Nhà giáo nhân dân

Mặt trời chợt tắt lịm phía sau khu rừng già. Đêm ập đến giống như đã chờ chực sẵn. Làng Đắk Ốc trong tầm mắt, nhưng chúng tôi phải dò dẫm hơn cả giờ đồng hồ mới về đến nơi.

Chợt nghe tiếng hú vang dội phía đầu suối. Đèn pin quét le lói như tia chớp của cơn giông cuối giờ chiều nay. Tiếng ai đó hét từ bên kia suối vọng sang: “Cứ bám chặt vào cây rù rì, nước sẽ rút nhanh thôi. Người trên bờ đừng cố bươn ra, sẽ chết chùm đấy”. Cả đồn biên phòng chết lặng, đành đứng chờ lũ rút vì bất lực trong đêm đen. Hai chiến sĩ của họ đang mắc kẹt giữa dòng.

Lũ đầu nguồn như trút ống, bất chợt dâng nhanh, nhưng rồi cũng sớm rút cạn. Hai cậu lính trẻ thoát nạn, mặt cười tươi dù đang bước ra từ bờ vực sinh tử. Điện ở đồn bừng sáng, hắt bóng xa đến nửa đồng ruộng bậc thang. Ở đây, đồn biên phòng cũng là trường của các thầy cô cắm bản.

Chúng tôi hối hả về vì có cuộc hẹn giao lưu với họ, tìm hiểu để viết bài về ông giáo già B’lấp Dứ vừa được phong tặng Nhà giáo Nhân dân. Mâm thịt rượu anh em đồn biên phòng chuẩn bị cả buổi chiều đã bày sẵn, giờ phải mang ra hâm nóng lại.

Đồn trưởng giải thích, đồn anh thắp điện bằng tua bin nước tự chế. Mỗi khi có mưa chiều, lũ ống, rều rác quấn kẹt “tổ máy” là phải thắp đèn dầu. Hôm nay vì có nhà báo từ xuôi lên, nên anh em cố ra suối để gỡ rác, không ngờ lũ nhanh quá… Tôi điếng người bởi cái lý do khiến các anh suýt mất mạng là vì mình.

Tiếng hét, hướng dẫn cứu người đầu hôm hóa ra là của già B’Lấp Dứ. Ông B’Lấp Dứ vốn là dân quân du kích, vì tham gia cách mạng sớm nên giỏi tiếng Kinh. Là người Tà Riềng, lấy vợ Cơ Tu, nên ông thông thạo đến 3 thứ tiếng. Từ thông dịch cho cán bộ, ông dần thành giáo viên đứng lớp.

Ông dạy tiếng Cơ Tu cho người Tà Riềng, dạy tiếng Tà Riềng cho người Cơ Tu, rồi dạy cả hai thứ tiếng đó cho bộ đội biên phòng. Vừa dạy chữ, vừa giúp bộ đội dạy dân trồng lúa nước, nuôi bò… Thầy B’Lấp Dứ được phong Nhà giáo Nhân dân sau mấy chục năm đi dạy.

Bữa rượu hôm ấy chúng tôi đều say quên cả trời đất. Nhưng sự thơm thảo, hiếu khách của quân dân vùng biên viễn thì không thể mờ phai.

Hơn mười năm tôi trở lại, làng Đắk Ốc quanh năm như ngái ngủ trong sương mờ đã khác rất nhiều. Ngói đỏ xen lẫn những mái tôn nổi bật giữa rừng chiều. Cầu lớn đã nối đường qua biên giới, con suối dữ suýt nuốt hai anh lính trẻ năm ấy, chừ trơ đáy giữa mùa cạn. Trường không còn thầy B’Lấp Dứ nữa, nhưng bất ngờ tôi gặp chính thầy giáo cũ của mình - thầy Tâm, vẫn bộ vét màu cỏ úa và cái cặp đen như thời bao cấp.

Sau ngày giải phóng, ở quê tôi, người có trình độ lớp 9 như thầy rất hiếm. Bởi vậy, chỉ sau 3 tháng đi học nghiệp vụ sư phạm, thầy trở lại làng đi dạy lớp 9 ở nhà họp hợp tác xã. Rồi trường trung học cơ sở được xây mới. Giáo viên không đủ bằng cấp như thầy bị đẩy về phân hiệu xa hơn. Đó là lúc chúng tôi được học thầy.

Nhiều năm sau đó, miền núi vẫn thiếu giáo viên nên thầy không có thời gian để bổ túc bằng cấp. Bao lứa học trò lớn khôn, bỏ làng ra phố, nhiều đứa thành đạt xứ người. Riêng thầy vẫn dạy lớp 9 ở quê nhà. Rồi thế sự xoay vần, giáo viên ngày càng thừa. Nhờ có nhiều năm cống hiến, nên thầy Tâm không bị mất việc, đổi lại thầy phải đi tận chốn xa xôi này.

Mừng gặp lại thầy Tâm, mà miệng tôi cười như mếu bởi thương ông giáo già suốt đời lận đận. Thầy chả khác nào Nhà giáo Nhân dân B’Lấp Dứ khi xưa. Bữa cơm tối có thêm các món đặc sản miền núi và cá tươi. Thầy khoe với tôi là thành quả của hai cậu giáo viên trẻ mới thả lưới dưới suối chiều nay. Tôi giật thót người, dẫu không có cơn mưa nguồn bất chợt như năm nào.

THANH HẢI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/nha-giao-nhan-dan-574347.ldo