Nhà giáo nghèo và hơn 25 năm dạy học

'Cảm ơn thầy người lái đò thầm lặng/ Chẳng quản gió mưa bụi phấn mờ vai áo/ Tận tình với em qua những lời chỉ bảo/ Sống trên đời đâu chỉ có vinh quang'? Đọc những câu thơ trên, ít ai có thể ngờ được đó là bài thơ do chính cậu học trò 10 tuổi làm ra để tặng người thầy - người cha thứ 2 của cậu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cậu học trò Nguyễn An, một tay cầm bông hoa thắm, tay kia liên tục khua qua, khua lại vì đám bạn cười đùa khi cậu bước lên bục giảng tặng thầy món quà 20/11 muộn. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người đã không khỏi bùi ngùi, xúc động.

Hàng ngày, thầy Tư vẫn đến lớp để được nghe tiếng nói cười của các em nhỏ.

Cơ duyên đến với nghiệp “trồng người”

Nhà giáo mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là thầy Huỳnh Văn Phê (SN 1941, quê Bến Tre, hiện đang tạm trú tại khu phố Tân Lập, TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Vào một chiều giữa tháng 11, phóng viên có dịp tiếp xúc với thầy Tư Phê - theo cách gọi thân mật của các học sinh và sinh viên phụ giảng tại “Lớp học tình thương” của thầy. Trải lòng về cơ duyên đến với cái nghiệp “dạy chữ” đã theo mình suốt hơn 25 năm, thầy chia sẻ: “Tôi vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống dạy học. Hai ông cậu của tôi lúc đó (năm 1945) còn là giáo viên dạy lớp bình dân học vụ ở Bến Tre. Vì vậy, khi vừa lên 4, tôi đã được tiếp xúc với con chữ. Thế nhưng, giữa thời “bom rơi, đạn lạc” ấy việc học cũng không được duy trì. Thanh niên trai tráng đều phải ra chiến trường, theo tiếng gọi của tổ quốc, không còn ai ở lại dạy học. Những đứa trẻ như tôi phải tụ lại với nhau tự học, từ đó mơ ước được làm một nhà giáo xuất hiện trong trí tưởng tượng “non nớt” của tôi”.

Lớn thêm một chút, năm 18 tuổi, ước mơ một lần được đứng trên bục giảng vẫn cháy bỏng trong lòng chàng thanh niên. Thế nhưng vì gánh nặng mưu sinh tôi đành gác lại ước mơ, tập trung cho lao động sản xuất. “Đến năm 1975, khi hòa bình lập lại, non sông quy về một mối tôi mới có cơ hội đọc những lời trăn trối của Bác Hồ trong di thư. Trong đó có đoạn Bác nói về “giặc dốt, giặc nát”, trong khi tôi là người “biết chữ” nhưng không biết làm cách nào để truyền đạt đến mọi người. Suy nghĩ đó cứ thôi thúc tôi từng ngày. Đã có lúc tôi bàn với vợ rằng sẽ mở một lớp học tại quê hương, nhưng thời đó ăn còn không có, chớ nói gì chuyện học, nhận thức của người dân vùng quê nghèo lúc đó cũng không mấy quý “con chữ”, nên ước mơ của tôi lại một lần nữa dở dang” - thầy Tư nhớ lại.

Thầy còn nhớ như in ngày cùng vợ khăn gói lên Sài Gòn lập nghiệp. Ngoái nhìn mảnh đất Bến Tre lần cuối, người thanh niên Huỳnh Văn Phê nuối tiếc gửi ước mơ bao lần dở dang của mình lại để chuyên tâm làm ăn. Lên Sài Gòn, thầy được một công ty trên địa bàn thị xã Dĩ An, Bình Dương nhận vào làm bảo vệ, còn cô Lành (vợ thầy Tư) cũng trở thành một giáo viên dạy cấp 1 trên địa bàn.

Ngày ấy, nơi đây đất rộng, người thưa. Chủ yếu là dân lao động nghèo tập trung lại để làm thuê cho các lò gạch. Đất nước phát triển, số lượng lao động ở đây cũng tăng lên. Hàng ngày, người lớn tỏa đi các lò gạch làm việc. Còn con cái họ, những đứa được việc thì cho theo phụ giúp, những đứa còn nhỏ thì chẳng ai trông nom. Vốn xuất thân từ “dân lao động” nên những đứa trẻ này rất ngịch ngợm, lâu ngày trở nên khó bảo. Chứng kiến những cảnh tượng ấy, trong đầu anh bảo vệ Tư Phê lại xuất hiện hàng loạt câu hỏi: Chẳng lẽ đời cha mẹ tụi nó như vậy, đến đời tụi nó cũng không thể biết mặt “con chữ”? Chẳng lẽ cứ mãi luẩn quẩn với cái nghèo, cái dốt? Ước mơ ngày nào lại trỗi dậy trong lòng ông. Ông bàn với vợ mở lớp học tình thương và được cô Lành nhất trí.

Thế là từ một anh bảo vệ, ông đã trở thành thầy giáo!

Các sinh viên phụ giảng tại lớp học tình thương.

Lũ trẻ hồn nhiên chơi đùa.

Lời hứa: “Dạy học đến cuối đời”

Ngày mới mở lớp, số lượng học sinh còn ít nên một mình thầy Tư đứng lớp. Lâu ngày, tiếng tốt vang xa, số lượng học sinh đến lớp đông dần, cô Lành phải ở nhà phụ giảng. “Nhiều người cứ sáng ra là đưa con đến lớp học rồi qua các lò gạch làm, chiều đến lại đến đón con về. Lũ trẻ nhờ thế mà quen biết nhau, gắn kết lắm” - thầy Tư tươi cười.

Đến bây giờ, khi sắp bước sang tuổi 25, “Lớp học tình thương” của thầy Tư đã tiếp nhận, dạy con chữ đến gần 2.000 đứa trẻ. Đây có thể được coi là nơi ươm mầm ước mơ của hàng chục thế hệ. Nhiều người sau này đã thi đậu vào các trường đại học lớn trên địa bàn TP.HCM, nhiều người cũng đã xây dựng gia đình, nhưng thi thoảng các cô, cậu học trò cũ lại trở về thăm mái nhà đã gắn bó suốt những năm tháng ấu thơ. Với thầy Tư, đó là nguồn động viên, khích lệ to lớn!

“Ngày ấy, căn bệnh hen suyễn khiến tôi thường xuyên bị tức ngực, khó thở. Nhưng học trò vẫn ngày ngày đến lớp. Bản thân tôi là một người thầy sao nỡ để tụi nhỏ xách cặp ra về. Ấy vậy mà khi đến lớp, nghe thấy tiếng nói cười trong sáng của học trò, mọi mệt nhọc dường như tan biến. Từ đó, tôi đã hứa rằng sẽ dạy học đến khi nào không còn sức nữa, tôi muốn đem hết nhiệt huyết mấy mươi năm nay truyền lại cho lớp trẻ”.

Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 75, thầy Tư vẫn nguyên vẹn lời hứa hôm nào. Hàng ngày, ông vẫn đến lớp theo dõi những sinh viên phụ giảng, lắng nghe những tiếng nói cười hồn nhiên của những đứa trẻ. Nhìn vào đôi mắt của người thầy tóc đã bạc phơ, người viết lại không khỏi ngậm ngùi. Khâm phục thầy - người thầy của tình thương!

Lớp học tình thương của thầy Tư được xây dựng trên mảnh đất của một lò gạch.

Bạn Nguyễn Thị Huyền Trân (SN 1998, sinh viên năm 2 Trường Đại học Tự Nhiên) tâm sự: “Em biết đến lớp học tình thương của thầy Tư thông qua hoạt động Đoàn - hội trong Khoa. Ban đầu khi mới đứng lớp, bọn trẻ ở cái tuổi nghịch ngợm này quậy phá lắm. Em nói cái gì nó nhại lại y như vậy, có lúc tủi thân quá em đã khóc ngay giữa lớp, nhưng được thầy Tư động viên, chia sẻ. Để rồi không biết từ lúc nào em cảm thấy yêu những cái tinh nghịch, hồn nhiên đó. Vì vậy, dù việc học có bận đến đâu em vẫn cố gắng sắp xếp để ít nhất một tuần 2 buổi đến với lớp học này”.

Bài & ảnh: Quang Linh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nha-giao-ngheo-va-hon-25-nam-day-hoc-d63434.html