Nhà giáo cũng cần phải được giáo dục

'Bản thân nhà giáo dục cũng cần được giáo dục' là câu cách ngôn của C.Mác khi bàn về giáo dục và vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong sự nghiệp 'trồng người'. Được cả xã hội đề cao, tôn vinh là 'nghề cao quý', nhưng sự trân quý ấy không phải nghiễm nhiên, mặc định có sẵn mà là quá trình đấu tranh bền bỉ của người thầy trong việc chiến thắng chính bản thân mình để làm mẫu hình chung cho nhiều thế hệ. Nói một cách biện chứng như C. Mác, người làm giáo dục phải không ngừng tự đào tạo và phải được giáo dục, rèn rũa thường xuyên thì mới trở thành người thầy chân chính, đích thực. Câu nói của C. Mác dù cách nay hàng thế kỉ nhưng vẫn vẹn nguyên tính thời sự sâu sắc.

Nghề dạy học - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Ảnh minh họa

Giáo dục vì đâu đến nỗi…

Không thể phủ nhận những thành tựu to lớn của giáo dục nước nhà trong suốt chiều dài lịch sử với nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, góp phần đắc lực vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, những vụ việc xảy ra trong đời sống, môi trường giáo dục thời gian qua khiến cho những người có trách nhiệm và dư luận xã hội không khỏi buồn lòng với nhiều cảm xúc, tâm trạng trái chiều: vừa tin tưởng, kỳ vọng, vui mừng; vừa hoang mang, phẫn nộ, mất niềm tin

Trong nhiều môi trường sống thì môi trường giáo dục, nhà trường được coi là không gian đáng sống, trong sạch, liêm khiết, cao quý nhất. Ở đó có những tấm gương thầy cô giáo truyền ngọn lửa nhiệt huyết về niềm đam mê nghiên cứu học hành, dạy cho tuổi thơ trong trắng những bài học đầu tiên về lẽ phải, sự công bằng, nhân lên lòng thương yêu, nhân ái, giúp xã hội có được những lớp người “vừa hồng, vừa chuyên”. Sứ mệnh ấy vẫn luôn được đa số các nhà giáo, nhà trường ra sức thực hiện.

Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, mặt trái của quá trình thương mại hóa đã xâm nhập, tác động lớn vào tư duy, cung cách của những nhà quản lý giáo dục nên dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về cấm dạy thêm, học thêm thì khi về đến các cơ sở giáo dục lại dường như bị vô hiệu hóa bởi muôn vàn lí do, trong đó có lí do lợi nhuận, thu nhập của thầy cô và nhà trường tăng lên. Bên cạnh đó, những đề án cải cách giáo dục về đổi mới nội dung chương trình, kiểm tra đánh giá, phương pháp giảng dạy, áp dụng những mô hình dạy học mới của nước ngoài với những bước đi vội, thiếu kiểm nghiệm thực tiễn, không phù hợp, gây những lãng phí lớn về nhân lực, tiền của, làm xáo trộn tâm lí của học sinh, phụ huynh và nhà trường.

Một vấn đề khác trở thành căn bệnh kinh niên trong đời sống giáo dục là tình trạng chạy theo thành tích, hư danh bằng mọi cách. Những con số phần trăm tròn trịa về tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, tỷ lệ đỗ đại học năm sau cao hơn năm trước, nhìn bề ngoài là tín hiệu mừng, nhưng thực chất ở nhiều nơi sự đánh giá đó không dựa trên những tiêu chí khoa học và năng lực thực sự của các em mà do ý muốn chủ quan của người thầy, người quản lý và tâm lí phụ huynh “thích khoe con hơn khoe của”. Và đáp ứng sự háo danh, ưa hình thức, chạy theo tâm lí đám đông, nhiều trường Đại học được mở ra để rồi khốn đốn trong việc chiêu sinh, để những ngôi trường khang trang, hiện đại xây xong không có bóng người.

Vụ sửa điểm thi mới đây tại Hà Giang gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức, nhân cách người thầy, người quản lý giáo dục

Vì chạy theo thành tích, thích khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, nhiều cơ sở giáo dục đã đánh mất niềm tin vì những con số ảo, những trang học bạ, những tờ giấy khen đẹp mắt để vừa lòng mong mỏi, kỳ vọng của phụ huynh. Chính căn nguyên đó đã làm nảy sinh thói giả dối, sự mất công bằng, phá vỡ mục tiêu, sứ mệnh cao quý của nghề trồng người. Những vụ việc gian lận trong thi cử mà báo chí phanh phui, nhất là vụ sửa điểm thi của Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang với 114 em được nâng điểm đã gây rúng động dư luận, phản ánh những lỗ hổng trong quy trình thi, gây những tổn thất nặng nền về tinh thần, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào tính minh bạch, chính xác, công bằng của kỳ thi, gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức, nhân cách người thầy và những người quản lý giáo dục cũng như một bộ phận lớn phụ huynh, học sinh. Để đạt được danh vị, con đường tươi sáng, êm đẹp cho con cái, nhiều gia đình sẵn sàng đánh đổi mọi mọi giá, kể cả tiền tài, lương tâm, danh dự. Và hậu quả từ những vụ việc liên quan đến giáo dục sẽ để lại những sang chấn tâm lí nặng nền, ám ảnh nhiều thế hệ, nhất là những em học sinh. Đôi khi “những chủ nhân” tương lai lại là những nạn nhân bất đắc dĩ, thành con rối, trò chơi cho người lớn điều khiển, sai khiến, sắp đặt. Đúng như Nigaviet từng viết: Một vị bác sĩ tồi có thể sẽ giết chết một vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể sẽ giết chết một vài đạo quân, nhưng một người thầy giáo tồi chắc chắn sẽ giết chết nhiều thế hệ. Vì thế, người lớn, nhất là đội ngũ những người thầy phải sống tử tế, phải trở thành những tấm gương sáng cho lớp trẻ học tập, noi theo.

Trong khi cả nước chung tay, quyết tâm thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với những phẩm chất yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, xã hội kỳ vọng, tin tưởng vào đội ngũ nhà giáo sẽ góp phần hình thành nên những con người XHCN để sớm xây dựng thành công CNXH ở nước ta, thì những năm qua những vụ việc liên quan đến sự suy thoái đạo đức người thầy khiến cho việc đạt được những mục tiêu ấy còn xa.

Nhà trường là một thiết chế văn hóa-xã hội đặc biệt, nơi ươm mầm tri thức, tài năng, nơi người dân đặt trọn niềm tin, sự kỳ vọng. Nhưng trong cơ chế thì trường, nhiều người có suy nghĩ lệch lạc, coi nhà trường như một cửa hàng dịch vụ, tiền trao cháo múc, vận hành cơ sở giáo dục theo quy luật cung cầu, giá cả hàng hóa, vì thế dẫn tới những hành vi phản cảm như nhà trường thu - chi tài chính không rõ ràng; tham nhũng tiền, khẩu phần ăn của trẻ; bạo hành, tra tấn người học, nhất là những đứa trẻ bằng đòn roi, mắng chửi; xâm hại, quấy rối tình dục học sinh; đổi tình tiền lấy điểm số; phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi; nhà giáo bị ép đi tiếp rượu quan khách; để được đứng lớp thầy cô phải chạy tiền mua biên chế; vì đồng lương ít nhà giáo phải làm thêm nhiều nghề như bán hàng online, thậm chí buôn bán ma túy… Những hiện tượng phản cảm ấy không dễ bắt gặp trong nhiều môi trường giáo dục, làm xấu xí hình ảnh về người thầy đạo cao đức trọng, tài năng, nhân cách hơn người.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng ấy có nhiều, khách quan lẫn chủ quan nhưng chính yếu nhất vẫn là ở mỗi cá nhân. Trước cám dỗ của đồng tiền, danh vị; sự chi phối của nhiều mối quan hệ; sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thiếu quyết liệt, nghiêm minh của những người đứng đầu; sự đồng lõa, thỏa hiệp, tiếp tay của phụ huynh và những thế lực có tiền, quyền; sự thiếu bản lĩnh của chính người làm giáo dục… đã để xảy ra những vụ việc gây xôn xao dư luận, làm méo mó, ô nhiễm về một môi trường vốn được xem là tôn nghiêm, cao quý.

Nhìn thẳng vào sự thật để không ngừng vươn lên

Nghề “trồng người”, từ xưa đến nay luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Cùng với môi trường giáo dục trong gia đình thì giáo dục ở nhà trường có vai trò quyết định hình thành nên những thế hệ người và kiểu xã hội do chính giáo dục tạo ra. Đánh giá về vai trò của người thầy và môi trường giáo dục, nhiều chính khách và danh nhân cho rằng: Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học (Comenxki), Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế (Lý Quang Diệu), Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người (Hồ Chí Minh)… Giáo dục có vai trò, sứ mệnh đặc biệt trong việc hình thành “nguyên khí quốc gia”, tạo nguồn lực nội sinh để duy trì sự ổn định và phát triển đất nước. Vì thế người làm giáo dục phải ý thức rõ hơn ai hết về trọng trách của bản thân trước nhân dân, đất nước.

Đánh giá cao tầm quan trọng của người thầy, C. Mác lưu ý một điều quan trọng: Người làm giáo dục trước hết phải là người được giáo dục và Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục. Sự học là vô tận và để trở thành người đúng nghĩa với danh hiệu cao quý ấy, mỗi cá nhân phải không ngừng tự học hỏi để vươn lên, khắc phục những khuyết tật, sai lầm, rút ra bài học kinh nghiệm để quyết tâm sửa chữa.

Một trong những hạn chế của chính đội ngũ thầy cô giáo là nặng về tri thức sách vở, kinh viện hàn lâm, thiếu những tri thức, kỹ năng sống; khả năng tương tác, bao quát, phối hợp giữa các môn học chưa nhịp nhàng, thiếu nhất quán và tính đồng bộ. Tâm lí hưởng lương, biên chế suốt đời tạo ra sự trây ì, lười đọc, lười suy nghĩ, an phận thủ thường, ít đầu tư cho sáng tạo, lòng nhiệt huyết với nghề giảm theo thời gian. Đăc biệt là thiếu tri thức về pháp luật, khả năng xử lý tình huống chưa nhanh nhạy, kịp thời… Vì thế đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trước hết là đổi mới tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, tận tâm, tận lực với nghề bằng tình thương yêu, trách nhiệm với thế hệ trẻ và tương lai đất nước.

Bất kể một phi vụ tiêu cực liên quan đến nhà giáo và môi trường giáo dục không chỉ làm tổn thương những người trong nghề mà toàn xã hội, bởi trong sâu thẳm tâm hồn, trái tim mỗi người Việt đều dành những tình cảm cao đẹp nhất về người thầy và tuổi đến trường hồn nhiên, trong sáng. Trong bối cảnh phức tạp của thời kỳ quá độ với sự đan xen, đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa sự lạc hậu, bảo thủ với tiến bộ, văn minh; giữa thói quen tùy tiện, địa phương chủ nghĩa với lối sống theo Hiến pháp, phát luật, vì cộng đồng… đòi hỏi mỗi người thầy phải nâng tầm nhận thức, sống đúng chuẩn mực, làm gương cho người khác noi theo. Đồng thời không ngừng lan tỏa những giá trị cao đẹp đến với mọi người, nhất là các em học sinh.

Nhìn thẳng vào sự thật, nói lên tiếng nói của sự chân thành, dám đương đầu, đấu tranh với sự sai trái, đi ngược lại quy luật và lợi ích của học trò, tạo ra môi trường giáo dục nhân văn, dân chủ, tôn trọng sự tự do, sáng tạo của thế hệ trẻ. Để trở thành người thầy đúng nghĩa, nhà giáo cũng phải được giáo dục bằng nhiều con đường, trong đó có con đường tự học, được bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan và xã hội giáo dục. Không được giáo dục, không cọ sát với thực tiễn, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách thì nhà giáo sẽ tự đào thải mình trong cuộc đua khốc liệt về “tinh giản biên chế” hiện nay.

Môi trường giáo dục và nhà giáo sẽ không phát triển nếu không thường xuyên tự và được “giáo dục”; không tự đổi mới, điều chỉnh để thích ứng với nhu cầu xã hội và những đòi hỏi của thời cuộc và sự tăng tốc, phát triển của thế giới. Phẩm chất, tài năng, sự đức độ của người thầy không phải yếu tổ bẩm sinh, không thể duy trì, phát sáng mãi. Muốn có được điều ấy, nhà giáo phải học, phải được xã hội và ngay chính học trò của mình “dạy dỗ” để không ngừng trưởng thành, tiến bộ, hoàn thiện nhân cách, xứng danh với danh hiệu người thầy cao quý.

Có thể nói, những người đưa đò, chèo đò luôn phải đối diện với những thử thách, sóng gió đến từ trong và ngoài môi trường giáo dục. Để con thuyền giáo dục đến được với bến bờ thành công đòi hỏi người thầy phải không ngừng vươn lên bằng tri thức, kinh nghiệm, và sự tự giáo dục. Văn hào Nga M. Gorki từng viết: Tất cả ở trong con người, tất cả vì con người! Con Người! Tiếng ấy thật tuyệt diệu! Tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng!... Cao cả thay cái chức vị làm người trên trái đất. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm với thế hệ trẻ, ta có quyền tin tưởng nhà giáo sẽ vượt qua những trở ngại trước mắt để thực hiện thành công sự nghiệp cao cả: Tất cả vì con người, vì tương lai tươi sáng của dân tộc.

Nguyễn Huy Phòng (Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc )

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-giao-cung-can-phai-duoc-giao-duc-62763