Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu: Người thầy của nghề và của cuộc sống

Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu nổi tiếng với bức huyết họa được vẽ bằng máu 'Bác Hồ với thiếu nhi Bắc - Trung - Nam' và bức 'Chiến sĩ Lê Hoàng Sơn hy sinh lúc xung phong tại Vàm Nước' được vẽ bằng chính máu của chiến sĩ hy sinh. Tác phẩm này hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Ông cũng chính là tác giả của cụm tượng 'Bác Hồ với thiếu nhi' trước đây được đặt trước cửa UBND TP.HCM.

Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật còn là một người thầy của nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam. Được học dưới sự chỉ bảo của một nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều học trò của ông đã lĩnh hội được tinh thần làm việc và quan điểm nghệ thuật cởi mở. Trong đó, những lời dặn của thầy Diệp Minh Châu đã đi theo các thế hệ các họa sĩ Việt Nam trên hành trình chinh phục những đỉnh cao nghệ thuật.

Phong cách người Nam bộ

Để nói về nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, có lẽ những người đã được học và tiếp xúc với ông đều nhận thấy một phong cách đặc sệt anh Hai Nam bộ, hồn nhiên, nhiệt tình, tươi nguyên và giàu cảm xúc. Chỉ có như thế, người nghệ sĩ này mới để lại cho đời các tác phẩm đi cùng năm tháng. Nhà phê bình Lê Quốc Bảo nhớ lại, một lần, ông đến gặp nhà điêu khắc Diệp Minh Châu để viết bài đăng báo. Bắt đầu cuộc trao đổi nghệ thuật đầy cởi mở, thầy vừa đàn vừa ca và kể lại những chuyện đời và đạo.

Chưa hết, sau buổi trò chuyện, dù nhà không có tiền nhưng nhà điêu khắc đã mời nhà phê bình Lê Quốc Bảo ở lại ăn với vợ chồng ông một bữa để tiện tâm tình câu chuyện. Nhưng thời đó, đời sống văn nghệ sĩ khó khăn, cứ vào cuối tháng, nhà nào cũng lo bữa no, bữa đói, nói gì tới chuyện làm cơm đãi khách. Nhưng vốn có trong mình tính cách của người Nam bộ, vừa phóng khoáng, cởi mở vừa thật lòng mà nhiều khi cũng liều nên nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã đẩy vợ và khách vào thế khó. Hiểu câu chuyện, nhà phê bình Lê Quốc Bảo một mực từ chối ra về.

Còn với họa sĩ Trần Khánh Chương, những cuộc triển lãm mỹ thuật trong TP.HCM thời gian nhà điêu khắc Diệp Minh Châu còn sống thì không thể thiếu sự xuất hiện của ông. Dù là một nghệ sĩ lớn nhưng nhà điêu khắc Diệp Minh Châu sẵn sàng ngồi trà đá vỉa hè để tâm tình với đồng nghiệp. Lối sống gần gũi và tầm ảnh hưởng của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã khiến cho các họa sĩ luôn muốn ông tới cắt băng khai mạc.

Bức tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu từng được đặt trước UBND TP.HCM

Bức tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu từng được đặt trước UBND TP.HCM

Dạy học trò cách nhìn nhận trong cuộc sống

Là một nghệ sĩ lớn, từng được tu nghiệp về chuyên ngành điêu khắc tại Viện hàn lâm mỹ thuật Tiệp Khắc năm 1952, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu tham gia giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam với một quan điểm hoàn toàn khác. Nhớ lại những ngày tháng được thầy Diệp Minh Châu dìu dắt, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành điêu khắc (Hội Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ, khác với những thầy khác, thầy Diệp Minh Châu ít quan tâm đến tỷ lệ, cấu trúc mà chỉ lưu tâm đến cách tạo khối, nghĩa là khối phải có tình cảm, có duyên, gây cho người xem thích thú.

Nhưng ở thời điểm đó, người học trò Lưu Danh Thanh không hiểu được quan điểm này. Chỉ đến khi xem thầy nặn tượng “Phú Lợi căm thù”, ông mới bắt đầu thấm điều này. Với cảm xúc dạt dào, với những cái vuốt tay thuần thục tạo khối, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã phù phép cho những tấc đất dẻo mang hình thù của những người chiến sĩ cộng sản bị tra tấn dã man, quằn quại vì đau đớn và có cảm tưởng như thấy cả tiếng thét của họ.

Không chỉ dạy học trò các kiến thức về nghệ thuật, ông còn dạy cách nhìn nhận trong cuộc sống. Có một lần, thấy thầy mua một con chuột lang về cho con trai chơi, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh chê con vật hôi, nuôi không có ích. Nhưng thầy Diệp Minh Châu lại bảo học trò, trẻ con sợ nhất là không biết yêu cái gì, nhất là con vật. Nếu nó thích thì nên chiều. Sau này khi có con, thấy con thích chơi cá thia lia, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh đã ứng dụng cách dạy con của thầy. Kết quả là, con của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh đã tìm hiểu rất sâu về loại cá này và đây có lẽ cũng là điều đã giúp con ông thành công trong sáng tác các bài hát “Con cò”, “Con nhện”, “Con ốc”.

Đến nay, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã ra đi được 17 năm nhưng công chúng và các họa sĩ vẫn luôn nhớ về ông với tư cách là một nghệ sĩ dành trọn tấm lòng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong thái gần gũi, thân tình của một anh Hai Nam bộ. Ngày 15-2 tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà điêu khắc Diệp Minh Châu với sự tham dự của nhiều nghệ sĩ tên tuổi và người hâm mộ.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nha-dieu-khac-diep-minh-chau-nguoi-thay-cua-nghe-va-cua-cuoc-song/799677.antd