVCLĐ Thủ đô tới Sở GD-ĐT Hà Nội và Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Để đạt mục tiêu đề ra và giữ vững vị thế “đầu tàu” về giáo dục, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, UBND quận/huyện/thị xã và sự đồng thuận của nhân dân còn có sự nỗ lực không nhỏ của các các thầy cô giáo.

Năm học vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, mạng lưới trường, lớp của ngành GDĐT được mở rộng và không ngừng phát triển với quy mô dẫn đầu cả nước. Hiện tại, Hà Nội có 2.689 trường với gần 2 triệu học sinh và 140.000 cán bộ giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 52%, trong đó công lập là 62%.

Tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn là 78%.Thời gian tới đây, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, theo Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, toàn ngành nói chung và mỗi nhà giáo nói riêng cần quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt các nội dung kế hoạch trọng tâm của ngành và các nhiệm vụ của thành phố giao. Đồng thời, coi trọng chất lượng dạy, học và chú trọng đổi mới trong công tác quản lý.

Kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, ở Hà Nội, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được tổ chức để tri ân các thầy cô giáo. Theo đó, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Ban Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội và Thường trực Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã thăm, chúc mừng và tặng quà Anh hùng Lao động Phi Vân Khanh – nguyên Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Chim Non (quận Hai Bà Trưng) và Nhà giáo Nhân dân Vũ Hữu Bình – Nguyên Bí thư Chi bộ Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Tại buổi gặp mặt, các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và công đoàn ngành đã gửi lời cảm ơn, tri ân những đóng góp to lớn của các nhà giáo lão thành đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô.

Bên cạnh đó, nhằm chia sẻ khó khăn với các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nan y, hiểm nghèo; Ban lãnh đạo Sở GDĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ giáo viên, nhân viên trong toàn ngành. Theo đó, ngành GD&ĐT Hà Nội đã trợ cấp cho 162 cán bộ giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt khó khăn, với các mức hỗ trợ từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với tổng số tiền hỗ trợ 389 triệu đồng.

Đặc biệt, Ban lãnh đạo Sở GDĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cũng đã tổ chức 4 đoàn trực tiếp tới thăm hỏi và tặng quà, động viên 4 nhà giáo mắc bệnh nan y, hiểm nghèo. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” nhằm chia sẻ với các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, động viên các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp xây dựng ngành GD&ĐT Thủ đô ngày càng vững mạnh.

Ngoài ra, nhằm tôn vinh các nhà giáo, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Thủ đô, vừa qua LĐLĐ TP Hà Nội cũng đã long trọng tổ chức gặp mặt gần 100 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đại diện cho các ngành học, cấp học; các nhà giáo làm công tác quản lý, là cán bộ công đoàn trên địa bàn.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã ghi nhận, biểu dương, chúc mừng thành quả từ những cố gắng nỗ lực của các thầy cô giáo tiêu biểu, đồng thời khẳng định: Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế- chính trị-văn hóa- xã hội- an ninh quốc phòng, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo thuộc các ngành học, cấp học ở Thủ đô.

Tại nhiều quận/huyện/thị xã như: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Tây Hồ… Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Gia Lâm… cũng đã tổ chức các lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương, khen thưởng điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm 2018. “Mỗi cán bộ, giáo viên cần phải học tập, phấn đấu thường xuyên để vượt qua chính mình trong mọi hoàn cảnh, để cống hiến hơn nữa cho phát triển của sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô.

Tôi hy vọng và mong muốn toàn thể đội ngũ nhà giáo hãy phát huy phẩm chất tốt đẹp, luôn nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng của người thầy, cùng quyết tâm, thống nhất hành động để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuy nặng nề nhưng không kém phần vinh quang, để xứng đáng với vinh dự, với sự nghiệp vẻ vang của mình” – Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nha-giao-thu-do-nang-tam-tam-tri-83197.html