Nhà giáo Nguyễn Lân Dũng chắp cánh ước mơ cho cậu học sinh kém may mắn

Dành cả tuổi thơ để chữa bệnh, dù chân tay bị liệt, em Nguyễn Văn Trức luôn nỗ lực tự mình chắp bút cho ước mơ trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin.

Sau khi nghe nhà giáo Nguyễn Lân Dũng thuyết trình trong cuộc hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, em Nguyễn Văn Trức càng thêm củng cố quyết tâm và tin tưởng sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn.

Từng ngày chắp bút cho ước mơ của chính mình

Lạc quan, thông minh và hóm hỉnh, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về Nguyễn Văn Trức, học sinh lớp 10G là một trong những cậu học trò đặc biệt nhất của Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp Việt Trì (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Bị động kinh từ năm 2 tuổi, sau nhiều lần chữa chạy, tưởng chừng như cuộc sống của Trức sẽ được trở lại như bình thường thì đến năm 5 tuổi một lần bị ngã đã khiến bệnh tình của em ngày càng nặng hơn.

Trải qua nhiều ca phẫu thuật trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, hàng trăm vết sẹo chằng chịt đã hiện lên cơ thể Trức nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Thậm chí, Trức bị bệnh viện trả về, chân tay em đã hoàn toàn bị liệt.

Tuy nhiên, nhờ gia đình kiên trì tìm thuốc, cộng với ý trí và nghị lực của mình, bệnh tình của Trức đã thuyên giảm ít nhiều.

Trải qua nhiều cố gắng, chân tay Thức đã có thể cử động được một phần và ngồi được xe lăn, nhưng cuộc sống của em vẫn chỉ quanh quẩn trong căn nhà nhỏ.

Nhiều lúc phải nằm im một chỗ nhưng Trức vẫn khát khao được đến trường, mơ một ngày được tung tăng vui đùa cùng chúng bạn.

Nhiều người trong gia đình đã từng ái ngại cho cuộc sống của cậu bé, lo rằng Trức có theo kịp chúng bạn hay không nếu đi học? Nhưng rồi sự khao khát ấy đã mang đến cho Trức nghị lực phi thường để từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên trong lớp học hòa nhập mong một ngày được học cùng chúng bạn bình thường.

Nguyễn Văn Trức đang ngày ngày chắp bút viết lên ước mơ cho chính mình. Ảnh: Lại Cường.

Sau 2 năm học hòa nhập, Trức đã được đến cùng chúng bạn trong các lớp học bình thường. Cuộc sống mới mở ra với Trức khi em được đến trường tiểu học.

Do bị liệt hết các ngón tay nên Trức không thể tự cầm bút, cậu bé đã quyết tâm bằng cách chập hai tay kẹp lấy cái bút và bắt đầu nguệch ngoạc những nét chữ đầu tiên.

Các khớp ngón tay bị liệt, khó khăn trong việc đưa nét chữ đã không ít lần khiến Trức rơi nước mắt. Nhưng Trức vẫn luôn cố gắng, vẫn luôn khao khát rằng một ngày nào đó em sẽ biết viết.

Trải qua nhiều cố gắng, Trức đã tự mình viết được hoàn chỉnh những con chữ đầu tiên trong niềm hạnh phúc của cả gia đình.

Trên đôi tay bé nhỏ của Trức bây giờ vẫn còn đó những vết chai sạn dày lên theo ngày tháng mà em tập viết.

Nuôi ước mơ công nghệ thông tin

Tuy cuộc sống có khác biệt so với chúng bạn nhưng Trức vẫn luôn yêu đời, vươn lên từng ngày hòa đồng cùng tập thể.

Trức vô cùng ham học, dù nắng hay mưa, ngay cả trong lúc ốm đau Trức vẫn mong mình được đến lớp.

Vượt qua khó khăn trong cuộc sống, trong sinh hoạt , Trức liên tiếp đạt được những thành tích cao học tập. Ngoại trừ năm học lớp 6 đạt số điểm cận giỏi, trong 3 năm học lớp 7,8,9 Trức liên tục đạt được danh hiệu học sinh giỏi.

Nhờ thành tích này, Chức được tuyển thẳng vào trường Trung học phổ thông Công Nghiệp Việt Trì, một ngôi trường có truyền thống hiếu học.

Từng ngày, từng ngày khám phá thế giới qua internet, Trức tìm khiếm được tri thức, khám phá thế giới.

Nhờ bài thuyết giảng của nhà giáo Nguyễn Lân Dũng cậu học trò Nguyễn Văn Trức càng thêm củng cố niềm say mê của mình với Công nghệ thông tin. (Ảnh: Lại Cường)

Trức cho biết: “Em cũng đã xác định Công nghệ thông tin không chỉ là một ngành mà em yêu thích mà nó còn là ngành nghề phù hợp nhất với bản thân em. Em muốn tự lực kiếm tiền nuôi cuộc sống của chính mình để đỡ đần cho bố mẹ.

Nhờ mạng máy tính mà em biết nhiều bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thậm chí có người khó khăn hơn mình nhưng nghị lực vươn lên rất lớn. Em phải học tập họ rất nhiều”.

Trức cũng cho biết, khi nghe thầy giáo Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về cuộc cách mạng 4.0 em càng hiểu tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong thời gian tới.

Ở một cấp học mới, kiến thức khó hơn, khó khăn nhiều hơn nhưng Trức tự tin sẽ không nản trí để đạt được ước mơ. Em cũng noi gương chị Lê Thị Thắm, anh Mười Bơ (những nhân vật mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể) để vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Chia sẻ về người bạn của mình, em Nguyễn Minh Huế, lớp trưởng lớp 10G cho biết: “Trức là một người bạn đặc biệt của lớp. Bạn ấy rất hòa đồng với mọi người và cũng hay giúp đỡ các bạn trong lớp học tập”.

Kết luận về cậu bạn của mình, cô lớp trưởng hóm hỉnh: “Trông thế này thôi mà nghịch phết đấy ạ”.

Không chỉ Nguyễn Văn Trức, thầy và trò Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp Việt Trì đã có buổi hội thảo đầy ý nghĩa đối với Giáo sư-Nhà giáo dân dân Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: Lại Cường)

Nói về Nguyễn Văn Trức, cô Phạm Thị Bích Liên - Hiệu phó Trường Trung học phổ thông Công Nghiệp Việt Trì cho biết: “Em Trức tuy là một học sinh khuyết tật nhưng có sức học rất khá, đặc biệt Trức rất ngoan và hòa đồng với bạn bè. Trức cũng là tấm gương cho mọi người noi theo”.

Lại Cường

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-giao-nguyen-lan-dung-chap-canh-uoc-mo-cho-cau-hoc-sinh-kem-may-man-post185086.gd