Nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thức: Tạc hồn vĩ nhân qua phong cách cực thực

Bước chân vào không gian nghệ thuật của nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thức, có lẽ ai cũng choáng ngợp trước vẻ đẹp của những bức tượng các vị tướng tài của dân tộc. Tất cả đều sống động và vô cùng tinh tế.

Chúng tôi đến thăm xưởng vẽ của nghệ sĩ, nhà điêu khắc Trần Văn Thức, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, ở quận Tây Hồ (Hà Nội), bên bờ sông Hồng lộng gió. Anh nổi tiếng với những tác phẩm tượng danh tướng Việt Nam theo phong cách cực thực. Với phong thái chậm rãi, họa sĩ Trần Văn Thức kể về quá trình anh tái hiện những vị anh hùng của nước Việt.

Bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc bằng chất liệu silicon tại nhà xưởng của nhà điêu khắc Trần Văn Thức. (Ảnh: MH)

Bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc bằng chất liệu silicon tại nhà xưởng của nhà điêu khắc Trần Văn Thức. (Ảnh: MH)

Đi đầu về tượng cực thực

Thuộc tuýp nghệ sĩ chỉ biết cặm cụi, lặng lẽ sáng tác nên Trần Văn Thức là đề tài khá hóc búa với cánh phóng viên, nhà báo. Nhưng chẳng hiểu cái duyên nào khiến cho cuộc trò chuyện của Trần Văn Thức và nhóm chúng tôi trở nên thật rôm rả.

Chiêm ngưỡng cả dãy dài hàng trăm bức tượng (đa phần là tượng chân dung) từ nhiều chất liệu như đồng, gỗ, gốm…, chúng tôi nghe Trần Văn Thức say mê nói về những điều mình tâm đắc. Anh nói về các tượng Đức Phật, Vua Hùng thứ 18, mẹ Âu Cơ, Bác Hồ… và các tác phẩm cây mầm. Khẽ chạm tay vào những bức chân dung các danh tướng Việt Nam mà anh từng mang đi tham dự Triển lãm, nghệ sĩ Trần Văn Thức chia sẻ: “Với những tác phẩm chân dung danh tướng, tôi chọn chất liệu chủ yếu bằng đồng. Trong số đó, tôi hài lòng nhất với bức tượng Trần Hưng Đạo (1230-1300), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 -1967) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013)… Điều tôi mong muốn khi tạc những bức chân dung này là mang lại cảm giác vừa uy nghiêm, vừa thân thuộc, lại phải vừa mới mẻ”.

Ngắm bức tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được làm bằng gốm rất đẹp, tôi ngạc nhiên trước cái tài của tác giả khi lột tả được nhân vật lịch sử với bộ râu dài, gương mặt vô cùng uy nghi. Bức tượng chứa đựng điều gì đó thật lạ, dù vẫn gương mặt đó, ánh mắt đó, chòm râu đó nhưng sự oai phong thì có sự khác biệt. Ngài đeo kiếm ở lưng, một tay cầm bút, mặc chiếc áo giáp của người thắng trận trở về. Nhưng có gì đó lạ lạ.

Trần Văn Thức giải thích: “Tượng Hưng Đạo Đại vương là tác phẩm đặc biệt về một vĩ nhân. Sau khi tham khảo nhiều tư liệu mỹ thuật và khảo cổ, về những tỷ lệ vàng trong nghệ thuật… tôi quyết định chọn chiếc áo giáp cho Ngài”.

Càng ngắm những tác phẩm của Trần Văn Thức, tôi càng khâm phục sự tỉ mỉ, lòng đam mê nghệ thuật mà cụ thể là sự say mê tái hiện lịch sử của anh.

Trần Văn Thức dẫn mọi người đến căn phòng kế bên xưởng. Tất cả choáng ngợp trước những tác phẩm lớn như người thật. Ấn tượng nhất phải kể đến là bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được làm bằng chất liệu silicon với tỷ lệ 1/1 và kế bên là tác phẩm bà lão “Ngóng” đang ngồi, cũng được làm bằng silicon, giống y người thực.

Anh Mạnh Cường (nghệ nhân làng nghề La Xuyên) thích thú thốt lên: “Tôi thực sự thấy giật mình bởi những tượng này quá thật, quá sống động”.

Được biết, với lòng tôn kính, ngưỡng mộ tài đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà điêu khắc Trần Văn Thức đã dồn toàn bộ tâm huyết thực hiện tác phẩm Đại tướng đang làm việc. Tác phẩm được hoàn thành trong sáu tháng. Anh cho biết: “Điều khó khăn nhất trong suốt quá trình thực hiện là việc tôi chưa từng gặp Đại tướng ngoài đời. Do vậy, trước khi bắt tay vào làm, tôi phải mất khá nhiều thời gian để gặp những người thân trong gia đình, những cộng sự thân cận và những nhiếp ảnh gia từng chụp ảnh Đại tướng”.

Nhìn tác phẩm đẹp và “cực thực” mới thấy được sức lao động và sáng tạo của nghệ sĩ, nhà điêu khắc Trần Văn Thức đã và đang đưa giá trị nghệ thuật hiện hữu trong cuộc sống.

Không vinh quang nào trải bằng hoa hồng. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật mới hơn bảy năm, trong xưởng của nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thức đã có một bộ sưu tập đáng kể chân dung từ người bình thường đến người nổi tiếng với các chất liệu như thạch cao, đồng, composite, silicon... Sau khi bức tượng bà cụ “Ngóng” giống thật đến giật mình đoạt Huy chương đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2006-2010, và bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng được đánh giá cao thì tác giả Trần Văn Thức được biết đến như nhà điêu khắc Việt Nam đầu tiên sáng tác tượng cực thực.

Nhà điêu khắc Trần Văn Thức. (Ảnh: NVCC)

Vẻ đẹp lao động sáng tạo

Có người từng đặt câu hỏi hóc búa rằng: Liệu phong cách cực thực của anh có làm nghệ thuật bị nghèo nàn về sáng tạo? Câu trả lời là không.

Trần Văn Thức muốn đưa những gì chân thực và chân thành nhất vào tác phẩm. Anh quan niệm, người sáng tác những tác phẩm thật phải là người được đào tạo rất chuyên nghiệp và nhuần nhuyễn về tạo hình. “Tôi còn muốn làm ra được những tác phẩm thật hơn nữa. Với tôi, “cực thực” không phải là cái phi nghệ thuật mà nó mang cái thật cho đời thường, đưa cái thực vào cuộc sống”, Trần Văn Thức chia sẻ.

Khiêm tốn với nhận định bản thân là người đi đầu phong cách cực thực, nhưng Trần Văn Thức thừa nhận mình là nghệ sĩ đầu tiên dùng chất liệu silicon và làm như thực luôn. Với tỷ lệ 1:1, tác phẩm “Ngóng” được làm như thật từ cả mắt, từ mi, tóc và trang điểm như người thật. Anh cho biết, đó là chất liệu đi sâu nhất về tạo hình chân dung và như vậy, mới thỏa mãn được yêu cầu của phong cách cực thực.

“Càng sáng tác, tôi càng khao khát làm sao cho tác phẩm của mình càng thực càng tốt, để tôi kể được câu chuyện của xã hội của mình vào đó. Chẳng hạn như tác phẩm “Ngóng” thể hiện sự cô đơn của lớp người già khi rơi vào trạng thái cô đơn và bất lực. Họ phải ngồi một chỗ để chờ đợi tất cả mọi sự và chẳng còn quyền quyết định mọi chuyện trong cuộc sống như trước nữa”, anh nói.

Cứ như thế, những tác phẩm cực thực của Trần Văn Thức khiến người xem quên đi cái giống như thật bề ngoài để đi vào cái nội tâm bên trong tác phẩm.

"Với những tác phẩm chân dung danh tướng, tôi chọn chất liệu chủ yếu bằng đồng. Điều tôi mong muốn khi tạc những bức chân dung này là mang lại cảm giác vừa uy nghiêm, vừa thân thuộc, lại phải vừa mới mẻ”.

Trở lại sân, ngồi bên bàn uống nước, tôi nhận ra bên cạnh những bức tượng vĩ nhân còn có những cái tên rất mộc mạc được ghi nơi chân đế như Nguyễn Thị... Trần Văn… của khách hàng đến đặt tượng. Trần Văn Thức giải thích: “Thực chất, tạo hình nghệ thuật bằng điêu khắc trên chân dung đã có ở các nước phương Tây cách đây hàng trăm năm. Giới quý tộc muốn lưu giữ lại những câu chuyện của mình thông qua tác phẩm nghệ thuật. Ngày nay, tính văn hóa trong cộng đồng cũng ngày một nâng lên, dẫn tới xu thế ngày càng nhiều người muốn lưu lại hình ảnh của mình và người thân, nên ngày càng nhiều khách hàng đến đặt hàng tạc tượng”.

Có những khách hàng muốn tạc người thân bằng chất liệu đồng, nhưng người khác lại thích chất liệu gỗ quý. Có khách hàng sau khi mua vài bức tượng vĩ nhân của đất nước lại đặt thêm hai bức chân dung của đấng sinh thành. Họ giải thích, bên cạnh những bức tượng các thánh nhân, cha mẹ cũng chính là những thánh nhân trong lòng họ.

Trần Văn Thức nói: “Làm những tác phẩm chân dung cho khách giúp tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình và nuôi dưỡng nghệ thuật. Những lúc rảnh, tôi lại chăm lo cho những tác phẩm dự định sẽ tham dự Triển lãm”.

“Tôi không hay rạch ròi làm tác phẩm nghệ thuật hay làm sản phẩm cho khách. Với tôi, hai điều đó như hòa vào nhau giúp đôi chân bước đi trong nghệ thuật. Tôi vẫn sẽ tiếp tục kể câu chuyện cuộc sống bằng những tác phẩm sáng tạo nghệ thuật của mình, mà trước mắt phương pháp làm tượng bằng silicon cực thực sẽ giúp tôi chở được nội dung mà tôi muốn thể hiện ra trong những lần triển lãm tới”, nghệ sĩ chia sẻ.

Minh Hòa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-dieu-khac-tre-tran-van-thuc-tac-hon-vi-nhan-qua-phong-cach-cuc-thuc-193324.html