Nhà điêu khắc Lê Công Thành: 'Vị thần cai quản phái đẹp' đã về trời

Nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành – tác giả của tượng đài Mẹ Âu Cơ bên bờ biển Đông ở Đà Nẵng, người được giới hội họa gọi là 'vị thần cai quản phái đẹp' với hàng nghìn sáng tác miêu tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ - vừa qua đời ngày 28/3 tại Hà Nội, ở tuổi 87.

 Nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành sinh năm 1932 tại Hải Châu (Đà Nẵng), nhưng tuổi thơ lại gắn bó với quê ngoại Quảng Ngãi nhiều hơn - điều này lý giải ảnh hưởng của điêu khắc Chăm vào các tác phẩm của ông, cũng như việc đề cao tính nữ ở ông có lẽ là ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ. Sau này, có lần ông trả lời báo chí: “Tôi trở thành một nhà điêu khắc vì được bao quanh bởi điêu khắc Chăm”.

Năm 1954, tập kết ra miền Bắc, Lê Công Thành học lớp Mỹ thuật kháng chiến Tô Ngọc Vân (1955-1957). Ông cũng là sinh viên của khoa Điêu khắc Trường Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957-1962) dưới sự hướng dẫn của các nhà điêu khắc nổi tiếng đương thời: Diệp Minh Châu, Nguyễn Thị Kim và giảng viên Liên Xô Givi V. Mizandari. Từ năm 1962, ông làm giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, sau đó, từ 1968 đến 1970, Lê Công Thành được cử đi thực tập điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Surikov (Moskva, Liên Xô cũ).

Sau năm 1975, ông rời trường, thôi dạy học để sáng tác tự do. Năm 1979, ông tham gia triển lãm Điêu khắc Quốc tế tại Riga (Latvia). năm 1983, ông được được bầu là Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó Chủ tịch chuyên ngành Điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989).

Là một người theo chuyên ngành điêu khắc, những năm tháng ấy, Lê Công Thành say mê với tượng đài ngoài trời. Ông cần mẫn làm tượng đài trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước như “Nữ dân quân” (1969), “Bác Hồ và cháu” (tượng tròn, 1972), “Bà má nghiền trầu” (1973), “Vân dại” (1973)…

Mạch sáng tác này vẫn được tiếp tục sau năm 1975 khi ông vẫn đi khắp nơi làm tượng đài cho tới năm 1987. Một cú ngã từ độ cao 30 m khi đang dựng tượng Núi Thành (Quảng Nam) đã làm thay đổi cuộc đời nhà điêu khắc. Không còn là những tượng đài đồ sộ ngoài trời (trừ một Mẹ Âu Cơ dựng ngoài trời ở Công viên Biển Đông, Đà Nẵng sau này), hàng nghìn sáng tác của nhà điêu khắc Lê Công Thành kể từ đó mang kích cỡ nhỏ, bày trong nhà, nhưng đã vẽ lên một Lê Công Thành khác, tài hoa đến vô cùng. Thoát chết trở về, nguồn sáng tác duy nhất của ông từ đó là cảm hứng về những hình tượng đàn bà, tròn đầy, căng tràn nhựa sống…

Tượng Mẹ Âu Cơ tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng).

Có rất nhiều giai thoại về nhà điêu khắc Lê Công Thành. Ngay cả việc phác thảo tượng đài Mẹ Âu Cơ (hay còn có tên gọi là Người đàn bà và bọc trứng) của ông được dựng tại đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng có lẽ cũng là câu chuyện vô tiền khoáng hậu về tượng đài ở Việt Nam.

Chuyện kể rằng năm 2006, nhà điêu khắc Lê Công Thành trở về Đà Nẵng, khi đứng ở bãi biển Mỹ Khê vị trí đầu đường Phạm Văn Đồng bây giờ, ông lặng người đi với một ý tưởng lóe sáng trong đầu. Trở về, ông làm phác thảo “Người đàn bà và bọc trứng”.

Tháng 5/2007, ông chủ động đến gặp ông Nguyễn Bá Thanh – lúc ấy đang là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đề nghị được dựng một tượng đài Mẹ Âu Cơ ở Công viên Biển Đông, không cần kinh phí, chỉ với 1 yêu cầu: Xin Thành phố cho ông tự dựng tượng đài đúng vị trí ông mong muốn, nhưng không ai được duyệt trước phác thảo của ông, đến ngày ông hoàn thành thì mời lãnh đạo Thành phố đến xem, thấy không được thì ông sẽ rời tượng đi.

May mắn là được ông Nguyễn Bá Thanh đồng ý. Thế là người con Đà Nẵng Lê Công Thành tự mua vật liệu, tự rào kín bốn phía Công viên Biển Đông, tự huy động thợ đục đẽo suốt ngày đêm. Tượng đài Mẹ Âu Cơ hoàn thành sau 45 ngày. Nửa đêm ngày 30/6/2007, những khối đá trắng mang hình hài của Mẹ Âu Cơ được đặt lên bệ. 7h30 phút sáng 1/7/2007, ông Nguyễn Bá Thanh đến xem. Và bắt tay nhà điêu khắc...

Từ hôm ấy, bên bờ biển Đông, có một tượng đài biểu tượng cho cội nguồn dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp vĩnh hằng của bà mẹ Việt Nam. Tượng được tạo tác với các hình khối đơn giản, thể hiện hình ảnh người mẹ với hai bầu vú no tròn bao bọc một quả trứng to, đặt trên bệ tượng hình hộp ốp đá hoa cương đen, mỗi chiều cao khoảng 3 mét. Một tượng đài ngoài trời hy hữu không phải qua các hội đồng duyệt lên duyệt xuống mà theo đánh giá của giới chuyên môn thì đó thực sự là tác phẩm đẹp ở sự cô đọng về ý tưởng, hiện đại về hình thức trong một ngôn ngữ điêu khắc mang tính tượng trưng và hài hòa với cảnh quan của Công viên Biển Đông…

Đó chỉ là một giai thoại về nhà điêu khắc Lê Công Thành. Một giai thoại có lẽ là có thật về một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Tôi còn được những họa sĩ quen biết ông kể nhiều giai thoại khác. Về họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái – một trong những sinh viên của ông đã tình nguyện cả đời ở cùng ông trong một mái nhà, cùng nâng niu những tác phẩm của ông, và chấp nhận cả những gì đem lại cảm hứng sáng tác cho nhà điêu khắc. Về những cô gái làm mẫu cho hàng nghìn tác phẩm của ông, mà có thể được ông mời về từ quán karaoke, từ quán massage… (nghe kể cô gái nào lọt vào mắt xanh được ông mời làm mẫu để sáng tác thì sẽ được ông nâng đỡ về vật chất giống như được anh hùng cứu mỹ nhân vậy).

Tượng Nữ - một tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Có cả giai thoại về một người đẹp tuổi vừa đôi mươi, nghiêng nước nghiêng thành, là người mẫu cho rất nhiều sáng tác của ông, vẫn tung tăng dạo phố cùng ông, mà đi bên cạnh một già một trẻ ấy là… họa sĩ bạn đời của ông. Bà nghe nói không chỉ chăm sóc ông, trân trọng tác phẩm của ông mà chấp nhận cả những gì thuộc về cảm hứng để ông sáng tác…

Những giai thoại này đều được kể từ lúc ông còn khỏe, còn sáng tác. Trong số các nghệ sĩ, Lê Công Thành là người có cuộc sống phong lưu nhờ bán tác phẩm. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã từng đến nhà mua tác phẩm của ông trong chuyến thăm Việt Nam đầu những năm 2000. Từ một căn hộ ở tập thể Vĩnh Hồ, ông Lê Công Thành và bà Kim Thái đã mua thêm tới 4 căn liền nhau để bày tượng và tranh cho thỏa thích. Cho nên, những giai thoại đó đều xuất phát từ một việc có thật là hàng nghìn tác phẩm của ông đều miêu tả vẻ đẹp đàn bà một cách táo bạo, không che đậy. Làm người mẫu cho ông - đương nhiên là mẫu “nuy” - và việc ông hào phóng, trân trọng người mẫu là có thật.

Ông cũng có lần thanh minh ông chỉ có một tình yêu với nghệ thuật: “Làm nghệ thuật, tôi rất xúc động trước vẻ đẹp của phụ nữ. Tôi cần vẻ đẹp mà trong tôi không có. Đó là một nửa của tôi”.

Viết đến đây, đột nhiên tôi nghĩ rằng đám tang ông hôm 30-3, hẳn có nhiều người đẹp đến đưa tiễn. Và lúc sống đã nhiều giai thoại thế, bây giờ ông mất rồi, mọi người còn kể về ông với nhiều câu chuyện thú vị hơn nữa. Một người tài hoa như ông, phong lưu và hào phóng như ông, không có chuyện mới là lạ.

Và điều này mới là đáng kể, không nghi ngờ gì nữa, Lê Công Thành là một trong những nhà điêu khắc xuất sắc nhất của Việt Nam. Ảnh hưởng từ sự hiện đại của các nhà điêu khắc bậc thầy phương Tây đến điêu khắc dân tộc như Chămpa, tượng nhà mồ Tây Nguyên, chạm khắc đình chùa Bắc Bộ… Nhà điêu khắc Lê Công Thành tìm ra được ngôn ngữ và phong cách của riêng mình, đi đến tận cùng của bản ngã con người, hân hoan trở về với nguồn cội, đề cao tính nữ, tụng ca cái đẹp. Ông dựng những tượng đài đàn bà phì nhiêu no đủ, tràn trề sức sống, những tượng đài tình yêu không khoảng cách, không che giấu, không kìm nén… thành vẻ đẹp bất tử.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2001, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt một.

Ông từng tham gia một số triển lãm tại Hồng Kông (1991), Pháp (1997 và 2004), Hàn Quốc (2007), triển lãm với nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim Thái năm 2008 và hai triển lãm tranh cá nhân 2017, 2018 tại Hà Nội.

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/nha-dieu-khac-le-cong-thanh-vi-than-cai-quan-phai-dep-da-ve-troi-tintuc433432