Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo: Nghệ thuật là sự tự do trong sáng tạo

Mỗi thể loại nghệ thuật có tiếng nói, ngôn ngữ và những ý tưởng riêng nhưng sự giao lưu, lan tỏa và sáng tạo nghệ thuật là vô hạn.

Việc tổ chức trại sáng tác điêu khắc đến triển lãm như “cột sóng” cộng hưởng lan tỏa và thúc đẩy sự phát triển. Lúc này nghệ thuật không chỉ đơn thuần là nghệ thuật mà nó đã mang trong mình tính phổ cập và gần hơn với đời sống văn hóa của anh em nghệ sĩ, lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

Họa sĩ Nguyễn Văn Vũ, Phạm Kiên, Quỳnh Liên

Với mong muốn biến ngôi nhà sàn của mình thành một không gian mỹ thuật riêng có, từ sự gợi ý của họa sĩ Phạm Kiên, vợ chồng nghệ sĩ Vũ – Liên đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng tạo nghệ thuật của anh em trong giới mỹ thuật và dấu ấn của năm 2017 là “Ngày hội điêu khắc 30+" . Thành quả của nhiều tháng lao động nghệ thuật, chính là cuộc triển lãm điêu khắc được trưng bày trang trọng tại Nhà sàn Liên - Vũ đúng vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30.4 và Quốc tế lao động 1.5.

Họa sĩ Nguyễn Văn Vũ và họa sĩ Phạm Kiên phát biểu khai mạc triển lãm

Phát biểu khai mạc triển lãm, họa sĩ Nguyễn Văn Vũ cho rằng: “Điêu khắc của nhóm 30+ đã qua một mùa đông, một mùa hè với nhiều cung bậc cảm xúc để có một triển lãm điêu khắc chân dung vào một ngày thời tiết rất đẹp. Trong cuộc chơi này, chúng tôi mong muốn và chú trọng tới sự giao lưu và cái tình của anh em nghệ sĩ với nhau làm sao để tình cảm ấy ngày càng thắm đượm, qua đó thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật”.

Khởi đầu cho một cuộc chơi thì nên làm về chân dung, bởi chân dung gắn kết được tình cảm giữa anh em nghệ sĩ với nhau. Nếu chỉ sáng tác đơn thuần thì sự gắn kết sẽ ít hơn. Đặc biệt, khi “đắp” cho nhau nghĩa là phải nhìn nhau, nói chuyện với nhau, hiểu về nhau và cảm được nhau -Họa sĩ Phạm Kiên.

Họa sĩ Phạm Kiên, người có ý tưởng khởi xướng cho sự ra đời của Nhóm 30+ chia sẻ: “Tôi rất xúc động bởi tình cảm anh em họa sĩ nói chung, các nhà điêu khắc với nhau trong cả một quá trình. Tôi mong muốn hội họa cũng như mỹ thuật Việt Nam được tiếp cận gần hơn với công chúng qua những chương trình tuy là nhỏ nhưng nó đã tạo hiệu ứng và mang lại hiệu quả rất lớn đối với công chúng Việt và tôi cho đó là thành công mà bất kể điêu khắc hay hội họa khi con người ta đến với nhau cũng xuất phát từ tình cảm ban đầu, bởi khi đã vẽ chân dung nghĩa là ta đã đến với nhau bằng tình cảm, dù ít hay nhiều chúng ta cũng đã nghĩ về nhau. Điều đó khơi gợi những đợt sáng tác rộng lớn hơn. Tuy nhiên, đây là bước khởi đầu nên hầu hết các họa sĩ, những nhà điêu khắc đang cố gắng tạo tác phẩm thật nhất, gần nhất với mẫu, nên chưa thực sự đạt được độ “phiêu” trong nghệ thuật. Tôi cũng nghĩ mình làm gì thì làm, nhưng tiếp cận được thị trường trong nước mới là điều quan trọng nhất”.

Tuy nhiên, điều thôi thúc mạnh mẽ cho sự ra đời của 30+, có lẽ xuất phát từ truyền thống của cả gia đình Quỳnh Liên. Cha chồng là thầy giáo - họa sĩ Nguyễn Văn Chư, mẹ là nhà điêu khắc Trần Thị Tú Miên, chồng là họa sĩ Nguyễn Văn Vũ và còn nhiều người trong gia đình hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Khi cùng họa sĩ Phạm Kiên triển khai thực hiện ý tưởng này khiến họa sĩ Ngô Quỳnh Liên càng thêm hứng khởi. Chị cho biết: "Ngoài làm điêu khắc thì cả hai vợ chồng đều muốn anh em trong nghề tụ họp nhau để có những cuộc chơi. Từ đó khuấy động phong trao điêu khắc bấy lâu dường như đang trầm lắng.

Chúng tôi muốn có những hoạt động để phát triển và gắn kết anh em nghệ sĩ, tìm tiếng nói trong giới điêu khắc nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung.Trong nhóm 30+ thì không phải tất cả là nhà điêu khắc, mà có cả họa sĩ, đạo diễn, nhiếp ảnh gia, chính trị gia, nhà văn... điều quan trọng là họ yêu thích và đam mê nghệ thuật điêu khắc. Đó là lý do, không chỉ những nghệ sĩ điêu khắc “nặn” với nhau mà để kích thích sức sáng tạo, tạo nguồn cảm hứng cho nhau từ những góc nhìn khác nhau làm cho tác phẩm có cái nhìn mới. Còn nếu chỉ nhà điêu khắc thì đôi khi tác phẩm sẽ trở nên máy móc, bài bản (anatomi), sẽ không có những chấm phá đặc biệt”.

Các tác giả chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm

Họa sĩ Ngô Quỳnh Liên: Chúng tôi muốn thổi luồng nhiệt huyết kết nối nghệ sĩ vì thế chúng tôi muốn thời gian của trại sáng tác kéo dài và được truyền tải lâu hơn. Sau triển lãm những tác phẩm điêu khắc này , mong muốn tương lai sẽ là 50+ hay 60+....

Để đáp ứng được nhu cầu sáng tạo cũng như giao lưu của các nhà điêu khắc, họa sĩ, Ban tổ chức đã chia trại sáng tác thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một bắt đầu từ 15.8; giai đoạn 2 là 15.10 với hình thức gắp thăm chọn cặp. Ví dụ như nhà điêu khắc Phú Cường, khi biết chắc nguồn cảm hứng của mình là đạo diễn Nghiêm Nhan thì ông đã về làm sẵn những phác thảo nhỏ cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc của người nghệ sĩ khi tham gia cuộc chơi vi diệu này.

Đánh giá về chất lượng nghệ thuật của triển lãm điêu khắc chân dung này, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo cho biết: “Đến đây tôi cảm nhận được không khí cởi mở, ngắm những chân dung một cách tự do trong một không gian nghệ thuật ấm áp. Nặn chân dung rất khó vì một chân dung đẹp là phải toát lên được thần thái, chứ không phải nặn chân dung cứ giống là được. Nhiều tác phẩm chân dung rất đẹp trong đó tôi rất thích bức chân dung của họa sĩ Phạm Kiên. Nghệ thuật là sự tự do, nếu chúng ta mất hết tự do trong sáng tạo mà bị gò ép vào một cái gì đó thì không thể có được nghệ thuật đích thực. Tôi thấy trại điêu khắc này nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đã thể hiện được sự tự do trong sáng tạo của mình. Tôi rất vui khi xem triển làm này, nó cho tôi một cảm giác mạnh khi ngắm các tác phẩm. Tôi hy vọng sẽ có những trại sáng tác và triển lãm tiếp theo để bản năng nghệ thuật của từng người được phát huy tối đa mang lại cho đời sống nhiều tác phẩm nghệ thuật đẹp”.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đánh giá chất lượng các tác phẩm tại triển lãm

Với nhà điêu khắc Phú Cường thì: “Đây là triển lãm đặc biệt của các họa sĩ, những nhà điêu khắc. Với 50 tác phẩm hết sức phong phú và đa dạng với nhiều phong cách sáng tạo mang dấu ấn tác giả cũng như giá trị nghệ thuật ma tác phẩm mang đến cho công chúng. Ở đây tâm hồn, sự thoải mái trong sáng tạo không bị phụ thuộc vào bất cứ kiểu thức nào đã thúc đẩy sự thăng hoa trong cảm xúc nghệ thuật của người nghệ sĩ. Tôi mong muốn lan tỏa triển lãm này ở một không gian khác để công chúng được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Và cũng mong có thêm nhiều đợt sáng tác như thế này để tạo sân chơi cho giới mỹ thuật thủ đô”.

Nữ họa sĩ Đoàn Hương cũng hứng khởi cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi nặn tượng cặp đôi với anh Long. Tôi tự vật đất, đắp, nặn theo cảm giác và góc nhìn họa sĩ, nhưng nhờ sự hướng dẫn của nhà điêu khắc Tú Miên về hình khối, tỷ lệ, nên tác phẩm cũng khá hoàn thiện. Mặc dù rất căng thẳng khi thực hiện tác phẩm, nhưng tôi mong muốn những hoạt động như thế này lan rộng để nơi đây trở thành cái nôi nghệ thuật để tất cả anh chị em họa sĩ có thể sáng, trải nghiệm và trải lòng ở nhiều khía cạnh khác nhau trong nghệ thuật, cuộc sống.

Họa sĩ Đoàn Hương và họa sĩ Tú Miên

Từ 2 trại sáng tác và cuộc triển lãm, khi cảm nhận được điều cần thiết cho nghệ thuật điêu khắc và sự lan tỏa trong lĩnh vực này, hy vọng sẽ có nhiều nhà điêu khắc đứng ra làm mạnh thường quân tổ chức những trại sáng tác hay triển lãm điêu khắc ở tầm vĩ mô hơn nữa.

Một vài hình ảnh tại triển lãm

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/nha-dieu-khac-ta-quang-bao-nghe-thuat-la-su-tu-do-trong-sang-tao-871062.html