Nhà giáo Hà Lê Anh: Người gieo hạt giống thiện lành...

Gần 30 năm trước, cậu học trò Đỗ Nguyên Tín theo cha mẹ từ huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) vào mảnh đất Long Khánh - Đồng Nai lập nghiệp với vô vàn khó khăn. Tại mảnh đất này, thầy Hà Lê Anh, giáo viên dạy Toán Trường PTTH Xuân Lộc, nay là Trường THPT Long Khánh đã tận tụy nâng đỡ cho trò Tín có điều kiện ăn học, gieo vào suy nghĩ của trò những hạt giống thiện lành.

Đại diện Bộ GD-ĐT trao bằng khen tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu năm 2019 cho thầy Hà Lê Anh. Ảnh: Trúc Tự

Đại diện Bộ GD-ĐT trao bằng khen tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu năm 2019 cho thầy Hà Lê Anh. Ảnh: Trúc Tự

Cậu học trò Tín ngày nào nay đã là Phó trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) và là một trong những chuyên gia đầu ngành về tim mạch nhi không chỉ tại Việt Nam mà còn có tiếng trên thế giới. “Trong lúc khó khăn nếu tôi không gặp được thầy Hà Lê Anh thì có lẽ cuộc đời tôi đã không được như hôm nay. Chính vì vậy, đi đâu và làm gì, tôi cũng luôn nhớ về tình cảm và công ơn của thầy đã dành cho tôi, từ đó làm tốt bổn phận làm người của mình” - TS.BS.Đỗ Nguyên Tín cho hay.

* “Cả đời tôi mang ơn thầy”

TS-BS.Đỗ Nguyên Tín nhớ lại: “Năm 1990 khi mới vào Long Khánh, tôi thường theo bạn bè tham gia Câu lạc bộ Toán học tại trường. Tại câu lạc bộ, thầy Anh đã phát hiện ra tôi từng đoạt giải thưởng Toán học trẻ toàn quốc. Nhờ có chung đam mê Toán học, tôi và thầy nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau. Từ tình yêu với Toán học và những ảnh hưởng của thầy, tôi từng có ý định sau này sẽ trở thành một nhà toán học chứ không phải là một bác sĩ như bây giờ”.

Ngày 17-11 vừa qua, tại thủ đô Hà Nội, thầy Hà Lê Anh đã vinh dự được Bộ GD-ĐT tuyên dương tôn vinh là một trong số gần 200 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Thầy Hà Lê Anh được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ năm học 2013-2014 đến năm học 2018-2019, đồng thời là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm học 2014-2015 và 2017-2018.

TS-BS.Đỗ Nguyên Tín xúc động cho hay: “Ngày đó nhà tôi rất nghèo, nhà thầy cũng chẳng khá hơn nhưng thầy không bao giờ lấy tiền học thêm của tôi. Có ngày tôi chỉ được ăn một bữa cơm nên khi đến nhà thầy học, thầy thường lấy đồ cho tôi ăn thêm. Cuộc sống thầy trò nghèo khó có nhau, có gì ăn nấy, tình cảm thầy trò gần gũi như cha con”.

Ông Đỗ Đình Long, cha của TS-BS.Đỗ Nguyên Tín chia sẻ: “Vợ chồng tôi mang ơn tình nghĩa của thầy Anh. Những ngày bần hàn gần 30 năm về trước, thấy vợ chồng tôi có con học giỏi nhưng lại không có tiền đóng học nên thầy đã làm đủ cách để giúp đỡ, từ không lấy tiền học thêm, cho ăn, đến đi tìm những suất học bổng để con tôi có thêm tiền ăn học”.

Ông Long nhớ lại: “Cảm mến sự hiếu học của con tôi, có lần thầy đến nhà “gom” hết bằng khen, giấy khen, giải thưởng Toán học để đi khắp nơi, thậm chí cả Sở GD-ĐT, rồi lên tận TP.Hồ Chí Minh vận động học bổng cho trò. Làm thầy thì nhiều người có thể làm được nhưng làm một người thầy có tình thương yêu học trò như thầy Anh đối với con tôi thì không phải ai cũng làm được”.

Công sức của thầy Anh dành cho trò nghèo Tín đã mang lại quả ngọt đầu mùa. Tháng 7-1991, cùng lúc trò Tín đậu 2 trường đại học, trong đó có Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh và Trường đại học bách khoa (nay thuộc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Năm đó cả trường chỉ có 3 trò đậu Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh nhưng chỉ có một mình trò Tín là đậu hệ A, không phải đóng học phí, đồng thời còn được nhận học bổng 37.500 đồng/tháng. Sau khi tham khảo ý kiến của thầy Anh, trò Tín đã quyết định chọn con đường để sau này trở thành bác sĩ cứu người.

Ông Long xúc động nhớ lại, ngày con ông lên TP.Hồ Chí Minh nhập học, ông đã nấu một nồi cháo gà, thêm mấy nải chuối chín và mời thầy Anh đến nhà chơi. “Tôi vẫn nhớ như in những lời thầy Anh dạy con tôi gần 30 năm trước, trước khi con lên đường nhập học, dù làm gì cũng phải giữ chữ tín, sự thật thà và lòng thương người. Nếu sau này làm bác sĩ mà không có chữ tín, không thật thà, không thương người thì không tốt cho xã hội. Những lần con tôi đến thăm thầy, thầy đều nhắc đi nhắc lại cho con những bài học về làm người” - ông Long kể.

* Nhớ lời thầy làm người tốt

Thầy Anh kể, lần đầu ông gặp trò Tín, cậu học trò nghèo quê Bình Định vào Long Khánh dáng người nhỏ con, ốm và đen nhẻm. Tuy vậy, chỉ lần đầu tiếp xúc ông đã phát hiện ra Tín là người thông minh, sáng dạ và rất ham học. Ngày đó, mấy bạn trong Câu lạc bộ Toán học của trường thường mang đề Toán ra thách đố Tín giải, dù là những đề rất khó và phức tạp nhưng Tín vẫn nhanh chóng tìm ra đáp án chính xác. Chỉ một thời gian ngắn, Tín trở thành “thần tượng” về Toán học của câu lạc bộ và của trường.

TS-BS. Đỗ Nguyên Tín (thứ 3 từ trái qua) sau ca mổ tim với các bác sĩ chuyên gia đầu ngành về tim mạch thế giới. Ảnh: NVCC

“Hiện tại, trò Tín đã trở thành niềm tự hào của tôi. Điều tôi cảm thấy tự hào nhất về cậu học trò ngày nào là luôn biết thương người”- thầy Anh nói.

TS-BS.Tín thì chia sẻ: “Thầy Anh là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Tôi coi thầy như người cha thứ hai của cuộc đời mình. Những năm học đại học ở TP.Hồ Chí Minh rồi đi tu nghiệp sinh ở nước ngoài, cuộc sống có những lúc gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi luôn nhớ đến những lời dặn của thầy để học tốt, làm việc thật tốt. Dù quá khứ khó khăn, hay hiện tại tốt đẹp thì tôi vẫn nhớ tới công ơn của thầy dành cho tôi”.

Trò Tín của thầy Anh nay đã trở thành một bác sĩ chuyên khoa tim mạch hàng đầu tại Việt Nam và có tiếng trên thế giới ở chuyên ngành này. TS-BS.Tín đã mổ tim cho trên 10 ngàn trẻ em, đồng thời còn có nhiều đề tài khoa học có giá trị về điều trị tim cho bệnh nhi. TS-BS.Tín còn là người tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về tim mạch ở các nước trên thế giới, làm công tác đào tạo chuyên về tim mạch nhi cho các bệnh viện lớn tại TP.Hồ Chí Minh.

TS-BS.Đỗ Nguyên Tín nói: “Càng trưởng thành tôi lại càng thấm thía công ơn và những lời dạy bảo của thầy. Không có những người thầy như thầy Hà Lê Anh chắc chắn không có tôi của hôm nay”.

TS-BS.Tín chia sẻ: “Tôi luôn nhớ về tấm gương của thầy Anh. Ngoài công việc ở bệnh viện, ở giảng đường đại học, đi chia sẻ kinh nghiệm về điều trị tim cho bệnh nhi, tôi còn đi khám tim miễn phí cho nhiều người”.

TS-BS.Tín tâm niệm: “Ngày xưa khó khăn, tôi đi học thầy giáo không lấy tiền học phí, đến nhà học thầy còn cho tôi những bữa ăn ngon, thầy còn chạy vạy khắp nơi vận động học phí cho tôi. Nay thành đạt, tôi phải làm tất cả những gì có thể để đáp lại những điều đã nhận được. Khi nào còn làm việc, tôi sẽ làm theo tấm gương và lời dặn dò của thầy để giúp đỡ cho đời”.

Chia sẻ thêm về tình cảm và những công ơn của thầy Hà Lê Anh dành cho mình, TS-BS.Tín cho biết, dù công việc rất bận rộn, nhưng năm nào ông cũng dành ít nhất 2 lần về thăm thầy Anh tại TP.Long Khánh, đó là ngày mùng 3 Tết và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Có những dịp vì bận đi công tác, ông gọi điện thoại về hỏi thăm, chúc mừng thầy. Mỗi lần về thăm lại thầy giáo cũ, ông lại cảm thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh để làm tốt công việc cứu chữa cho những bệnh nhi có hoàn cảnh bệnh tật ngặt nghèo...

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201911/nha-giao-ha-le-anh-nguoi-gieo-hat-giong-thien-lanh-2975819/