Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo: Chú trọng truyền cảm hứng và đổi mới phương thức giảng dạy

Vào ngày cuối cùng xét tặng giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo, 38 hồ sơ tham dự khối THPT đã cho thấy những khía cạnh mới về sự sáng tạo của các nhà giáo hiện nay.

Khơi gợi tình yêu của học trò với việc học

Ghi nhận ở khối THPT, nhiều nhà giáo không chỉ đơn thuần tập trung vào việc sáng tạo, cải tiến đồ dùng dùng dạy học, mà còn tích cực đổi mới phương pháp dạy học trên lớp. Các thầy cô tìm cách kết nối thường xuyên và gần hơn với cuộc sống hàng ngày của học sinh thông qua việc tận dụng mọi tính năng của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để trao đổi bài tập, giúp các học trò tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn.

Một trong những phần trình bày để lại ấn tượng đặc biệt trong khối THPT, cô Nguyễn Kim Anh (Giáo viên bộ môn Ngữ văn trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa) đã chia sẻ về hàng loạt các hoạt động trải nghiệm mà cô xây dựng dành cho các học trò. Từ hoạt động xây dựng văn hóa đọc sách trong nhà trường tới những chuyến đi hàng năm đưa học sinh tới thăm tất cả các nghĩa trang miền Trung, đến thăm các di tích lịch sử... cô Kim Anh đã và đang thắp lên trong các học trò không chỉ tình yêu với môn Văn mà còn là gieo những hạt giống tâm hồn đẹp, giúp học trò hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của môn học.

Cô Nguyễn Kim Anh đem đến những giây phút xúc động trong ngày thi. (Ảnh: BTC)

Với trường hợp nhà trường không đủ kinh phí tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, cô Kim Anh cũng chủ động gợi ý giải pháp thay thế như cho học sinh viết văn với những đề văn “bẫy”, khuyến khích các em tự do kể câu chuyện thật và đưa ra quan điểm cá nhân của mình. Khi chấm những bài văn này, cô thường lưu tâm tới cả những phần học sinh đã gạch xóa. Thông qua đó, cô khám phá ra những mơ ước thật sự của học sinh, từ đó thôi thúc các em thể hiện cảm xúc, cái tôi và giúp các em hiện thực hóa những mơ ước.

Để lại dấu ấn đặc biệt về phương pháp giảng dạy tích cực, thầy Phạm Thế Mạnh (Giáo viên bộ môn Toán, trường THPT Yên Hòa - Cầu Giấy) cho rằng: “Nhà giáo cần chú trọng việc xây dựng phong thái, điều tiết cảm xúc sự nhiệt tình, quan tâm đến học sinh. Thực tế có một số thầy cô vô tình nâng cao quan điểm chuyên môn mà quên đi những cảm xúc của học sinh”.

Theo thầy, một khi đã lên lớp, giáo viên cần bỏ lại chuyện cá nhân cũng như những cảm xúc riêng tư sang một bên và chỉ chú tâm vào lớp học. Khởi đầu lớp học, giáo viên cần quan sát, lắng nghe để xét đoán cảm xúc của các học trò, qua đó mới đưa ra cách thức giảng dạy phù hợp trong tiết học ngày hôm đó. Nếu học sinh đang ủ rũ thì nên có những hoạt động khởi đầu tiết học sôi nổi, có như vậy thì học sinh mới được kích thích những cảm xúc tích cực và từ đó thu nhận kiến thức dễ dàng hơn.

Sáng tạo để truyền cảm hứng theo cách mới

Trên cương vị giám khảo của Hội đồng chuyên môn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Trưởng phòng Đào tạo - Hệ thống Giáo dục HOCMAI) nhận định: “Nhiều giáo viên thật sự sáng tạo khiến tôi bất ngờ. Các thầy cô đã tự mình thay đổi để thích nghi với nền giáo dục thời đại mới. Nhiều giáo viên còn vận dụng cả E-learning vào giảng dạy cho học sinh, tôi đánh giá rất cao việc này”.

Thầy Phạm Thế Mạnh trình bày những tâm huyết của mình trước Hội đồng chuyên môn. (Ảnh: BTC)

Thầy Phạm Thế Mạnh cũng là một trong những nhà giáo đã tích cực áp dụng việc học trực tuyến vào giảng dạy. Không chỉ xây dựng hệ thống tài liệu tự học bao gồm các video bài giảng trực tuyến, thầy còn kết hợp phân tầng kiến thức, giúp học sinh yếu kém có thể tự học tại nhà. Song song với đó, thầy thực hiện đánh giá quá trình học tập, đánh giá sự tích cực của học sinh thông qua các hoạt động chuyên đề ngoài giờ lên lớp bên cạnh cách đánh giá thông qua các thước đo truyền thống như bài kiểm tra, bài thi cuối kỳ… Bằng cách này, những học sinh có khả năng tư duy kém hơn các bạn đồng trang lứa cũng không nản chí mà nỗ lực phấn đấu suốt quá trình học tập.

Đứng trước yêu cầu thi cả lý thuyết lẫn thực hành của kỳ thi học sinh giỏi những năm gần đây, nhiều học sinh trường chuyên Nguyễn Huệ e ngại và từ chối việc vào đội tuyển tham dự. Điều này khiến thầy Trịnh Văn Hòa (Giáo viên bộ môn Vật lí - trường THPT chuyên Nguyễn Huệ) trăn trở làm thế nào học sinh có thể yêu thích và chịu khó ở lại với môn Vật lí lâu dài. Sau cùng, thầy nhận ra rằng phải tạo điều kiện để các học trò được thí nghiệm thực tế thật nhiều, có như vậy học trò mới say mê và chịu khó tìm hiểu. Từ đó, thầy nhận chuyên hướng dẫn các buổi thực hành cho học sinh. Kết quả, các học trò dưới sự dìu dắt của thầy đều liên tiếp đã giành danh hiệu Học sinh giỏi Quốc gia qua các năm.

Kết thúc ngày cuối của Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng: “Ngoài việc sáng tạo đồ dùng dạy học, nhiều thầy cô đã quan tâm đến cả phương pháp giáo dục phù hợp với tâm lí lứa tuổi, đặt ra vấn đề xây dựng lớp học tích cực. Đây là điều mà chúng ta đang triển khai thực hiện, chưa hoàn thiện nhưng ngay ở đây đã có nhiều giáo viên có xu hướng áp dụng thành công. Tôi cho rằng điều này cần được phát huy”.

PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nha-giao-ha-noi-tam-huyet-sang-tao-chu-trong-truyen-cam-hung-va-doi-moi-phuong-thuc-giang-day-81901.html