Nhà giáo anh hùng Nguyễn Văn Bôn: Biểu tượng tinh thần của người đi gieo chữ

Là nhân vật trong tác phẩm 'Anh hùng giáo dục đầu tiên của Việt Nam và lá thư viết bằng máu' của tác giả Đỗ Doãn Hoàng, thêm một lần nữa nhà giáo Anh hùng Nguyễn Văn Bôn truyền cảm hứng, niềm tin đến các nhà giáo.

Nhà giáo Nguyễn Văn Bôn trong hành trình leo núi trở lại Mù Cả.

Nhà giáo Nguyễn Văn Bôn trong hành trình leo núi trở lại Mù Cả.

“Cha đẻ” mô hình nuôi học sinh tại nhà dân

Xuất hiện trong bài báo dung dị như chính cuộc đời, con người của mình, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn cuốn người đọc vào những việc với ông là bình thường nhưng với chúng tôi thì quá đỗi phi thường. Qua tay viết sắc sảo, chuyên nghiệp và đầy cảm xúc của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, anh hùng Nguyễn Văn Bôn giống như một “tượng đài” về sự cống hiến lớn lao cho ngành Giáo dục, cho người dân và học trò vùng cao…

Biết tin tác phẩm của nhà báo Đỗ Đoãn Hoàng đoạt giải cuộc thi, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn vui mừng chia sẻ: Mừng cho tác giả, thành quả này xứng đáng với Đỗ Doãn Hoàng bởi nhà báo viết về tôi khá nhọc công, nhưng chứa đựng cảm xúc thật và trọn vẹn với nhân vật của mình cho đến bây giờ…

Nhà giáo Nguyễn Văn Bôn sinh năm 1937 ở vùng quê Bắc Ninh, lên 7 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, bà ngoại nuôi hai anh em khôn lớn.

Học hết lớp 9, Bôn đi công tác ở Ty Thủy lợi Hà Ðông (nay thuộc Hà Nội). Năm 1956, chàng thanh niên Nguyễn Văn Bôn theo học Trường Sư phạm sơ cấp Trung ương (nay là Trường CÐSP Trung ương) rồi về dạy học ở Thái Bình. Năm 1959, theo lời kêu gọi của Ðảng và Bác Hồ đưa đội ngũ GV xung phong lên dạy học ở Tây Bắc (khi đó còn là khu tự trị Thái Mèo), Nguyễn Văn Bôn viết đơn xin đi.

Thầy Bôn nhớ mãi ngày Bác Hồ đến động viên anh em trước lúc lên đường, Bác nói: “Nếu cháu nào sức yếu, có bệnh thấp khớp hay tim mạch thì nên ở lại”. Chàng thanh niên 22 tuổi chỉ nghĩ đơn giản, mình còn trẻ phải sống có lý tưởng, phải dám làm những nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân đang cần. Anh quyết tâm ngược lên nơi rừng xanh núi đỏ với lòng nhiệt huyết, lý tưởng của tuổi trẻ. Hành trang của những người thầy giáo nhận nhiệm vụ cắm bản đầu tiên lúc đó chỉ có một chiếc chăn chiên, chiếc áo bông và nắm thuốc ký ninh để chống sốt rét.

Thời kỳ đó, có được thông tin xã Mù Cả thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tập hợp được đông số HS nhất so với các xã vùng cao dân tộc thiểu số khác. Gần như 100% trẻ em Mù Cả trong độ tuổi đến trường, trong khi các xã khác chỉ có 4 - 5 em. Về xã, thầy Bôn nghĩ cách để cả bản, xã dạy nhau học nên đề nghị xã cho nghị quyết: Mỗi bản phải cử một vài thanh niên đến học thầy Bôn mỗi tối, học liền trong hai tháng. Khi thuộc hết chữ trong cuốn sách vỡ lòng, họ trở về bản và xóa mù cho những người khác.

Sáng sớm, thầy Bôn dạy chữ cho người đi nương, rời con chữ trên bảng, họ lại được thầy Bôn lấy phấn viết chữ trên lưng trâu để vừa đi vừa ôn bài. Chiều tối là lớp học bên bếp lửa của các bà, các mẹ. Suốt nhiều tháng ròng, mỗi ngày thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Bôn đứng ở 4 lớp như thế. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả thầy và trò, năm 1963, Mù Cả là xã đầu tiên của rẻo cao phía Bắc được ghi nhận đã xóa nạn mù chữ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên khi đó đã biểu dương, thầy Bôn là “cha đẻ” của mô hình nuôi học sinh tại nhà dân ở miền Bắc. 5 năm sau ngày thầy Bôn lên dựng trường, Mù Cả trở thành gương sáng hàng đầu về giáo dục của miền núi nước ta. Đó từng là điều không tưởng với một vùng đất mông muội, tách biệt phía sau thăm thẳm núi cao mây mù với cộng đồng dân tộc Hà Nhì từng được gọi là “U ní” (mông muội). Tháng 6/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tuyên dương Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Giáo dục nước Việt Nam mới trao tặng thầy Nguyễn Văn Bôn.

Nhà giáo Nguyễn Văn Bôn xúc động gặp lại bà con người Hà Nhì ở Mường Tè.

Trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời

Lứa học trò 40 em đầu tiên của thầy Bôn năm ấy có 35 người học hành đỗ đạt, đóng góp công sức trong việc xây dựng mảnh đất Mường Tè, Lai Châu. Có những người Hà Nhì thành đạt như nguyên Ðại biểu Quốc hội khóa XII, nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu Pờ Go Sừ; nguyên Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè - Pờ Phí Nhù.

Kể lại quãng thời gian “cõng” chữ lên vùng cao, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn bộc bạch: Đó là quãng thời gian “trải nghiệm” đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Tôi yêu công việc dạy học, trân quý những người dân bản và học trò nơi “sơn cùng thủy tận” nhưng không ngại khó, ngại khổ quyết tâm học chữ.

Di sản nhà giáo Nguyễn Văn Bôn để lại không chỉ là một xã vùng cao đầu tiên xóa mù chữ cách đây gần 60 năm; là mô hình nuôi HS đầu tiên tại nhà dân được duy trì đến tận bây giờ; nhiều học trò thành đạt, đóng góp cho xã hội; góp phần thay đổi nhận thức một cộng đồng dân tộc thiểu số... Di sản của ông để lại còn là niềm tin về sự hy sinh quên mình để dám sống cho những lý tưởng tốt đẹp; biểu tượng tinh thần cho những người đi gieo chữ ở vùng cao đến tận hôm nay.

Đội ngũ nhà giáo hôm nay phải chịu không ít tác động của cơ chế thị trường, chỉ mong các thầy cô luôn giữ gìn sự trong sáng của nghề dạy học, hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho HS thân yêu… - Nhà giáo Anh hùng Nguyễn Văn Bôn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nha-giao-anh-hung-nguyen-van-bon-bieu-tuong-tinh-than-cua-nguoi-di-gieo-chu-NVXRsiTMg.html